Những người trẻ ở Dung Quất
- Huyệt vị
- 16:43 - 30/08/2016
1. Phụ nữ làm khoa học hiện nay không hiếm, nhưng phụ nữ làm khoa học ở “tỉnh lẻ”, như Quảng Ngãi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhân vật mà tôi muốn giới thiệu chính là Trương Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận Kiểm soát chất lượng của NMLD Dung Quất. Ở đâu cũng vậy, bất cứ một sản phẩm nào trước khi xuất xưởng đưa vào tiêu dùng đều phải qua khâu kiểm soát. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn thương hiệu của đơn vị. Vì vậy, sẽ không ngoa khi nói, chức năng và công việc của bộ phận kiểm soát chất lượng là vô cùng quan trọng. Giữa muôn vàn những tài năng đang hiện hữu ở công trình có giá trị trên 3 tỷ USD này, người được chọn để gác cổng cho khâu cuối cùng của NMLD Dung Quất, lại là một người phụ nữ gốc Quảng Ngãi.
Kỹ sư Huỳnh Ngọc Tuấn đang truyền đạt kinh nghiệm với các kỹ sư trẻ của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Hơn 15 năm trước, cô bé Thu Hà “tay xách nách mang” ra Thủ đô nhập học ngành công nghệ hữu cơ hóa dầu tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cái cảm giác lâng lâng “vừa mừng, vừa lo” khi đậu đại học cứ đeo bám mãi trong Thu Hà bởi nhiều lẽ. Con gái xứ Quảng thi đậu Bách khoa ngày ấy dĩ nhiên “không phải là dạng vừa” và lại học ở trường đa phần là nam, khiến Thu Hà phải chịu nhiều áp lực. Nhưng có lẽ khát khao cháy bỏng của cô sinh viên xứ Quảng là được làm việc ở nhà máy lọc dầu trên chính quê hương mình đã giúp Hà vượt qua tất cả. Kể về quá trình học tập và phấn đấu để vào nhà máy lọc dầu được Thu Hà đúc kết: “Học thực lực và xin việc bằng năng lực”.
Sự kiện NMLD Dung Quất cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào tối 22/2/2009, là bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp Việt Nam. Đêm ấy, Thu Hà là trưởng ca để phối hợp với bộ phận vận hành kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra. Hà nhớ lại: “Hồi đó làm việc rất vất vả, hệ thống thông tin của nhà máy chưa đồng bộ, mà nhà máy lại rộng như một thành phố thu nhỏ nên em phải dùng xe đạp đi từ khu bồn bể lên phòng phân tích liên tục hàng chục lần. Tuy mệt nhưng rất vui vì cùng nhịp hồi hộp với người dân cả nước đón dòng sản phẩm đầu tiên. Tối hôm đó, sau những tràng vỗ tay chúc mừng thắng lợi em vẫn phải “nằm trực” tại bồn bể từ 1 giờ đến 4 giờ sáng. Trời đất Dung Quất lạnh thấu xương cùng đàn muỗi tứ phía bên ngoài nhà máy lao vào cắn đốt khiến em tưởng chừng bỏ cuộc. Nhưng khi những mẻ xăng đổ vào bồn bể, cảm giác được chứng kiến tận mắt dòng dầu đầu tiên của NMLD Dung Quất đã khiến mệt mỏi trong em tan biến hết".
Là một trong những cán bộ nữ được nhận giải thưởng sáng kiến, sáng tạo năm 2013, do Hội đồng Khoa học kỹ thuật - Sáng kiến Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn bình chọn. Đó là sáng kiến: Dùng phương pháp khối lượng để phân tích hàm lượng dầu trong nước, áp dụng cho những mẫu có hàm lượng dầu cặn từ phân xưởng công nghệ của nhà máy. Sáng kiến thứ hai là: Phương pháp xác định NH3 trong nước thải, nước nhiễm mặn, nước chua từ các phân xưởng công nghệ bằng phương pháp chưng cất và chạy trên máy sác ký ion thay thế phương pháp tráo quang sao màu. Hai sáng kiến này đã tiết kiệm cho nhà máy một lượng dung môi hóa chất. Ngoài ra, cả hai phương pháp này đều giảm mức độ độc hại và thời gian phân tích mẫu. Là người “khai sinh” ra 2 phương pháp ấy nhưng khi được hỏi Thu Hà đều nói rằng đó là thành quả lao động của cả tập thể bởi theo Hà nếu không có những cộng sự đầy nhiệt huyết thì chưa chắc bản thân mình đã làm được những việc ấy.
Kỹ sư Vũ Bảo Toàn kiểm tra thông số kỹ thuật tại trạm điện SS1 NMLD Dung Quất.
2. Một sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp vài tỷ đồng một năm là rất đáng quí. Song, sáng kiến ấy nếu nhìn từ góc độ khoa học và công nghệ thì người phát kiến ra nó đã tạo ra cú đột phá lớn. Nó khẳng định tính làm chủ của người Việt trong tiến trình hội nhập với thế giới, nhất là ở lĩnh vực “đáng gờm” là khoa học kỹ thuật. Kỹ sư Huỳnh Ngọc Tuấn, chuyên viên giám sát kho, đóng gói của Phân xưởng Polypropylene của NMLD Dung Quất là một ví dụ như vậy.Sáng kiến xử lý sự cố của robot của Tuấn được đánh giá rất cao.
Theo kết quả giám sát tình trạng vận hành thấy rằng robot B của phân xưởng bị rung mạnh khi vận hành. Nếu cứ để nguyên trạng sẽ khiến robot hỏng nặng. Tuấn đã đề xuất cho dừng hoạt động robot B và yêu cầu kiểm tra kỹ thuật. Kết quả cho thấy sức chịu của khớp truyền động chính đã hỏng, cần phải thay mới. Nếu chờ chuyên gia nước ngoài thì sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vòng tuần hoàn sản xuất. Huỳnh Ngọc Tuấn đề xuất anh em kỹ sư cùng nhau tự sửa chữa bằng các kinh nghiệm học được từ các chuyên gia Okura. Các công nhân và kỹ sư phòng Sản xuất, Bảo dưỡng sửa chữa cùng chuyên gia O&M gấp rút thảo luận, lên phương án và từng bước sửa chữa. Quy trình bao gồm thu thập dữ liệu vận hành, thông số cài đặt hiện tại để dự phòng tình huống, sửa chữa cơ khí như thay thế sức chịu mới, làm sạch và bôi mỡ. Sau đó các kỹ sư đặt lại tọa độ cho robot, tinh chỉnh tọa độ và đưa robot vào chạy thử. Thật bất ngờ là chỉ trong 2 ngày, 1 đêm làm việc liên tục, nhóm kỹ sư đã sửa chữa xong robot B và nhanh chóng lắp ráp, đưa vào sản xuất. Tuấn còn nhớ là robot B được “mổ” từ sáng 3/11/2014 và đưa vào vận hành chiều 4/11/2014, mà không xẩy ra bất kỳ sai sót nào. Số tiền tiết kiệm được cho quá trình sửa chữa này vào khoảng 190 triệu đồng do không cần phải thuê chuyên gia từ nhà cung cấp Okura.
Ngay như ý tưởng chất 60 bao hạt nhựa trên 1 pallet (12 lớp/pallet) thay cho trước đây 55 bao/pallet (11 lớp/pallet) để tiết kiệm pallet gỗ, màng bao trùm phủ kiện tưởng chừng khó có thể áp dụng. Tuấn cho rằng, từ lúc chạy thử và nhận bàn giao từ nhà thầu HEC, các robot thực hiện chất bao lên pallet với tổng số là 55 bao, tương ứng với 1.375 kg. Nhưng khi nâng số lượng bao lên có thể tiết kiệm cho Công ty khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Bên cạnh chi phí, giải pháp này cũng tạo điều kiện tốt cho khách hàng khi vận chuyển bằng container với việc tăng trọng tải, giảm chi phí.
Chị Trương Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng NMLD Dung Quất.
3. Điện phải đi trước một bước! Đây không phải một khẩu hiệu tuyên truyền mà ở NMLD Dung Quất, điện được ví như “máu” để nuôi dưỡng cơ thể. Tuy nhiên, câu chuyện điều phối điện cho công trình khổng lồ này lại là vấn đề không hề đơn giản. Đứng đầu bộ phận ấy là kỹ sư Vũ Bảo Toàn, Trưởng ca vận hành điện của Nhà máy. Anh được ví như người “chỉnh điện” mát tay ở NMLD Dung Quất. Hàng ngày, công việc của trưởng ca vận hành điện là hỗ trợ công tác cách ly/đóng thiết bị điện phục vụ bảo dưỡng sửa chữa kịp thời trong toàn nhà máy. Ngoài ra, Vũ Bảo Toàn còn xây dựng và phát triển quy trình cho bộ phận điện vận hành, đánh giá mối nguy và rủi ro, soạn ngân hàng câu hỏi để ngày càng hoàn thiện công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các nhân sự điện vận hành.
Cuối tháng 12/2008, khi NMLD Dung Quất mới thử chạy vận hành để cho ra dòng sản phẩm đầu tiên." Hôm đó thời tiết mưa to và có gió mạnh. Tôi cùng với chuyên gia Luis Rachet (người Thổ Nhĩ Kỳ) đi bộ trên cầu cảng tới trạm điện SS10A thử tín hiệu để nghiệm thu công trình. Lúc ấy, hai bên cầu cảng sóng đánh táp bờ bọt trắng xóa. Cảm giác như biển khơi muốn nuốt chửng hai chúng tôi. Gió thổi ngược ngày càng mạnh, hai chân tôi như cứng lại, trên vai lại đeo một balo và một laptop nữa. Tôi phải vịn tay vào thành cầu cảng để khỏi bị... gió thổi bay. Lúc này tôi vẫy Luis Rachet quay lại vì anh ta đi quá xa tôi. Tôi gọi: “Về thôi, khi nào thời tiết ổn hãy thử”. Nhưng khi nhìn ánh mắt nghiêm nghị cùng vẻ mặt quả quyết của Luis Rachet, tôi đã phải xin lỗi ngay và tiếp tục đi trong gió bão để tới trạm SS10A. Điều mình đáng nhớ nhất đó là ý chí để vượt qua khó khăn, từ đó về sau trong công việc mình luôn cố gắng để hoàn thành dù có khó khăn đến đâu” - Vũ Bảo Toàn kể lại và cho rằng, đây là bài học đắt giá nhất mà anh đã học hỏi được từ các chuyên gia nước ngoài.
Đóng góp thầm lặng của những kỹ sư giỏi như Vũ Bảo Toàn đã giúp NMLD Dung Quất luôn hoạt động ở mức 103 - 105% công suất thiết kế. Hệ thống điện và vận hành điện trong Nhà máy vô cùng phức tạp, nhưng những kỹ sư BSR luôn không ngừng học hỏi và đang làm chủ công nghệ tiên tiến đó. Với thành tích đó, Vũ Bảo Toàn đã được Công ty BSR vinh danh là 1 trong 19 gương mặt tiêu biểu năm 2016.Chúng ta đang kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Và những người trẻ ở Dung Quất cũng có những “tuyên ngôn” của riêng mình: Đó là họ sẽ không ngừng học hỏi, không ngừng cống hiến sức lực, trí tuệ, phấn đấu trở thành những hạt nhân nòng cốt trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa của đất nước.