THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:05

Độc đáo kiến trúc cổ ở Sài Gòn

 

Một Sài Gòn cổ kính  

Không giống với phố cổ ở Hà Nội, Hội An, hay lối kiến trúc cung đình Huế, các kiến trúc cổ của Sài Gòn đa phần là những công trình mang phong cách truyền thống Hoa, Khmer và kiến trúc văn hóa truyền thống Nam bộ. Về sau này khi thực dân Pháp đô hộ, đã tiến hành quy hoạch đô thị Sài Gòn theo kiến trúc Pháp.

Trụ sở UBND TP.  Hồ Chí Minh.


Hiện nay, ngoại trừ các khu phố của người Hoa, ở đâu đó tại các khu vực trung tâm thành phố, chúng ta vẫn bắt gặp các kiến trúc cổ của người Pháp để lại, được chính quyền thành phố tiếp quản sau ngày thống nhất đất nước. Thậm chí, ngay cả đối với các kiến trúc của người Hoa như phố “Chinatown”, khu phố thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông (các nhà số 43 – 65), Triệu Quang Phục (nhà số 70, 102 – 104), bến Tàu Hũ, đường Trần Hưng Đạo (hẻm 206)… cũng chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc Pháp, với việc sử dụng dạng kiến trúc nhà thương mại và phố nghề.

Đối với các kiến trúc cổ có tuổi đời từ trên 200 tuổi nằm rải rác tại các quận, huyện ngoại thành, trong đó phải kể đến ngôi nhà tại xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, xây dựng từ năm 1899); hai căn tại phường Tân Nhơn Phú A (quận 9, được xây dựng khoảng từ năm 1883 trở về trước), căn nhà cổ ở khu phố 5 (Nhà Bè, xây dựng từ năm 1864),… Đây là những kiến trúc được xây dựng theo kiểu nhà ba gian hai chái, hoặc nhà có mặt chữ đinh, thảo bạt với mái ngói âm dương, đầu ngói tráng men xanh. Một số các kiến trúc cổ khác (theo lối kiến trúc Pháp), có tuổi đời trên 100 năm, tập trung ở ven các tuyến đường trung tâm Sài Gòn như: Calmette, Phạm Ngũ Lão, Yersin, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Đề Thám, Bến Chương Dương,… cũng mang đậm nét kiến trúc Pháp với mái ngói đỏ, tường vàng, cột vuông, vòm gạch, nền cao ráo với bậc tam cấp lên xuống ở phía chính điện ngôi nhà.

Bến Nhà Rồng


Hiện nay, ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn được cho là nằm trong khuôn viên Tòa Giám mục Sài Gòn, được sử dụng làm nhà nguyện. Tọa lạc tại một vị trí đắc địa, mặt trước giáp với đường Nguyễn Đình Chiểu, bên hông giáp đường Trần Quốc Thảo, nên ngôi nhà thu hút sự chú ý của nhiều du khách nước ngoài. Suốt một thời gian dài khi giặc Pháp đô hộ nước ta, báo chí Pháp đã nhiều lần nhắc tới kiến trúc này.

Theo sử sách, vào khoảng cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh- vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, đã cho xây dựng ngôi nhà để Giám mục Pierre Pigneau de Behaine làm nơi ở và dạy học cho hoàng tử Cảnh. Tuy nhiên, đến khoảng đầu thế kỉ thứ 19, triều đình Huế đã cấm đạo Công giáo và ra lệnh đóng cửa tòa nhà. Phải đến thời Tự Đức, ông vua này khi ký hòa ước với Pháp đã giao ngôi nhà lại cho Tòa Giám mục.

Sau khi miền Nam được giải phóng, ngôi nhà bị xuống cấp, hệ thống rường cột bị mối mục và phải trải qua nhiều đợt tu sửa, lần gần nhất cách đây khoảng 30 năm. Các kiến trúc sư bậc nhất Sài Gòn thời điểm ấy trong quá trình tu sửa vẫn cố gắng giữ lại hình dáng nguyên thủy của ngôi nhà. Do đó, ngôi nhà được coi là một trong số ít các kiến trúc cổ của Sài Gòn còn giữ được hình dáng nguyên thủy, sau hàng trăm năm tồn tại cho đến ngày nay.

Bưu điện TP. Hồ Chí Minh. 


Từng có các phố cổ sầm uất…

Trong bài phú Nôm “Gia Định phú” do cụ Vương Hồng Sển chép lại: “Ngói lợp vẩy lân, phố thương khách nhà ngang nhà dọc - Hiên che cánh én, nhà quan nhà dân hàng vắn hàng dài”. Và, “Trong Chợ Lớn thinh thinh, góp nhóp bốn phương đủ hết loài rừng vật biển - Trên cầu Quan lồ lộ, lại qua mấy phía, thảy đều chú đội cậu cai”,… Hình ảnh được mô tả qua các câu thơ cho thấy một Sài Gòn xưa cổ kính, sầm uất và tấp lập như thế nào. Thậm chí về sau này, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, rất có khả năng một số khu vực ở quận 5, quận 6, khu vực Chợ Lớn; khu vực các đường Hải Thượng Lãn Ông, Hùng Vương, kênh Tàu Hủ, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học và đường Phù Đổng Thiên Vương từng là các phố giao thương lớn của Sài Gòn xưa.

Khu vực chợ Quán (còn gọi là chợ Tân Kiểng) cũng là một trong số ít khu vực cổ xưa của Sài Gòn hiện còn sót lại. Nơi đây có ngôi chợ Quán được xây từ nửa cuối thế kỷ 18 còn giữ lại một vài kiến trúc đến ngày nay. Tương truyền, người ta gọi là chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm ở lối nhà thương (nay là Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới ở bến Hàm Tử, quận 5), chung quanh chợ có nhiều quán xá. Lúc còn sống, cụ Vương Hồng Sển nhận xét, có thể người Việt đã tụ tập ở đây từ cuối thế kỷ 18 và nơi đây từng là nơi buôn bán sầm uất của Sài Gòn. Đến nay vẫn còn nhà thờ chợ Quán được xây dựng theo kiến trúc kiểu Gothique, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực chợ Lớn.

Nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh


Ở một số con đường ở quận 6, khu vực chợ An Đông hiện nay, khi đi ngang qua chúng ta vẫn thấy các kiến trúc cổ với ngói lợp vẩn lân, nóc có phong tô và các rường cột cổ theo lối kiến trúc Trung Quốc xưa. Ở những khu phố này, không chỉ đặc biệt với lối kiến trúc cổ mà còn quyến rũ bởi hương vị cổ của Sài Gòn.

Nhiều lần chúng tôi đến chợ đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, buổi tối đi dạo cứ thấy thoảng hương thuốc bắc và những quán ăn của người Hoa mang đậm phong cách cổ truyền. Nhớ có dạo anh bạn học quê ở Hội An, khi tụ tập bạn bè ở Sài Gòn cứ tấm tắc khen mãi: “Thức ăn ở Sài Gòn cũng không khác gì lắm so với ở phố cổ Hội An, cả kiến trúc cũng vậy”. Có thể nói, hiện có không ít người khi chỉ tiếp xúc với văn hóa và kiến trúc Sài Gòn trong một thời gian ngắn, ít có thể tưởng tượng được một Sài Gòn khác, một Sài Gòn đậm đà như thế.

Bảo tàng Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh tại số 96 Phó Đức Chính, quận 1 

 

… Nhưng đang mai một dần

Thật tiếc, hiện nay một số khu phố cổ ở Sài Gòn đang lâm vào tình trạng  xuống cấp. Ở một số nơi, do thành phố chưa kịp có quy hoạch về bảo tồn nên các ngôi nhà cổ đã được tu sửa lại theo kiến trúc hiện đại, làm mất dần một Sài Gòn xưa dung dị, cổ kính. Đặc biệt, do nhu cầu mở rộng hạ tầng giao thông đô thị nên nhiều nhà cổ đã bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng mới, hoặc do nhu cầu buôn bán kinh doanh mà một số đơn vị thuê nhà đã cơi nới, xây dựng thêm ra, làm méo mó kiến trúc vốn có của các công trình cổ. Thậm chí, có ngôi nhà cổ do không được trùng tu hiệu quả nên đã xuống cấp trầm trọng, nếu không có biện pháp kịp thời thì chỉ còn nước đập bỏ, khó có khả năng xây dựng lại.

Ngôi nhà được coi là cổ nhất Sài Gòn, hiện được sử dụng làm nhà nguyện, nằm trong khuôn viên tòa Tổng giám mục Sài Gòn.


Theo kết quả từ một đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử giai đoạn 2006-2020 của Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh (công bố vào tháng 7/2010) thì Sài Gòn hiện chỉ còn khu phố cổ duy nhất trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), còn lại đa số các công trình, gọi là cổ nhưng mới có độ tuổi trên dưới 100 năm. Nhiều nhà văn hóa tỏ ra bi quan khi vừa không có các khu phố cổ đặc trưng, nhiều khu nhà cổ tại Sài Gòn đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, những ngôi nhà cao tầng theo kiến trúc hiện đại lại đang đua nhau mọc lên.

Theo KTS Nguyễn Thu Phong (Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh), một thành phố đẹp phải có dấu ấn thời gian, trong đó những ngôi nhà cổ sẽ làm cho đô thị có chiều sâu văn hóa. Hiện nay, không riêng gì ở các nước châu Á có truyền thống về lưu giữ các phố cổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… mà nhiều nước ở châu Âu cũng còn lưu giữ lại được nhiều công trình văn hóa từ nền văn hóa Hy Lạp – La Mã. Điều đó nói lên ý thức bảo tồn nhà cổ - giá trị trường tồn và mang đậm bản sắc riêng của mỗi nền văn minh.

Luân Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh