Những đứa trẻ khuyết họ
- Y học 360
- 15:59 - 01/10/2016
Người đàn ông không vợ và 11 đứa con tứ xứ
Núi Cấm được mệnh danh là nóc nhà của khu vực Tây Nam bộ. Từ xa nhìn lại, ngọn núi “chảy dài”, “đổ xuống” với một dáng vẻ kỳ bí. Ngôi nhà của người đàn ông 50 tuổi, có tên Nguyễn Tiến Bông nằm ở nơi chót vót nhất. Vất vả về đi lại, loanh quanh với những khúc cua của con đường mòn và sắc nhọn bởi những vỉa đá nhô ra. Trong căn nhà lá ngổn ngang vật liệu, xoong nồi, anh Bông chỉ những đứa trẻ lít nhít với những khuôn mặt khác nhau, vui vẻ: “Các con tôi đó. Giờ tài sản duy nhất của tôi là những đứa trẻ này. Tuy không vợ và không có những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra nhưng tôi thấy mình đã có một gia đình lớn”. Các “con” của anh Bông đứa đã biết giúp việc, đứa đang chập chững biết đi và cả những đứa đang còn phải bế nựng, nhưng đứa nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Điều đặc biệt, với con gái anh lấy tên đệm là Cẩm như: Cẩm Tiên, Cẩm Như; lấy tên Sơn để đệm cho con trai như: Sơn Ngọc, Sơn Thành, Sơn Giàu...
Mẹ con anh Bông và những đứa trẻ.
Không như những đứa trẻ được nuôi dưỡng khác, các con anh đều là những đứa trẻ khuyết họ. Hỏi anh về sự chắc ẩn này, với cái cười hiền của một người đàn ông lam lũ, anh bảo: “Tôi chỉ xác định mình là cái cây để cho những ngọn non dựa vào trong lúc khốn khó đầu đời vươn lên. Tôi xác định và hy vọng rằng sẽ có ngày nào đó cha mẹ của tụi trẻ biết và đến tìm chúng. Có người lo toan, mình lại trả chúng về với gia đình thôi. Tôi không lấy họ mình để đặt cho các “con” vì để chỗ ấy cho bố mẹ chúng nếu chúng may mắn”.
Anh Bông cho biết, trước nhà anh dưới thành phố Cần Thơ. Sau thấy cảnh phố xá bí bách, lại thêm người mẹ bệnh tật, không chịu được ồn ào, anh đã đưa mẹ lên đây khai hoang và lập nghiệp. Rồi từ chuyện lập nghiệp, trước cảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi nên anh quyết định biến khu đất và căn nhà của mình thành trại tế bần cho tụi trẻ.
Nhặt những đứa trẻ từ lúc chúng còn đỏ hỏn, khóc ngặt vì thiếu hơi mẹ và đói sữa, anh đưa lên núi. Nguồn mưu sinh của anh và người mẹ già cũng như những đứa trẻ chỉ trông vào 10ha đất đã hoang hóa được. Lam lũ ngày đêm, anh bổ đất, cuốc hốc trồng cây. Mùa vụ, cây cho trái anh lượm nhặt, gồng gánh xuống núi bán, cóp nhặt từng đồng để mua gạo, muối mắm, tã lót và đường sữa cho tụi trẻ.
Từ bàn tay vun vén lo toan của anh, 11 đứa trẻ nhặt được ở mọi nơi đều dần bước qua cái ngưỡng cửa của sự rình rập ẩn họa đầu đời. Một gia đình với 2 đứa con cùng các khoản mưu sinh đã là một sức nặng. Đằng này một mình anh, không vợ và chăm sóc 11 đứa trẻ, thì sự cơ nhọc đến chừng nào. Nếu không có tình người, tính nhân văn thì chắc rằng sẽ không vượt qua được những nỗi khốn khó đó, mà đầu tiên là miếng ăn, miếng uống hàng ngày. Không chỉ lo cho lũ trẻ ngày 3 bữa ăn no mà anh còn dành tiền để mua đồ dùng, máy phát điện cho tụi trẻ. Trường xa, lớp xa, điểm trường gần nhất cũng 7km chân trần lội bộ nên anh cũng chưa có điều kiện để cho các “con” đến lớp. Nhưng không phải vì thế mà các “con” anh đều thất học. Để khắc phục khó khăn này, mỗi ngày, sau khi công việc hết, anh lại bố trí thời gian để dạy chữ cho từng đứa trẻ.
Tuy khó khăn nhưng “ba Bông” vẫn dành dụm tiền mua quần áo và đồ chơi cho những “đứa con” của mình.
Đêm nào cũng vậy, giữa xanh thẳm của đại ngàn Cấm Sơn, dưới ánh sáng không đủ của chiếc máy nổ anh lại cặm cụi dạy chữ cho các con. “Ba” - thầy giáo - “con” - học trò là một lớp học hết sức đặc biệt được mở tại đây. Dạy đứa này đôi ba chữ, uốn nắn cho đứa kia vài ba dòng trong tập viết, cứ miệt mài như vậy, giờ các con đã biết đọc và viết thạo.
Chuyện của người mẹ già
Để có một gia đình đặc biệt, một người cha đặc biệt trên núi Cấm Sơn này thì không thể thiếu nếu như không kể đến người mẹ của anh Bông. Bà chính là người khơi lên trong anh tình thương và lòng nhân đạo để anh có một gia đình như ngày hôm nay. Mẹ anh, bà Võ Thị Ba cũng là người mẹ nghèo lại bị bệnh. Trong một lần vào bệnh viện bà đã gặp một sản phụ nghèo mới 17 tuổi. Người phụ nữ này quê mãi tận Đồng Tháp. Con gái quê, nhà nông nên sự hiểu biết cũng có hạn. Nhà nghèo nên cô phải đi chăn vịt thuê rồi đem lòng yêu người con trai trong ấp. Thế nhưng tình yêu đầu đời của người con gái khốn khó ấy đã nhanh chóng trở thành bi kịch khi người con trai đã phụ bạc lúc cô có thai.
Xấu hổ và tủi nhục cô đã lên Cần Thơ để sinh con, không một đồng xu dính túi. Không công ăn việc làm thì cũng là lúc cô trở dạ. Vì nghèo nên hy vọng được sinh con trong bệnh viện của cô thật xa vời. Trong lúc tuyệt vọng cô đã may mắn gặp bà Ba. Hiểu tình cảnh, dành phần tiền thuốc nước của mình bà đã giúp người phụ nữ bất hạnh này được mẹ tròn, con vuông.
Sau khi sinh con, cô đã nhờ bà nuôi cháu bé. Hiểu cơ cảnh của người phụ nữ, bà đã ôm đứa bé về căn nhà chênh vênh trên sườn núi. Đường sữa, nước cơm, bà Ba cùng anh Bông lăn xả vào chăm sóc. Được sự cưu mang đứa trẻ lớn lên được đặt tên là Sơn Ngọc. “Tiếng lành đồn xa”, những người phụ nữ gặp cảnh cơ nhỡ đều tìm đến với bà để nhờ vả. Bà cùng con trai đón nhận và coi đó như cái phận giời đã trao cho mẹ con bà.Ngoài Sơn Ngọc, trong 11 đứa trẻ được bà cưu mang ám ảnh nhất là thằng Sơn Giàu. Bà gặp mẹ Sơn Giàu trong bệnh viện với một nghịch cảnh cũng hết sức éo le. Nhỏ tuổi, lại “nhẹ dạ cả tin”, rồi bị phản bội. Khổ nỗi, mẹ Sơn Giàu lại là ca khó sinh, phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nhưng do không có người ký vào biên bản cam kết nên các bác sỹ cũng ngại.
Biết, không nề hà sức yếu, bà đã hỏi han và đề xuất mong muốn được thay người thân của mẹ Sơn Giàu để ký vào biên bản. Biết bà, các bác sỹ đồng ý. Sơn Giàu sinh ra rất yếu về thể trạng, không khóc nổi, chỉ thoi thóp thở. Tình cảnh đấy ai cũng lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng khi người mẹ trẻ nhờ vả, bà Ba đã bế Sơn Giàu về núi chăm sóc. Nhờ sự chăm sóc tận tâm Sơn Giàu cũng đã sống và thành người.
Với tình thương của bà Ba, anh Bông, căn nhà nhỏ trên Núi Cấm đang trở thành nơi cưu mang của những đứa trẻ. Tuy nghèo khó nhưng bà và con trai vẫn sẵn lòng “nhóm lửa” và chờ đợi sự tìm đến của những đứa trẻ bất hạnh.