THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:55

Những ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam

 

Nhà của Công tử Bạc Liêu

Trần Trinh Huy, hay còn được nhiều người nhắc đến với cái tên Công tử Bạc Liêu, nổi tiếng bởi sự giàu có và phô trương. Sinh năm 1900, là con trai thứ 3 của ông Trần Trinh Trạch, Trinh Huy sở hữu nhiều ngôi nhà tại khắp 6 tỉnh miền Nam. Hầu hết các ngôi nhà của ông đều được trang trí cầu kỳ, nhưng ngôi nhà đẹp nhất nằm ở thành phố Bạc Liêu.

Một trong những ngôi nhà xa hoa của Công tử Bạc Liêu.

Ngôi nhà này được thiết kế và xây dựng năm 1919 bởi một kiến trúc sư người Pháp. Tất cả đồ đạc trong nhà đều được nhập từ Ý và Mỹ. Các viên gạch, phù điêu và ngói đá cẩm thạch được vận chuyển từ Pháp. Ngay cả các ốc vít cũng được khắc chữ P, cho biết nó được sản xuất tại Paris. Đồ sứ quý giá trong nhà được nhập từ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nó trở thành một trong những ngôi nhà đẹp nhất của ông.

Nội thất bên trong căn nhà sang trọng.

Sau nhiều năm sửa chữa, ngôi nhà vẫn bảo tồn được tất cả các chi tiết sang trọng vốn có: đồ nội thất làm từ gỗ quý; bàn ghế được chạm khắc tính vi và cả một chiếc giường ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Trinh Huy còn là người đầu tiên của Việt Nam sở hữu máy bay riêng. Thời đó, chỉ có duy nhất 2 người có máy bay riêng: ông và vua Bảo Đại.

Nhà cổ Bình Thuỷ, Cần Thơ

Được xây từ năm 1870 bởi nhà họ Dương, ngôi nhà hiện nay vẫn thuộc sở hữu của gia đình và có những nét đẹp thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.

Ngôi nhà nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Mỗi năm, ngôi nhà này tiếp đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu.

Đến tham quan nhà cổ, du khách còn được tiếp chuyện với gia chủ nhằm tìm hiểu thêm về những điều lý thú xung quanh cuộc sống và sinh hoạt của những gia đình thời xưa.

Nhà cổ Bình Thủy là sự kết hợp giao lưu văn hóa Đông – Tây, được thể hiện khá rõ nét qua nhiều họa tiết, hoa văn rất đẹp mắt. Nhà có vòm uốn và phù điêu ngoại thất kiểu Pháp, bậc thang kiểu Gothic dẫn đến sảnh chính, tất cả được trang bị bằng đồ gỗ nội thất quý ở miền Nam.

Ngôi nhà rộng năm gian hai chái, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung tao nhã, sân trước lót gạch tàu rất độc đáo. Nhà vô cùng rộng rãi và thoáng mát với sáu hàng cột gỗ lim đen nhánh. Giữa hệ thống cột, xà nổi bật lên những chi tiết gỗ được chạm trổ cực kì tinh vi.

Vườn hoa trong nhà cũng có rất nhiều loài hoa lan đẹp. Sự quyến rũ của ngôi nhà còn nằm ở bộ sưu tập đồ cổ quý giá như một bàn với mặt bàn làm bằng đá cẩm thạch từ Trung Quốc, một ghế sofa kiểu Pháp từ thời vua Louis XV và bộ trà, ấm, bình khoảng 500 tuổi.

Nhà cổ đẹp nhất xứ Thanh

Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được xây dựng từ năm 1810, là một trong những kiến trúc nhà ở cổ nhất xứ Thanh và là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam.

Nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ gồm 29 cột cái, mái nhà được lợp bởi 16.000 viên ngói vảy cá. Hai xà chính của ngôi nhà được làm bằng gỗ táu với vô số nét chạm trổ rất độc đáo, tinh xảo tạo nên vẻ cổ điển cho ngôi nhà.

Các bộ phận cột kèo, cửa được làm toàn bằng gỗ chân chiếng, táu, xoan. Các hoa văn, họa tiết được chạm trổ tinh xảo.

Được khởi công từ cuối năm 1810 và đưa vào sử dụng đầu năm 1811, nhà cổ ở xứ Thanh rộng 5m (năm gian), dài 13m, cao 5m. Nhà có 3 cửa chính với 12 cánh. Không gian ngôi nhà được thiết kế rất thuận lợi, có vượng khí nên thường mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Trải qua hơn hai thế kỷ với nhiều biến động, đến nay ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn như một chứng tích của lịch sử dân tộc.

Ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở Hà Nội

Nhà thờ dòng họ Đỗ nằm ở bên trong một con ngõ nhỏ ở xã Đông Ngạc vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cách đây đã 3 thế kỷ.

Bên trong ngôi nhà có đôi hạc đứng trên mình 2 con rùa.

Trong làng Đông Ngạc, nhà thờ dòng họ Đỗ được xem như đình làng thứ hai. Ngôi nhà được xây dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm 1760. Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa...

Điểm nổi bật nhất của ngôi nhà đó chính là hai con hạc đứng trên mình hai con rùa và hai tấm bia ở gian dĩ tòa nhà tiền tế. Trong 100 ngôi nhà cổ ở làng Đông Ngạc, nhà thờ dòng họ Đỗ được xem là cổ nhất và có giá trị nhất.

Nhà cổ làng Lộc Yên

Ngôi nhà này nằm cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam hơn 30km. Ngôi nhà đã gần 200 năm tuổi và nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, hướng về phía cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, và cao hơn những nhà trong làng khoảng 50m.

Nhà rộng hơn 100m2, và làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng do những người thợ mộc làm trong suốt 12 năm trời. Mọi thứ nội thất và vật liệu trong căn nhà đều còn rất chắc chắn.

Nhà cổ làng Cự Đà

Làng Cự Đà không chỉ nổi tiếng bởi các kiểu nhà ba gian, năm gian mà còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được khởi công xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng nổi bật vẻ cổ kính của những ngôi nhà mang phong cách truyền thống.

Kiến trúc ngôi nhà và lối sống con người nơi đây gợi về không gian của làng quê Bắc Bộ.

Ngoài ra, làng còn có những chùa, miếu vô cùng linh thiêng được xếp hạng di tích quốc gia. Làng Cự Đà thực sự là một điểm đến tuyệt vời đối với những ai muốn tìm hiểu nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh