THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:02

Những người ở lại trong lòng đất

 

Sau Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Nam – Bắc với ranh giới là vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến phi quân sự tạm thời.

10 năm sau, ngày 5/8/1964, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ lấy cớ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Mỹ khi đó là Johnson đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ đánh bại Việt Nam trong vòng 2 tuần lễ”. Với tuyên bố đó, đế quốc Mỹ đã dồn toàn lực tấn công Việt Nam. Theo ghi nhận, trong giai đoạn từ năm 1955-1975, tổng số bom mà Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, nhiều nhất trong lịch sử thế giới, gấp gần 3 lần tổng số bom mà tất cả các nước đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2, tương đương 250 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).

Với vị trí địa lý ở cực Bắc tỉnh Quảng Trị, ranh giới chia cắt 2 miền, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị trở thành mục tiêu tấn công tàn ác nhất của không quân Mỹ. Chúng âm mưu biến mảnh đất này thành “vành đai trắng” nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, trong giai đoạn 1965-1972, Mỹ đã huy động một lượng lớn bom đạn cày nát, xới tung mảnh đất Vĩnh Linh. Bình quân một người dân phải gánh chịu 7 tấn bom đạn. Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh không ngày nào, không giờ nào không có tiếng bom. Tình thế đó buộc người dân Vĩnh Linh phải đứng trước một quyết định sống còn: ĐI hay Ở.

Trung ương thấy trước sự ác liệt này nên đã nghĩ đến việc giảm mật độ dân cư trong khu vực chiến sự. Lực lượng ở lại bám trụ là người lớn, trẻ khỏe, còn trẻ nhỏ, người già yếu và mất sức phải có kế hoạch di chuyển ra các tỉnh phía Bắc ở những nơi an toàn đề phòng cuộc chiến tranh kéo dài. Những người ở lại tiếp tục đối mặt với sự đánh phá tàn khốc của Đế quốc Mỹ. Đến năm 1965, làng Vịnh Mốc, thuộc Vĩnh Linh, Quảng Trị là một trong những ngôi làng bị phá hủy nặng nề nhất. Những mái nhà đã sụp đổ dưới bom đạn kẻ thù. Người dân khi đó phải đau đáu suy nghĩ: Làm gì để “giữ làng, giữ nước”?

Câu hỏi này đã dần dẫn mở đến làng hầm Vịnh Mốc - một huyền thoại về lòng can đảm, ý chí quật cường của nhân dân Quảng Trị mà chúng ta sẽ được khám phá trong chương trình VTV đặc biệt tháng 9. Khác với địa đạo Củ Chi cũng như nhiều địa đạo khác trên khắp đất nước, hệ thống địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là hầm chiến đấu mà còn là không gian sống của người dân nơi đây. Vì thế, người ta gọi đây là làng hầm Vĩnh Mốc.

Dưới một vùng đất trơ trụi, tơi bời vì bom đạn, bên cạnh là thủy triều có thể tràn vào bất kỳ lúc nào, là cả một công trường khổng lồ âm thầm chuyển động. Trong vòng khoảng 2000 ngày đêm, người dân Vĩnh Mốc đã hoàn thành một hàng hầm kỳ vĩ với hơn 114 địa đạo dài 2.000km được tạo những ô nhỏ cho cả một làng sinh sống với đầy đủ những thứ thiết yếu nhất như: phòng họp, hội trường, phòng cho hộ gia đình, nhà vệ sinh, kho lương thực, khu tránh bom, trạm phẫu thuật,... Ở đó, họ đã sống và chiến đấu kiên cường. Nhiều đứa trẻ cũng đã ra đời bên dưới làng hầm này và tiếp tục truyền thống của cha ông mình.

50 năm sau những ngày đỏ lửa nơi mảnh đất thiêng, mùa hè 2016, 3 bạn trẻ trong đó có 1 bạn trẻ người Mỹ và 2 bạn trẻ đến từ Quảng Trị được tham gia trải nghiệm tại Làng địa đạo Vịnh Mốc trong chương trình VTV đặc biệt “Những người ở lại trong lòng đất”. Nhiệm vụ của 3 bạn là trong vòng nửa ngày, phải đào một hầm trú ẩn cho 3 người. Sau đó chính họ sẽ trải qua 2 ngày đêm sống tại làng hầm Vịnh Mốc.

Những thủ pháp truyền hình đa dạng như: tài liệu, giao lưu, truyền hình thực tế, scan 3D,... khiến cho cuộc trải nghiệm của 3 bạn trẻ trở nên sống động và giá trị hơn. Đặc biệt, thủ pháp thể hiện đan xen giữa hiện tại, quá khứ, giữa lời kể của nhân chứng và hiện thực trải nghiệm của người trẻ sẽ làm nổi bật những sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa cảm xúc về chiến tranh và hòa bình, giữa cách nghĩ của người trẻ ngày nay và những người từ 50 năm trước. Qua đó, những “bài học” về lịch sử dần được bóc tách, giúp khán giả ngày nay hiểu rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh, ở nơi phải oằn mình gánh nhiều bom đạn nhất.

Chiến tranh đã tước đi những nhu cầu tối thiếu của con người: được sống, được tự do hít thở bầu không khí, được hưởng ánh nắng Mặt trời. Nhưng con người Quảng Trị không hề chùn bước trước chiến tranh. Tự họ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu ấy bên dưới lòng đất tối. Đó cũng là cách duy nhất để họ tồn tại dưới làn bom đạn. Và thực tế đã cho thấy, bằng sự bền bỉ đáng ngạc nhiên, không những họ đã tạo ra một nơi để sống mà còn là cả một “metropole” trong lòng đất.

Sự góp mặt của Rory Martin Taylor, quốc tịch Mỹ là một điểm đáng ghi nhận của chương trình. Sinh ra trong lòng nước Mỹ, sống trong hòa bình và có những hiểu biết rất hạn chế về cuộc “Chiến tranh Việt Nam” – theo cách gọi của người phương Tây, Martin đến chính tại nơi chiến tranh ác liệt nhất để được trải qua những khó khăn, thiếu thốn ở đây, sống trong bầu không khí dưới lòng đất,... Vì thế, chàng trai người Mỹ này sẽ mang đến những góc nhìn rất khách quan.

Vũ Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh