CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:00

Những khuất tất tại Nhà xuất bản Y học

 

Còn hơn chục tỷ hay không còn đồng nào?
Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Y học (NXB Y học) là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, được thành lập từ những năm 1959. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, NXB Y học đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng kể, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, huy chương cao quý như Huân chương Lao động Hạng Nhất, hạng hai, hạng  ba, Huân chương Độc Lập... và rất nhiều giải thưởng cao quý khác... 
Tuy nhiên, từ tháng 11/2013, từ khi ông Chu Hùng Cường được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Tổng Giám đốc thì NXB Y học đã để xảy ra nhiều khuất tất. Một trong những khuất tất mà chúng tôi muốn đề cập là sự mờ ám về quản lý thu chi tài chính.

Trụ sở Nhà xuất bản Y học

Theo phản ánh của một số cán bộ và những người có trách nhiệm tại NXB Y học, hiện nay trong ngân quỹ NXB Y học đã cạn kiệt, nhưng khi báo cáo lên Bộ Y tế vẫn thể hiện tiền mặt cả chục tỷ đồng, trong khi nợ thuế, nợ tiền mua xe, nợ nhuận bút bạn đọc... hàng tỷ đồng?

Tại Biên bản kiểm kê quý tiền mặt của NXB Y học ngày 13/3/2017 thể hiện rõ thời điểm đó quỹ tiền mặt thực tế của NXB Y học là gần 7,7 tỷ đồng (7.686.218.000 triệu đồng). 

Mới đây tại Bản thuyết minh báo cáo tài chính và bản cân đối kế toán năm 2017 của NXB Y học do Chủ tịch - TGĐ Chu Hùng Cường ký trình lãnh đạo Bộ Y tế ngày 29/3/2018 thể hiện rõ: Tiền của doanh nghiệp tại ngân hàng gần như không có, trong khi đó lượng tiền mặt tại quỹ két doanh nghiệp lại rất nhiều. Vậy lý do gì mà NXB Y học lại không giữ tiền tại ngân hàng để lấy lãi (ít nhất là theo lãi suất thanh toán) đồng thời lại rất an toàn mà lại để toàn bộ tiền mặt tại cơ quan?

Bảng thuyết minh, báo cáo tài chính và kiểm kê tiền mặt thể hiện NXB Y học đang giữ tiền mặt rất nhiều

Tại Bản thuyết minh báo cáo tài chính của NXB Y học chúng tôi tiếp cận được cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trên nguồn vốn của chủ sở hữu là 10.829.106 /17.423.106  = 62%; Tỷ trọng tiền mặt trên Tổng tài sản là: 10.829.106/26.804.106 = 40%. Các tỷ trọng này đều quá cao so với tài sản của doanh nghiệp. Bởi vì nếu để tiền mặt tại cơ quan nhiều, doanh nghiệp dễ bị tê liệt khi có sự cố như cháy, nổ, mất trộm, thiên tai sẽ trắng tay, đẩy doanh nghiệp đến phá sản, người lao động bị thất nghiệp. Việc để tiền mặt tại doanh nghiệp quá nhiều đã đi ngược lại với Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt thể hiện còn hơn 7,6 tỷ đồng
Có điều lạ là tại sao tiền mặt nhiều, nhưng NXB Y học lại nợ tiền thuế đất 5 năm liền (gần 2 tỷ đồng) không trả? Vì sao nợ tiền hạ tầng 1.800m2 đất ở khu D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy 5 năm nay (13 tỷ) cũng không trả? Mặt khác, tại sao tiền mặt nhiều lại đi vay ngân hàng mua xe trả góp để phát sinh lãi suất, tại sao lại nợ tiền tác giả?
Còn tại Bảng cân đối kế toán lập ngày 29/3/2018 thể hiện tài sản của NXB Y học là gần 26 tỷ đồng. Chính vì hàng loạt câu hỏi và vấn đề trên đã buộc chúng tôi đi sâu nghiên cứu tìm câu trả lời.
“Chúng tôi không để tiền ở ngân hàng vì đang nợ thuế”
Trong phần tài liệu mà cán bộ, nhân viên NXB Y học cung cấp cho chúng tôi, hiện nay tại NXB Y học đang có 2 bảng lương, một bảng có chữ ký của Tổng GĐ Chu Hùng Cường, và 1 bản có chữ ký của kế toán và thủ quỹ, thể hiện 2 mức chi trả khác nhau trong cùng 1 thời điểm cho cán bộ, nhân viên. Theo đó, tại bảng thanh toán lương tháng 1/2017 cho Tổ sách – Công ty in thể hiện hơn 112 triệu đồng cho 7 người gồm Trần Thị Bích Lệ, Lê Thị Như Trình, Nguyễn Thị Huệ, Chu Mộng Điệp, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Bích Liên và Trần Thị Thanh Hương. 
Thế nhưng cũng những con người này, một bảng thanh toán lương trong tháng 1 cho Tổ sách – Công ty in lại thể hiện mức chi trả khác với số tiền hơn 43 triệu đồng. Tương tự, tại bảng thanh toán lương cho Trung tâm hỗ trợ xuất bản trong tháng 1 chi cho 2 cá nhân là Đỗ Thị Thu Trang và Nguyễn Thị Hằng với tổng số tiền lần lượt là 8 triệu đồng (8.022.300) và 1 bảng thể hiện 8,5 triệu đồng (8.560.800 đồng). Còn tại Bảng thanh toán lương cho tổ máy in – Cty In cho 3 người gồm Phạm Quốc Vượng, Bùi Xuân Hướng và Nguyễn Danh Thái lần lượt là hơn 9,9 triệu và 10 triệu đồng. Còn tại bảng kê tạm ứng lương kỳ I (tháng 1/2017) cũng có 2 bảng với mức tiền hơn 114 triệu đồng mỗi bảng. 
Mặt khác, tại hai bảng lương này các chữ ký của người nhận cũng như kế toán lập phiếu đều giống nhau đến lạ lùng, thế nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Cường phủ nhận và cho biết, bảng lương có chữ ký của mình mới có giá trị?
Bảng kê tạm ứng lương cũng có 2 bản
Không những có dấu hiệu khuất tất trong việc lập 2 bảng lương, mà trong tài liệu chúng tôi có được đều thể hiện từ 5 năm nay, NXB Y học đã nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp lên đến hàng tỷ đồng. Việc chây ỳ, nợ thuế cũng chỉ mới phát sinh từ khi ông Cường lên nắm quyền lãnh đạo. Điều này đã được thể hiện rõ tại thông báo tiền thuê đất, tiền chậm nộp của NXB Y học đã được chúng tôi điều tra và Cục thuế Hà Nội cung cấp, xác nhận. Cụ thể tại Thông báo số 12964 ngày 11/5/2017 mà Chi Cục thuế quận Cầu Giấy báo tiền thuê và tiền chậm nộp của NXB Y học là trên 1,5 tỷ đồng. Đây là khoản tiền thuê đất tại ô đất D32 Đô thị mới Cầu Giấy, Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thuộc quyền sở hữu của NXB. 
Đến nay dù đã sang tháng 5/2018 rồi mà NXB Y học còn nợ rất nhiều (gần 2 tỷ đồng), trong khi tại Bản thuyết minh báo cáo tài chính và bản cân đối kế toán lại thể hiện tiền mặt của đơn vị này cả chục tỷ đồng? Mặt khác việc nợ thuê của NXB Y học cũng chỉ phát sinh kể từ khi ông Cường lên nắm quyền, còn trước đó không hề nợ đồng nào. 
Ông Chu Hùng Cường (áo trắng bên phải) Tổng GĐ NXB Y học trong buổi làm việc với PV
Một điểm đáng nói nữa là, sau khi lên làm Chủ tịch - Tổng giám đốc một thời gian ngắn, đến tháng 6/2014, ông Cường đã cho bán ngay 1 xe Toyota 9 chỗ ngồi đang sử dụng bình thường (bán 10 triệu), và 1 xe Ford V6 5 chỗ. Theo tìm hiểu, chiếc xe Ford V6 5 chỗ ngồi mua hơn 7 năm, nhưng chỉ bán với giá 212 triệu đồng, rồi mượn tiền ngân hàng mua 1 ô tô mới 9 chỗ về để riêng ở tầng hầm chung cư của nhà mình mà không để ở cơ quan, hàng tháng NXB Y học phải trả thêm khoản tiền trông giữ xe. Việc mượn tiền ngân hàng mua xe đã làm phát sinh thêm lãi suất, khiến NXB phải còng lưng trả nợ.
Lý giải cho việc “lạ lùng” này, trong buổi làm việc với PV, ông Cường thừa nhận đang nợ thuê đất hơn 1,9 tỷ đồng. “Lý do không để tiền ở ngân hàng là vì chúng tôi đang nợ tiền thuê đất, nếu để ở ngân hàng sẽ bị truy thu. Đồng thời cũng xác nhận “hiện nay NXB đang vay ngân hàng 500 triệu để mua xe, mỗi tháng đang phải trả lãi 10 triệu đồng. Còn việc gửi xe ở chung cư nhà mình là do cơ quan thiếu diện tích”, ông Cường cho biết.

Về việc không gửi ngân hàng mà lại để tiền mặt ở Cty, ông Cường cho biết đây là quyết định của cá nhân và chịu trách nhiệm. Hiện nay không có quy định nào cấm để tiền mặt ở doanh nghiệp. Đồng thời, ngoài lý do đang nợ thuế, nếu để ở ngân hàng sẽ bị truy thu, ông Cường cũng cho biết lý do nữa là để có tiền triển khai dự án xây dựng trụ sở tại D32 Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng dự án này theo PV tìm hiểu thì vẫn đang “nằm trên giấy”.

Theo một cán bộ lâu năm tiết lộ, hiện nay NXB Y học đang nợ cả tiền nhuận bút của tác giả.

Hàng loạt những khuất tất này đã khiến cho nhiều cán bộ đang làm việc tại NXB bức xúc, nhưng không dám lên tiếng. Những dấu hiệu sai phạm này chỉ có thanh tra và các cơ quan điều tra mới trả lời được.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh