Những người thầy "truyền lửa" cho sinh viên nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:45 - 21/11/2020
Đam mê và nhiệt huyết
Hơn 8 năm giảng dạy, nhiều thế hệ sinh viên do thầy Trương Văn Chuyên đào tạo trưởng thành và vững bước trên con đường nghề nghiệp, nhiều sinh viên đạt thành tích cao trong các Kỳ thi Kỹ năng nghề; ra trường đã phát triển độc lập, mở doanh nghiệp riêng hoặc làm việc tại các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Denso, Hawee…
Điểm khác biệt của giáo viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là ngoài việc giảng dạy kiến thức chuyên môn còn phải truyền đạt kỹ năng thực hành. Vì vậy, thầy Trương Văn Chuyên đã dành rất nhiều thời gian đến các doanh nghiệp, quan sát, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kỹ năng mới trong sản xuất để đưa vào giáo trình. Đặc biệt, trong công tác huấn luyện thí sinh nghề rô bốt di động, thầy Chuyên đã truyền đạt cho sinh viên tư duy mới trong lập trình tự động hóa, phát huy khả năng sáng tạo của từng sinh viên.
Đối với lĩnh vực này, khó khăn là nhiều công nghệ mới chưa có tại Việt Nam, nguồn tài liệu rất khó tìm. Thầy Chuyên phải mày mò với những công cụ tìm kiếm chuyên sâu, tận dụng mối liên hệ với các hãng thiết bị ở nước ngoài để xin hoặc đặt hàng tài liệu kỹ thuật; sau đó nghiên cứu, bóc tách những kiến thức cốt lõi, biên soạn lại cho phù hợp.Thầy Chuyên chia sẻ: Bên cạnh việc cập nhật, đào tạo những kỹ năng mới, việc truyền đạt cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, nuôi dưỡng hoài bão trên con đường nghề nghiệp rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng khơi gợi niềm đam mê của các em bằng cách tạo sự hấp dẫn từ chính những bài học chuyên môn, áp dụng những công nghệ mới và tư duy sáng tạo.
Cập nhật kiến thức suốt đời
Thầy Vũ Thanh Tuyến đã tham gia giảng dạy 10 năm tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. "Trong vai trò giáo viên, việc khơi nguồn năng lượng tiềm ẩn trong mỗi sinh viên để các em tích cực tham gia học tập và các hoạt động liên quan, đặc biệt là nghiên cứu khoa học là rất quan trọng. Người giáo viên phải cho các em thấy được mục tiêu trong học tập, lợi ích về kiến thức nền tảng để phát triển vững chắc nghề nghiệp; giúp các em hiểu học nghề không chỉ để biết cách làm việc mà còn đòi hỏi cao hơn về sự tư duy và sáng tạo. Không phải là lao động chân tay, sinh viên trường nghề còn phải biết lập trình, kết hợp kiến thức thái độ làm việc chuyên nghiệp và kỹ năng tay nghề. Đơn cử như trong nghề lắp đặt điện, hệ thống điện thông minh rất phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế nên đặt ra yêu cầu sinh viên phải lắp đặt thành thạo các thiết bị điện thông minh. Vì vậy, việc cập nhật những công nghệ mới, kỹ năng mới theo tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp", thầy Tuyến chia sẻ.
Qua các kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và Thế giới, thầy Tuyến đã cập nhật các tiêu chuẩn cụ thể của nghề, để từ đó áp dụng vào chương trình đào tạo, giảng dạy kỹ năng mới cho sinh viên. Bên cạnh đó, thầy Tuyến đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, dịch các tiêu chuẩn mới của các hãng thiết bị điện, hướng sinh viên chủ động tìm kiếm tài liệu. Đây là giải pháp giúp sinh viên chủ động cập nhật kiến thức mới ngay từ lúc đang học, một kỹ năng quan trọng theo suốt hành trình nghề nghiệp sau này.
Khi được hỏi về cơ duyên nào đến với nghề, thầy Tuyến chia sẻ, nghề giáo viên giáo dục nghề nghiệp rất cần sự tâm huyết bởi các thầy, cô luôn phải tiếp cận với xưởng thực hành, doanh nghiệp sản xuất, dành nhiều thời gian cập nhật kiến thức nghề cả về lý thuyết và thực hành, cập nhật thiết bị mới, cách lắp đặt, ứng dụng, hoạt động của thiết bị… Đây là những khó khăn rất đặc thù của giáo viên giáo dục nghề nghiệp.