Những người thổi hồn vào nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc
- Văn hóa - Giải trí
- 23:35 - 10/02/2019
Nét văn hóa đặc sắc của Ninh Thuận
Người Chăm Việt Nam nói chung, người Chăm Ninh Thuận nói riêng là cộng đồng người có nền văn hóa phong phú. Qua quá trình hình thành và phát triển, người Chăm đã sáng tạo ra các loại hình văn hóa đặc sắc, để lại nhiều di sản có giá trị, mang sắc thái riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là những công trình kiến trúc, tôn giáo như đền tháp, tác phẩm điêu khắc; phong tục tập quán, lễ hội, các loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian, tri thức dân gian và đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống.
Nói đến nghề thủ công truyền thống của người Chăm, không thể không nói đến nghề làm gốm, hay nói đúng hơn là nghệ thuật làm gốm của họ, bởi nó đã là một phần hữu cơ tất yếu tạo nên cái tổng thể văn hóa Chăm phong phú và đặc sắc.
Nghệ nhân đang chế tác gốm
Tỉnh Ninh Thuận có làng Chăm Bàu Trúc, một làng nghề sản xuất gốm có truyền thống lâu đời và tiêu biểu, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Gốm Chăm Bàu Trúc tiêu biểu bởi sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn thủ công. Chúng ta thường gọi kỹ thuật sản xuất “nắn bằng tay không bàn xoay”. Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên, cho ra những sản phẩm mang tính độc bản cao, không lẫn với sản phẩm gốm ở nơi khác.
Các nghệ nhân “Làm bằng tay, xoay bằng mông”
Những người thổi hồn vào nghệ thuật làm gốm
Nghề làm gốm của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và văn hóa, xã hội của người Chăm. Sản phẩm gốm Chăm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình và trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng nơi đây.
Cũng như các gia đình người Chăm làng Bàu Trúc, dù ở tuổi gần 80, nghệ nhân Trương Thị Gạch vẫn thoăn thoắt bước chân quanh cột đá tròn làm trụ, khác hẳn những nơi khác làm gốm với bàn xoay.
“Làm bằng tay, xoay bằng mông” là cách nói dân dã về kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc. Trong vòng xoay có bán kính nửa mét ấy, bước chân quanh cột đá đã gắn với cuộc đời những người phụ nữ Chăm, từ khi họ được truyền dạy nghề gốm đến tận lúc không còn đi được nữa. Hàng triệu triệu bước chân đó đã biến những khối đất sét mềm, mịn thành bình, thành lọ.
Những người phụ nữ giữ lửa của nghề truyền thống
Theo các nghệ nhân, để chọn nguyên liệu làm gốm tốt, đất sét phải được lấy từ bờ sông Quao sau đó đem về đó đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được sử dụng để trộn với đất sét phải tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Vì vậy, gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác biệt so với những loại gốm khác mà ta vẫn thường thấy.
Khác với cách làm tạo hình trên một cục đất lớn sau khi được nhào nhuyễn, gốm Bàu Trúc là quá trình vừa nặn hình vừa chỉnh nán để tạo dáng gốm ban đầu, sau đó dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm. Tiếp theo, là dùng “vải cuộn” thấm nước quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm.
Bước tiếp theo là trang trí hoa văn. Đa phần gốm Bàu Trúc đều có hoa văn hình sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay những hình ảnh thể hiện về tự nhiên, đất trời. Đặc biệt, nét đặc sắc trong tạo hoa văn trên gốm hay còn có cả móng tay và hình ảnh của những vị thần tạo nên ánh nhìn mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.
Ông Vạn Quang Phú Đoan, nghệ nhân gốm, phó chủ nhiệm làng nghề gốm Bàu Trúc, cho biết: Làng gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm là một làng nghề truyền thống lâu đời, được xem là cổ nhất Đông Nam Á còn sót lại tại Ninh Thuận.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc
“Mỗi nghệ nhân có cách ém khói riêng khi nung để tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: Vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu rất cổ kính. Với thời gian nung trong một ngày, lửa nóng không đều, cháy sém tạo thành những mảng màu tối - sáng làm nên đặc trưng gốm Chăm riêng biệt, huyền bí về màu sắc”, nghệ nhân Đoan chia sẻ.
Ở làng Bàu Trúc ai cũng biết đến tên tuổi của nhiều nữ nghệ nhân lão luyện trong nghề như bà Đàng Thị Phan, Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Gia... cứ thế nối tiếp nhau giữ lửa nghề, thổi hồn vào nghệ thuật tạo hình gốm đất, nức tiếng trong và ngoài nước.
Trải qua 800 năm hình thành và phát triển từ thời vua Poklong Garai, khi ông chính thức cai quản xứ Panduranga (Phan Rang) vào cuối thế kỷ XII, gốm Bàu Trúc đã thể hiện giá trị dân tộc cốt lõi không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Đó là lí do vì sao mà gốm Bàu Trúc được xem là một bảo tàng sống chân thực của Ninh Thuận.