THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:43

Nhớ những mùa cau

 

Những quả cau được hái xuống, gọt vỏ, bổ miếng để phơi khô.

Vào đầu tháng 10 âm lịch trở đi, khi những buồng cau trên cây đã đến mùa thu hoạch, bà tôi cùng những người dân quê thường lấy xuống, bóc bỏ vỏ, tiễn chũm (phần cuống của quả cau) sau đó mỗi quả bổ ra làm bốn miếng, quả nhỏ bổ làm ba rồi mang phơi nắng để dùng quanh năm mỗi khi hết mùa cau tươi.

Năm nào cũng vậy, đến lúc cau bắt đầu được thu hoạch, bà tôi luôn dõi theo từng ngày, bởi chỉ cần lãng quên một chút sẽ hỏng mất một mùa cau. Bà bảo: “Chớm tháng mười là phải để ý đến buồng cau từng ngày, bằng cách lấy cau xuống bổ thử, nếu thấy quả cau hạt dẻo và đặc, ở giữa hạt có màu trắng trong là lúc cau đã cho thu hoạch, còn quả non, hạt cau rỗng và mỏng, chưa phơi được, nhưng nếu để quả cau già, bổ khó, hạt cau rất cứng và cũng không dùng được”.

 

Cau được bổ thành từng miếng mang phơi nắng.


Dịp này ở quê, những buồng cau chín muộn cũng được thu hoạch nốt. Bà tôi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, hai tay thoăn thoắt gọt vỏ cau, chốc lát quả cau từ màu xanh đã trở thành trắng, chiếc dao con sắc lém, bổ từng miếng cau đều nhau chằm chặm. Tôi thích thú, mải mê nhìn ngắm mãi. Thấy vậy, bà lấy tay quệt vội nước trầu trên miệng rồi chậm rãi nói: “Buồng cau này ra muộn hơn và cũng là những quả cau cuối vụ nên giờ mới phơi được con à. Tranh thủ được nắng, chứ mưa xuống, cau sẽ mốc hết, uổng lắm”.

Như đoán được những thắc mắc trong tôi, bà cười: “Sau khi bổ cau xong, cho vào rổ xóc qua nước với nước sạch, tiếp đến xếp từng miếng cau vào xảo hoặc rổ đan bằng cây tre, có mắt thưa để phơi nắng. Nếu nắng to, chỉ cần phơi 5 hoặc 6 nắng là mang cất được. Khi cau phơi được 2 nắng, để cau ngoài trời 2 tối để phơi sương qua đêm, như vậy miếng cau sẽ sáng trắng vàng tươi và có mùi thơm, trông lại rất bắt mắt. Đến lúc cau được phơi khô, cho vào lọ sành, sứ, miệng lọ nút lá chuối khô rồi mang cất vào góc nhà, gầm tủ hoặc cho vào túi nilon, bọc giấy báo bên ngoài và treo trên dựa bếp để cau không bị mốc”.

 

Cau phơi khô, được nắng, chuẩn bị mang cất vào lọ sành, túi nilon.

 

Khi đã hết mùa cau tươi, vào các ngày lễ, tết, bà và người dân quê tôi lấy cau khô ra dùng, đó cũng là miếng cau không thể thiếu trong những chiếc cối xay trầu và “miếng trầu là đầu câu chuyện”…

Kết thúc một mùa cau, mỗi lần về quê, bà lại chọn cho tôi vài miếng cau khô đã bỏ hạt, gói gọn trong mảnh giấy trắng và không quên dặn dò: “Chịu khó chà răng bằng cau, con nhé, trắng lắm đấy!”.

Mang theo những miếng cau khô về phố, hình ảnh bà với đôi tay thoăn thoắt gọt vỏ cau, miếng cau vàng ươm, thơm mùi nắng như nhắc tôi luôn nhớ về những mùa cau…

 

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh