CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:32

Hệ lụy đau lòng từ tai nạn lao động

 

Nỗi đau còn đó
Anh Trần Văn Hùng (SN 1985, trú tại thị xã An Khê, Gia Lai)-công nhân xử lý nước thải Nhà máy Đường An Khê-là trụ cột gia đình. Cuối tháng 6/2015, cả gia đình hốt hoảng khi thấy cán bộ nhà máy đưa anh Hùng về nhà trong tư thế nằm bất động. Biết chuyện chẳng lành, mẹ Hùng ngất lịm. Vợ anh-chị Trần Thị Bé, từ ngày chồng mất thì trở nên lặng lẽ, đau đớn đến giờ chưa nguôi. Bà Trần Thị Kim Quốc-mẹ anh sụt sùi kể lại: “Tôi chỉ có duy nhất Hùng là con. Hùng hiền lành và hiếu thảo lắm, trước giờ chưa làm mất lòng ai. Sau ca làm việc là Hùng về phụ giúp Vợ làm kinh tế. Cả nhà đang sống hạnh phúc thì nó bỏ mẹ, bỏ vợ mới cưới mà đi”.

Ban Chỉ đạo Công tác Bảo hộ lao động tỉnh thăm đối tượng bị tai nạn lao động ở huyện Ia Grai.                                                                                                                                                    Ảnh: Đ.Y
Ban Chỉ đạo Công tác Bảo hộ lao động tỉnh thăm đối tượng bị tai nạn lao động ở huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.Y

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Hùng là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xử lý bể lắng bùn hồi lưu thuộc hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, anh đã vi phạm quy định an toàn lao động, không đội mũ lọc khí khi xuống bể lắng dẫn đến ngạt khí, ngạt nước chết.  
Còn với anh Phạm Văn Tụ (tổ dân phố 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) tai nạn lao động cũng đã khiến cuộc sống của anh gặp muôn vàn khó khăn. Chuyện xảy ra cách đây 10 năm, khi ấy anh Tụ đang là cán bộ thuộc Ban Quản lý Lâm trường huyện Ia Grai. Vào một ngày cuối năm 2006, anh Tụ đang làm nhiệm vụ bốc xếp gỗ từ trên xe xuống đất, dù hết sức cẩn trọng nhưng bất ngờ một cây gỗ lớn từ trên xe lăn tự do và ngáng qua người khiến anh bị thương nặng, hậu quả anh bị dập gan và lá lách. Sau thời gian chữa trị, vì vết thương quá nặng, anh nghỉ chế độ một lần với tỷ lệ mất sức lao động 61%. Anh Tụ tâm sự: “10 năm nay, nỗi đau từ vụ tai nạn lao động luôn ám ảnh tôi. Giá như tôi còn khỏe mạnh thì Vợ con tôi bây giờ chắc sẽ không khổ thế này”.

Giải pháp nào để giảm thiểu tai nạn lao động?

Có một thực tế, khi tai nạn lao động xảy ra, người lao động không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khỏe, khả năng làm việc mà gia đình họ cũng gặp khốn đốn do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Còn chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động. Đó là chưa kể đến việc uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả…
Theo thống kê của Sở Lao động-thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có trên 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động với 70.000 lao động nhưng hàng năm số doanh nghiệp báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, an toàn lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính riêng năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn lao động làm 7 người chết, 4 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do chủ sử dụng lao động không quan tâm đến công tác huấn luyện về an toàn lao động, không có quy trình, biện pháp an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ, đúng chủng loại cho người lao động, các máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn…
Trao đổi với P.V, ông Trần Đức Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A cho biết: Là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất điện nên công tác an toàn lao động luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Những năm qua, để giảm thiểu tai nạn lao động, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở. Khi kiện toàn được đội ngũ này cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Công ty thì công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được đảm bảo. Đến nay doanh nghiệp chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bảo hộ lao động chỉ được một số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh quan tâm, còn phần lớn doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện nghiêm vấn đề bảo hộ lao động, nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…Xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh nêu giải pháp: Hàng năm, các ngành chức năng liên quan nên phối hợp tập trung thanh-kiểm tra các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sử dụng nhiều lao động giản đơn) về việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ quyền lợi cho người lao động…Làm tốt những việc này sẽ góp phần hạn chế số vụ tai nạn lao động, hơn nữa quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo khi không may xảy ra tai nạn lao động.

Theo Báo Gia Lai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh