THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:30

Những mầm sống băng qua bão AIDS

 

Ma túy bủa vây bản làng

Đã có một thời người ta tưởng chừng như bản làng của người Mông, người Thái huyện biên giới Mường Lát bị xóa sổ bởi cơn gió của ma túy và HIV. Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) với những căn nhà nằm xiêu vẹo bên sườn núi, những phận người sống lầm lũi đi qua nghèo đói, lạc hậu. Ma túy tràn về khiến cho cuộc sống bình yên nơi bản nghèo bị phá vỡ với những cái chết trắng. Ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 2001, khiến cho cả bản nghèo hoang mang, sống trong sợ hãi. Rồi từ đó, những chàng trai trẻ đang khỏe mạnh trong bản bỗng trở nên gầy yếu, xanh xao, chẳng đủ sức đi trỉa hạt bắp, hạt lúa trên đồi nữa. Số người chết vì ma túy, HIV/ AIDS cứ tăng dần khiến người ta bàng hoàng nhận ra nó đang tàn phá bản làng.

 

Thầy giáo bộ đội biên phòng.


Từ trước đến nay, những người dân trong bản nghĩ những người chết bị con ma rừng bắt đi chứ có biết thế nào là HIV. Người dân bản Poọng chẳng thể hiểu virus HIV hay căn bệnh thế kỷ AIDS là gì. Bản làng của đồng bào dân tộc Thái như chìm trong bóng tối, tiếng than khóc của trẻ nhỏ, hình ảnh vợ mất chồng, con mất cha và cả ánh mắt thẫn thờ của người già nơi bậc cửa cứ như một sự ám ảnh.

Những người già trong bản kể lại rằng: Hồi đó, cứ vài ngày bản lại có người chết, ai cũng nghĩ do họ làm việc gì sai trái nên bị Giàng trách phạt chứ có ai biết thế nào là HIV/ AIDS. Có nhà cả 2 vợ chồng cùng chết để lại những đứa trẻ côi cút. Tiếng khóc than như nỉ non suốt ngày đêm dưới chân núi Sài Khao này. Những đứa trẻ chẳng thể hiểu vì sao bố mẹ chúng lại lần lượt bỏ chúng mà đi như thế. Từ đầu bản đến cuối bản đều một màu trắng của khăn tang, là tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt thẫn thờ của người già nơi bậc cửa.

 Hồi sinh nơi vùng đất chết

Có dịp trở về bản Poọng vào một ngày cuối thu, khi cái nắng hanh vàng còn sót lại nơi miền biên viễn. Từ trung tâm xã vào đến bản chỉ chừng 6km nhưng chiếc xe máy cũng ì ạch , thi thoảng nhảy lên như cào cào vì đất đá lởm chởm, cũng phải mất gần nửa giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được đến bản. Trưởng bản Hoàng Thanh Tâm đón chúng tôi ngay từ đầu bản với cái bắt tay thân tình và nụ cười hiền hậu của một người dân vùng cao. Trong ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ, anh kể cho chúng tôi nghe về một bản Poọng đang dần đổi thay với niềm vui và niềm tin mãnh liệt.

 

Học sinh huyện Mường Lát.

 

Để minh chứng cho sự hồi sinh nơi đây, trưởng bản Hoàng Thanh Tâm đưa chúng tôi đi tham quan cánh đồng lúa nước hơn 7,6 ha của bản Poọng đang thời kỳ trổ bông; có cả màu xanh của những cánh rừng xoan, lát bạt ngàn được bà con bản Poọng trồng nhiều năm nay theo Dự án trồng rừng 147 của Chính phủ, góp phần mở ra một hướng thoát nghèo cho bà con trong bản. Giờ đây, người dân bản Poọng không còn bị ma túy bủa vây mà chăm chỉ gieo cấy lúa nước, trồng cây ngô lai trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, cả bản có hơn 200 con trâu, bò và hàng nghìn con gia cầm các loại; 80 % số hộ trong bản có xe máy và ti vi. Bản Poọng không còn cái vẻ hoang vắng, đìu hiu trong tang thương nữa mà đã rộn ràng hơn trong tiếng nói cười của trẻ nhỏ, tiếng gọi nhau lên nương rẫy của các bà, các mẹ.

“Bão AIDS” qua đi và lùi vào quá khứ. Những đứa trẻ mồ côi không còn ám ảnh bởi nỗi đau HIV/AIDS mà được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, được bản làng yêu thương đùm bọc. Anh Hoàng Thanh Tâm chia sẻ: “Bản Poọng có được như ngày hôm nay là công sức rất lớn của cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung (BĐBP Thanh Hóa). Những người lính biên phòng đã ngày đêm bám dân, bám bản tuyên truyền vận động bà con tránh xa ma túy, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Họ trở thành những đứa con yêu quý của bản làng này”. Và cũng nhờ các anh mà những đứa trẻ mồ côi được cắp sách đến trường, được sống trong sự nâng niu, che chở.

Chúng tôi gặp em Hoàng Văn Tuất và Vi Văn Thắng trên đường đi học về nhà. Năm Thắng 3 tuổi, bố em mất vì căn bệnh HIV, mẹ em cũng mất sau đó không lâu. Khi đó, một đứa trẻ 3 tuổi không hiểu thế nào là HIV/ AIDS, suốt ngày chỉ khóc đòi mẹ, đòi cha. Thắng trở thành đứa trẻ côi cút. Em được người bác ruột đón về nhà chăm sóc. Nhưng hoàn cảnh nhà bác ruột cũng nghèo nên Thắng cũng chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Trong đôi mắt của Thắng vẫn ẩn chứa sự khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Cũng như trường hợp của Thắng, bố của Tuất mất vì nhiễm HIV. Mẹ Tuất bỏ đi làm ăn xa, em sống cùng chị gái và bà nội, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào các cô bác bởi bà nội già yếu cũng chẳng thể nuôi nổi 2 đứa trẻ côi cút.  Khi hỏi Tuất có nhớ mẹ không thì đôi mắt em lại ngấn nước. Tuất bảo: “Lâu lắm rồi mẹ không về thăm em, em cũng không còn nhớ khuôn mặt của mẹ nữa. Giờ em chỉ mong mẹ em về nhà với bà nội và hai chị em thôi”. Thiếu tá Mai Văn Thọ (Đội trưởng đội tổng hợp Đồn Biên phòng Tam Chung) đi cùng tôi vào bản cho biết: Để giúp các cháu có cuộc sống khá hơn và yên tâm đến lớp, tháng 9/ 2014 Đồn Biên phòng Tam Chung đã nhận đỡ đầu cho 2 cháu nhỏ. Từ khi được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận đỡ đầu, hai em yên tâm đến trường. Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích tiền lương của mình để hỗ trợ mỗi cháu một tháng 500.000 đồng. Từ lâu, cán bộ chiến sỹ đơn vị đã xem Thắng và Tuất như những đứa con nuôi của mình. Dẫu rằng cuộc sống còn lắm những khó khăn nhưng trong đôi mắt ánh lên niềm vui và bước chân đến trường của Thắng và Tuất, chúng tôi thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ của con người nơi vùng đất tưởng chừng như đã bị ma túy nhấn chìm.   

LINH NGA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh