Những mảnh đời ở “xóm chạy thận” ngày cuối năm
- Dược liệu
- 23:49 - 16/01/2019
Những cái tết xa nhà
Chiều cuối năm, bà NguyễnThị Dáng (57 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình) vừa từ Khoa chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai trở về căn phòng trọ nhỏ nằm nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi được nhiều người biết đến với cái tên “xóm nghèo chạy thận”.
Suốt gần 16 năm điều trị căn bệnh suy thận, bà NguyễnThị Dáng vẫn một mình lầm lũi trong căn phòng nhỏ
Trong căn phòng có diện tích chưa đầy 4 mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và một vài thứ vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, trên khuôn mặt bà Dáng lộ rõ vẻ mệt mỏi, trong khi hai cánh tay vẫn còn đó những khối u cục phải băng bó sau những lần điều trị lọc máu vừa qua.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Dáng cho biết, năm 2003 trong một lần đi khám sức khỏe bà được chuẩn đoán bị suy thận cấp độ 3. Tuy nhiên, do không có điều kiện chữa trị bà quyết định về nhà chữa thuốc nam, nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng. Những lần huyết áp tăng cao khiến bà liên tục phải nhập viện cấp cứu. Trong khi đó, gia đình thuộc diện khó khăn, là người độc thân không có con cháu, ở quê nhà vẫn còn một mẹ già năm nay đã 86 tuổi đang ở với cậu em trai, nhưng điều kiện hoàn cảnh cũng chẳng mấy dư giả.
Kể từ khi phát hiện căn bệnh quái ác bao nhiêu của cải của gia đình bà lần lượt ra đi, để chữa bệnh bà phải dốc hết tài chính của gia đình và nhờ có bảo hiểm hộ nghèo chi trả bà Dáng mới có đủ kinh phí để lên Hà Nội điều trị chạy thận nhân tạo. “Gần 16 năm đi chạy thận, lầm lũi một mình trong căn phòng nhiều lúc cũng buồn lắm, những ông trời đã xếp đặt cũng chẳng biết phải làm thế nào”, bà Dáng ngậm ngùi chia sẻ.
Những tháng ngày lay lắt chống chọi với căn bệnh suy thận đã dần lấy đi của bà Dáng sự nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai của một người phụ nữ nông thôn quanh năm lam lũ ruộng đồng. Dù có được điều trị thì sức khỏe của người chạy thận vẫn không được như người bình thường. Cơ thể thiếu chất, độc tố ngày một tích tụ nhiều, sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau những lần lọc máu, cơ thể ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, nổi hạch thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ nhiều đêm không thể ngủ được. Chưa kể mỗi khi huyết áp tăng cao khiến cơ thể co rút là lại phải uống thuốc mới có thể cầm cự: “ Nói chung là những người như chúng tôi uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm. Tháng nào không đủ thuốc bổ sung thì cơ thể ngay lập tức trở nên suy yếu, da dẻ vàng khè”-bà Dáng cho biết.
Ngõ 121 Lê Thanh Nghị từ lâu được biết đến là nơi cư trú của rất đông bệnh nhân chạy thận ở Hà Nội
Với những người mắc bệnh như bà Dáng, từ lâu họ đã xác định cuộc sống của mình phải gắn liền với bệnh viện. Đều đặn một tuần ba lần bà Dáng lại có mặt tại Khoa thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành điều trị. Nếu không điều trị đều đặn chất độc không được đào thải, khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi và có nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.
Từ nhiều năm qua, do không thể đi lại xa, bà Dáng buộc phải thuê căn phòng nhỏ gần bệnh viện để tiện điều trị lâu dài. Chia sẻ với chúng tôi bà Dáng cho biết, trước đây xóm trọ này có 8 người điều trị suy thận, những một người đã mất cách đây không lâu. Giờ đây xóm trọ chỉ còn bà và 6 người khác điều đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong xóm trọ này, bà Dáng là người nhiều tuổi và cũng có số năm chạy thận lâu nhất: “Có người mới chỉ điều trị 1 - 2 năm, nhưng cũng có những người đã hơn chục năm qua, vẫn lay lắt chống trọi với căn bệnh suy thận quái ác. Và dường như xóm trọ này từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi vậy”, bà Dáng chia sẻ.
Bệnh tật quay quắt, sức khỏe ngày càng đi xuống, phải điều trị liên tục khiến mong muốn về thăm gia đình của các bệnh nhân chạy thận cũng trở nên vô cùng khó khăn. Một năm có người chỉ về nhà có hai lần, chỉ để làm các thủ tục chuyển viện rồi ngay lập tức lại điều trị. Ngay cả những ngày tết âm lịch, khi mà người người nhà nhà được vui vầy, xum họp bên gia đình thì đối với những bệnh nhân chạy thận vẫn là những ngày dài vật lộn điều trị tại bệnh viện. Với họ những cái tết tại bệnh viện đã trở nên quá quen thuộc.
Còn đối với bà Vũ Thị Luyến (quê Nam Đinh), 10 năm chạy thận ở Hà Nội cũng là 10 cái tết bà phải xa gia đình để điều trị căn bệnh quái ác. Theo bà Luyến, sở dĩ hầu hết những bệnh nhân chạy thận nơi đây chọn ở lại xóm trọ những ngày Tết Nguyên đán phần nhiều vì nhà xa, tàu xe vất vả, tốn kém. Chi phí đi lại đó, họ để dành thêm vào thuốc men, sinh hoạt.
Mọi sinh hoạt của bệnh nhân chạy thận đều gói gọn trong căn phòng nhỏ
“Những ngày tết nhất kể ra có người thân gia đình cũng vui, nhưng bệnh tật cũng đành chịu, tự mình phải chăm sóc mình thôi. Dịp tết mọi người trong xóm đa phần đều ở lại, đồng cảnh tương liên nên mọi người cũng dễ cảm thông chia sẻ với nhau. Mọi người trong xóm vẫn tự động viện nhau, có buồn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Với chúng tôi, mong muốn lớn nhất là làm sao có sức khỏe, để tiếp tục chống trọi lại với bệnh tật.”- bà Luyến chia sẻ.
Cũng theo bà Luyến, trong những năm gần đây và dịp tết Nguyên đán cũng có nhiều nhà từ thiện đến thăm tặng quà và động viên các bệnh nhân chạy thận trong xóm. Có người ra vào trò chuyện cũng giúp những ngày tết ở xóm chạy thận trở nên ấm cúng hơn.
Niềm hy vọng không bao giờ tắt
Nằm cuối dãy trọ là căn phòng nhỏ của vợ chồng chị Đặng Thị Xiêm (quê ở Bắc Kạn). Cũng như các thành viên khác của xóm chị Xiêm cũng là một bệnh nhân đang điều trị chạy thận. Nói về trường hợp của chị Xiêm, ngay cả những bệnh chạy thận lâu năm trong xóm cũng không khỏi sót xa.
Năm 2015, vừa lấy chồng được 1 năm thì chị Xiêm phát hiện mình đã bị suy thận ở cấp độ 3. Do điều kiện kinh tế gia đình ở quê khó khăn, hai vợ chồng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng không thể đủ kinh phí cho chị điều trị thuốc men, vợ chồng chị Xiêm phải ra Hà Nội kiếm việc mưu sinh để có chi phí cho chị chạy thận nhân tạo. Hàng ngày 2 vợ chồng chị Xiêm đi làm thuê cho một quán phở, chồng chị làm phụ bếp, còn chị Xiêm được nhận vào rửa bát. Vì hoàn cảnh phải điều trị bệnh tật nên Xiêm chỉ có thể làm việc 4 ngày trên tuần.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với những người bệnh tại xóm chạy thận nghèo vẫn mang trong mình sự lạc quan yêu đời
Nói về những tháng ngày lăn lộn ở thành phố chữa bệnh, chị Xiêm chia sẻ, may mà có bảo hiểm hộ nghèo chi trả tiền viện phí nên vợ chồng em mới có đủ kinh phí để duy trì điều trị. Hàng ngày hai vợ chồng đi làm cũng chỉ đủ trang trải tiền ăn, ở và mua thêm thuốc men điều trị: “Sống ở Thủ đô nhiều chi phí tốn kém, nếu không có việc làm sẽ không đủ khả năng trang trải, gia đình thì cũng không có điều kiện hỗ trợ được nhiều, hai vợ chồng cũng chỉ cố gắng làm việc mà thôi”-chị Xiêm bộc bạch.
Từ ngày mang trong mình căn bệnh suy thận, cuộc sống của hai vợ chồng Xiêm thay đổi rất nhiều. Đã có những thời điểm gánh nặng của cuộc sống đè lên đôi vai khiến hai vợ chồng trẻ trở nên suy sụp.