THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:11

“Giảm được một người nghiện là thêm một hạnh phúc”

Tất cả các huyện, thị đều có người nghiện

Có một người nghiện trong nhà, khổ đến mức nào thì chỉ người thân trong gia đình mới thấm thía, còn hàng xóm láng giềng thì lúc nào cũng trong tình trạng... cảnh giác cao độ. Bởi: “Việc làm thì không có, gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và khi đã nghiện thì thường là không thích lao động” như lời tâm sự của anh Lương Hồng Phong (sinh năm 1973), người từng có thời gian dài nghiện ngập ở xã Tân Việt (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).

Để có tiền hút hít tiêm chích, người nghiện sau khi tàn phá hết kinh tế gia đình thì quay sang vay mượn, dối trá, lừa lọc trộm cắp từ người ngoài đến bạn bè, người thân... bằng mọi cách để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Và như vậy, nghiện ma túy thường đi đôi với các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Tỉnh Hưng Yên là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng đồng bằng sông Hồng, là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đóng trên địa bàn nên mỗi năm có hàng trăm ngàn người từ các tỉnh khác đến làm việc, lao động, học tập và ở lưu trú. Số người nghiện ma tuý trên địa bàn cũng ngày càng tăng theo.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2013, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý của toàn tỉnh là 1.429 người; trong đó có 1.074 người có hồ sơ quản lý. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều có người nghiện, một số địa bàn trọng điểm có nhiều người nghiện là thành phố Hưng Yên, các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu.

Hướng dẫn điều trị cai nghiện tại gia đình.

Chính quyền, gia đình và cộng đồng cùng vào cuộc

  Lâu nay, Hưng Yên đã triển khai chương trình cai nghiện bằng thuốc Menthadol, song đây chỉ là thuốc cai nghiện thay thế nên người nghiện sẽ phải dùng thuốc suốt đời, ngày nào cũng phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên phải duy trì bộ máy nhân sự phục vụ cho việc cấp phát thuốc và giám sát uống thuốc tại chỗ.

Từ năm 2013, tỉnh đã bắt đầu triển khai thí điểm chương trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng bằng thuốc cai nghiện Cedemex. Đây là thuốc cai nghiện có nguồn gốc thảo dược do Việt Nam sản xuất để giảm giá thành và giảm sự lệ thuộc vào nguồn thuốc phải nhập ngoại.

Chương trình thí điểm cai nghiện ma tuý tại gia đình, tại cộng đồng bằng thuốc Cedemex và quản lý sau cai nghiện ma tuý được thực hiện thí điểm trên địa bàn 3 xã, phường thuộc 3 huyện, thành phố với 45 người nghiện tự nguyện đăng ký tham gia. Trong đó, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ: 10 người, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên: 10 người; xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ: 25 người.

Ông Nguyễn Hải Đương, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết: Ngay khi triển khai chương trình, Ban chủ nhiệm cấp tỉnh, Ban chỉ đạo cấp huyện và tổ công tác cai nghiện cấp xã được thành lập, công tác tuyên truyền được hết sức chú trọng và sâu rộng đến từng gia đình, cộng đồng.

Với hình thức tư vấn trực tiếp đến từng gia đình và từng người nghiện, Chi cục Phòng, chống TNXH tỉnh phân công cán bộ đến tận gia đình có người nghiện tham gia Chương trình để tư vấn hoặc gia đình người nghiện đến nhận thuốc tại trạm Y tế xã, phường. Công tác quản lý đối tượng được đặc biệt coi trọng, không để đối tượng ra khỏi địa phương trong quá trình uống thuốc cắt cơn và thuốc duy trì, có chế độ báo cáo khi ra khỏi địa phương.

Ông Lê Hữu Thuận trao giấy khen cho các đơn vị và cá nhân có thành tích trong chương trình thí điểm cai nghiện.

Tạo mọi điều kiện để cai nghiện thành công

Sau một năm, trong số 45 người nghiện có 17 người hoàn toàn dứt bỏ hẳn việc sử dụng ma túy. Người bệnh và gia đình người bệnh đều nhận xét thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn êm dịu, không vật vã, không có hiện tượng giòi bò xương, sau từ 3 đến 5 ngày người cai nghiện không còn cảm giác thèm, nhớ ma túy như dùng các loại thuốc khác.

Trong 6 tháng điều trị duy trì bằng thuốc Cedemex hầu hết người bệnh đều ăn tốt, ngủ tốt, tâm lý, tinh thần thoải mái; sinh lý được phục hồi, tăng cân (từ 2-7 kg); sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Người cai nghiện ma túy tại gia đình không phải cách ly môi trường sống, không bị gián đoạn việc làm hàng ngày; tình cảm, hạnh phúc gia đình được gắn bó, giải tỏa được tâm lý cho cả người cai nghiện và người thân trong gia đình; các đối tượng cai nghiện ở nhà đều được quan tâm của người thân trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên kịp thời.

Ông Bùi Công Soạn, sinh năm 1959, ở thôn Đình Cao (xã Đình Cao, huyện Phù Cừ) kể: “Tôi đã nhiều lần tự cai và kể cả vào ra trung tâm cai nghiện tỉnh nhiều lần, đến mức tôi cho rằng không thuốc nào, không chương trình nào có thể cai được ma túy trong con người tôi, tôi rất mất niềm tin.

Nhưng vì muốn lấy lại tình cảm gia đình, niềm tin cho con cái mà tôi tham gia chương trình này, không ngờ tôi đã thành công”. Và ông Soạn còn “thay mặt những người nghiện cảm ơn chương trình và Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo (nơi sản xuất thuốc Cedemex) đã cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời”.

Ông Lê Hữu Thuận, Giám đốc sở LĐ-TB&XH, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình cam kết: Người cai nghiện thành công nếu có nhu cầu vay vốn làm ăn, chúng tôi sẽ cho vay, nếu chưa có nghề, sẽ cho học nghề miễn phí, và nếu chưa có việc làm sẽ tạo mọi điều kiện để giới thiệu việc làm. Chương trình cai nghiện sẽ còn tiếp tục triển khai, sẽ thật hạnh phúc nếu mỗi năm cai được cho 50 đến 100 người nghiện ma túy.

Như Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh