THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:28

Bình Thuận: Thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn lao động

 

Chú trọng thanh, kiểm tra, giám sát nơi có nguy cơ cao tai nạn lao động   

Ông Anh cho biết, các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra phần lớn là do lỗi của người sử dụng lao động không xây dựng quy trình vận hành an toàn cho từng máy, thiết bị, công việc cụ thể. Máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không được kiểm định, người lao động không được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu trong các ngành xây dựng, điện, khai khoáng, xây lắp.

Mặc dù tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua không có vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, nhưng tình hình tai nạn lao động vẫn đang có chiều hướng phức tạp nhất là trong ngành khai thác khoáng sản, điện, xây dựng. Nhiều vụ tai nạn lao động do vi phạm các quy trình kỹ thuật an toàn, gây ra những tổn thất về vật chất, về con người và là nỗi lo chung của nhiều gia đình và xã hội. Vấn đề an toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức.

Vì vậy, theo ông Mai Văn Anh, để giảm thiểu tai nạn lao động trong thời gian đến theo Chỉ thị số 01/CT-BLĐTBXH ngày 10/6/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cho các ngành chức năng tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông, để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, quyền được sinh hoạt an toàn của người dân. 

Trong thời gian tới các ngành chức năng như Sở LĐ-TB&XH, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, tập trung vào các nhà thầu thi công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động như: Lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình làm việc, đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người dân xung quanh. Lựa chọn người có chuyên môn, kinh nghiệm, được đào tạo phù hợp để làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Huấn luyện thực hiện quy trình, biện pháp an toàn thường xuyên cho người lao động. Thực hiện đầy đủ việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động. Bố trí người giám sát, phân luồng giao thông, thiết lập tín hiệu cảnh báo khi thi công tại các công trình giao thông, công trình gần đường giao thông.

Pano tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động ở Bình Thuận đến tận khu dân cư và các tuyến đường giao thông.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động đặc biệt là các nhà thầu, ban quản lý dự án công trình tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông. Công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.  Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi công của nhà thầu đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Đình chỉ ngay các nhà thầu, doanh  nghiệp, công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tập trung kiểm tra tình trạng an toàn của thiết bị nâng trong các công trình, việc đào tạo, huấn luyện đối với người vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các biện pháp thi công đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật an toàn. Thanh tra, kiểm tra các công trình trọng điểm, các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Tổ chức đánh giá đầy đủ về năng lực của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tham gia xây dựng công trình, chỉ cho phép thi công khi đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn trên công trường. Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc biệt là thiết bị nâng hạ tại công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông; quy định khung giờ hoạt động và phân luồng giao thông hợp lý tại công trình tiếp giáp các khu dân cư, đường giao thông. Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn lao động của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu thuộc phạm vi quản lý.

Chấn chỉnh kịp thời công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Hiện tại tỉnh Bình Thuận không có tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện. Các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện đều đến từ tỉnh ngoài. Một số trường như: Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Cao đẳng nghề Bình Thuận, Trung cấp nghề KT-KT Công đoàn đã thực hiện liên kết với các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện tổ chức các lớp huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Việc làm này đã giúp cho số lượng người thuộc đối tượng huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động được tăng lên, kiến thức và kỹ năng trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được nâng lên, số vụ tai nạn lao động được giảm thiểu đáng kể. Có 13.670 người lao động và 700 người sử dụng lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy trình, nội dung và thời gian huấn luyện và có 95% được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ an toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Anh, qua theo dõi quản lý, công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động của một số lớp chưa đúng với quy định dẫn đến chất lượng huấn luyện chưa đảm bảo. Như hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ, đúng quy định về tiêu chuẩn giảng viên huấn luyện, chương trình huấn luyện (đăng ký người này nhưng khi thực hiện người khác giảng, thời gian, thường lượng huấn luyện bị rút ngắn)... Chậm thông báo hoặc không thông báo về chương trình, thời gian, địa điểm huấn luyện trước khi tổ chức huấn luyện ít nhất 7 ngày để được kiểm tra, giám sát các hoạt động huấn luyện để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện.  Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, Sở đã có công văn đề nghị các trường khi thực hiện liên kết với các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện tổ chức các lớp huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động phải kiểm tra hồ sơ pháp lý của đơn vị huấn luyện và đề nghị đơn vị huấn luyện phải thông báo về chương trình, thời gian, địa điểm huấn luyện trước khi tổ chức huấn luyện ít nhất 7 ngày để được kiểm tra, giám sát các hoạt động huấn luyện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020

Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm và không có tại nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền công tác an toàn vệ sinh lao động đến cho ít nhất 60% doanh nghiệp (người sử dụng lao động, người lao động) trên địa bàn toàn tỉnh để nắm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Tập trung các doanh nghiệp ngành xây dựng, khai khoáng, điện, gas, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và máy móc cơ khí trong nông nghiệp.

Doanh nghiệp phải từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn của Nhà nước ban hành, xây dựng nội quy, quy trình vận hành, quy trình làm việc an toàn cho từng loại máy, thiết bị, cho từng công việc cụ thể trong doanh nghiệp. Tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ hàng năm theo quy định của pháp luật.

Phát động rộng rãi phong trào quần chúng tham gia các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ như: Xây dựng góc bảo hộ lao động, tổ chức các cuộc thi tranh, áp phích, ảnh, thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, tự kiểm tra, giám sát điều kiện lao động.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra phát hiện mối nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và có biện pháp kịp thời ngăn chặn, loại trừ những nguy cơ, rủi ro, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất; thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Tăng cường, củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị nhằm giúp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác này.       

NGỌC MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh