THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:37

Năm 2015: 666 người chết do tai nạn lao động

 

Họp báo công bố Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN năm 2016.

Tại buổi họp báo, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động cho biết: Năm 2015, mặc dù các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong công tác ATVSLĐ và PCCN, nhưng tình hình tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và cháy nổ vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, số vụ TNLĐ tăng, số người chết, số vụ cháy đều tăng. Cụ thể, theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố năm 2015 toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn (trong đó có 666 người chết do TNLĐ, bị thương nặng 1.704 người; nạn nhân là lao động nữ có 2.432 người).

 Trong năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy (trong đó có 1.101 vụ cháy tại các cơ sở, 1.121 vụ cháy nhà dân, 182 vụ cháy phương tiện giao thông và 388 vụ cháy rừng) làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỷ đồng và 1.623,2 ha rừng; xảy ra 35 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng. Qua phân tích từ 238 biên bản điều tra TNLĐ chết người, nguyên nhân do  ngã từ trên cao chiếm 28,1% tổng số vụ và 26,4% tổng số người chết; điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết; vật rơi, đổ sập chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết. Lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết, tiếp đến là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp.

Về công tác báo cáo tình hình TNLĐ, Cục An toàn Lao động cho biết, hiện chỉ có 6-7% doanh nghiệp có báo cáo, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn lại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo thống kê về TNLĐ, mặc dù đã có qui định phải có báo cáo về tình hình TNLĐ.

 Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, do người sử dụng lao động chiếm 52,8% (cụ thể người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn cho lao động chiếm 9,7% tổng số vụ và do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6% tổng số vụ; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân  trong lao động chiếm 1%.

Cấp cứu nạn nhân bị tai nạn do điện giật.

Thiệt hại về vật chất doTNLĐ xảy ra trong năm 2015, riêng chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 99.679 ngày. Các địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhiều, gồm: TP. Hồ Chí Minh,Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Trong đó,  Đồng Nai là địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất, TP.  Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ TNLĐ chết người cao nhất cả nước.

 Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18 có chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động”, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động và toàn xã hội thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN theo Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Phòng cháy, chữa cháy; góp phần làm giảm TNLĐ,bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy, nổ, bảo vệ nguồn nhân lực, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, người dân vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.     

VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh