Những doanh nhân tuổi Hợi sở hữu khối tài sản hàng trăm, nghìn tỷ
- Huyệt vị
- 15:33 - 07/02/2019
Theo tử vi, người tuổi Hợi vốn mang nhiều phúc khí, gặp được nhiều may mắn và có khát vọng lớn về sự giàu sang, phú quý. Thành công đến với họ không quá khó khăn nhưng cũng không quá nhanh mà từ từ từng bước vững chắc. Với người tuổi Hợi, trở nên thành đạt, giàu có nhìn chung có phần thuận lợi hơn một số con giáp khác.
Trên sàn chứng khoán, hiện có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuổi Hợi (sinh năm 1935, 1947, 1959, 1971, 1983....) như ông Nguyễn Bá Dương – chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng, ông Hồ Quỳnh Hưng – Tổng Giám đốc Điện Quang, ông Tô Như Toàn – Chủ tịch HĐQT Văn Phú Invest… điều này phần nào phản ánh sự "phú quý" của những người tuổi Hợi.
Ông Bùi Đức Thịnh (Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng, Đinh Hợi 1947)
Ông Bùi Đức Thịnh là Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng, một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam với hơn 20 xưởng sản xuất.
Hiện tại, 90% doanh thu May Sông Hồng đến từ hoạt động may xuất khẩu (hàng FOB và dịch vụ gia công CMT). May Sông Hồng hiện là đối tác sản xuất các nhãn hiệu thời trang lớn như Nike, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, DKNY, Bugatti… Trong nước, mặt hàng của công ty chủ yếu là chăn ga gối đệm.
May Sông Hồng mới niêm yết trên HoSE vào cuối năm 2018. Vốn hóa thị trường của May Sông Hồng hiện đạt hơn 2.100 tỷ đồng, lớn hơn nhiều doanh nghiệp cùng ngành niêm yết như May Thành Công, TNG, Everpia,…
Ông Bùi Đức Thịnh hiện nắm giữ trực tiếp 10,3 triệu cổ phiếu MSH (21,63% vốn điều lệ), tương ứng giá trị khoảng 464 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Coteccons, Kỷ Hợi 1959)
Ông Nguyễn Bá Dương là người gắn bó với Coteccons từ những ngày đầu thành lập và nắm giữ cương vị người đứng đầu từ năm 2004 tới nay.
Coteccons được coi là tổng thầu lớn, uy tín bậc nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Không ít dự án thậm chí tăng giá vì có sự tham gia của Coteccons như một sự đảm bảo về uy tín, chất lượng. Công trình nổi bật nhất của Coteccons chính là tòa Landmark 81, một trong những công trình cao nhất Thế giới, khẳng định trình độ năng lực thi công của doanh nghiệp.
Với những hợp đồng lớn dồn dập, doanh thu Coteccons những năm gần đây lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Nguyễn Bá Dương hiện đang nắm giữ hơn 3,8 triệu cổ phiếu CTD, tương ứng giá trị 523 tỷ đồng.
Tiền thân là chi nhánh tại Hà Nội của công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh, sau 16 năm thành lập, Văn Phú Invest đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản tại khu vực phía Bắc. Văn Phú Invest hiện sở hữu khá nhiều quỹ đất "đắc địa" tại các vị trí đẹp tại Hà nội, TP.HCM.
Văn Phú Invest lên sàn HoSE vào cuối tháng 6/2018 và vốn hóa công ty hiện đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Chủ tịch Tô Như Toàn hiện nắm giữ trực tiếp 25% cổ phần Văn Phú Invest, tương ứng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Bình CEO (Chủ tịch HĐQT CEO Group, Tân Hợi 1971)
Tương tự ông Tô Như Toàn, ông Đoàn Văn Bình, cũng sinh năm Tân Hợi 1971 và là Chủ tịch CEO Group, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam. CEO Group hiện có khá nhiều dự án Bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao tại Phú Quốc, Vân Đồn…
Theo báo cáo KQKD năm 2018, CEO Group đạt doanh thu 2.387 tỷ đồng – tăng 30%; Lợi nhuận sau thuế 382 tỷ đồng – tăng 16% so với năm trước đó và cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Trên sàn chứng khoán, vốn hóa CEO Group hiện lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Đoàn Văn Bình nắm giữ trực tiếp 17,5% cổ phần, tương ứng giá trị 350 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Vũ (Chủ tịch HĐQT CEN Land, Tân Hợi 1971) và ông Nguyễn Thọ Tuyển CRE (TGĐ CEN Land, Quý Hợi 1983)
Tuổi Hợi dường như rất có duyên trong lĩnh vực bất động sản khi hai lãnh đạo cấp cao của CEN Land là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Vũ và TGĐ Nguyễn Thọ Tuyển đều sinh năm Hợi.
Cùng với Đất Xanh, CEN Land hiện là một trong những đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam với doanh thu năm 2018 đạt 1.687 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng và cũng là con số kỷ lục của doanh nghiệp.
CEN Land mới lên sàn chứng khoán vào tháng 9/2018 với mã chứng khoán CRE và nhân được sự quan tâm của nhiều quỹ lớn như Dragon Capital, VinaCapital. Vốn hóa thị trường CEN Land hiện đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Công ty mẹ CEN Group hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần CEN Land.
Ông Hồ Quỳnh Hưng (Chủ tịch HĐQT Điện Quang, Tân Hợi 1971)
Ông Hồ Quỳnh Hưng là em trai bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ giai đoạn 2000 – 2010 và Thứ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2010 - 2017. Dưới sự dẫn dắt của bà Thoa, ông Hưng, Điện Quang đã trở thành tên tuổi lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực bóng đèn, thiết bị chiếu sáng.
Dù vậy, áp lực cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm gần đây đã khiến Điện Quang gặp không ít khó khăn và năm 2018, lợi nhuận công ty chỉ còn 95 tỷ đồng, đánh dấu năm sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
Vốn hóa Điện Quang trên sàn chứng khoán hiện chỉ còn dưới 900 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng nắm giữ trực tiếp xấp xỉ 8% cổ phần, tương ứng giá trị hơn 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Linh (TGĐ Dược phẩm OPC, Kỷ Hợi 1959)
OPC là doanh nghiệp dược lớn tại Việt Nam với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định qua các năm. Riêng năm 2018, công ty đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu Dược phẩm OPC vượt ngưỡng doanh thu ngàn tỷ trong năm.
Lợi nhuận sau thuế đạt 102,2 tỷ đồng, tăng trưởng 16,9% so với lợi nhuận đạt được năm 2017, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 99 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường OPC hiện đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Linh hiện nắm giữ trực tiếp 3,4 triệu cổ phiếu OPC, tương ứng giá trị hơn 160 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Vân Loan (Chủ tịch HĐQT XNK Thủy sản Cửu Long An Giang – ACL, Tân Hợi 1971)
Bà Loan là một trong số ít những lãnh đạo tuổi Hợi trên sàn chứng khoán. Bà Loan là Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra.
Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận những tín hiệu hết sức tích cực khi kim ngạch xuất khẩu thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu cá tra khi tăng trưởng 26,4% lên 2,26 tỷ USD.
Với hoạt động xuất khẩu tích cực trong năm 2018, ACL ghi nhận doanh thu 1.689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 236 tỷ đồng, đây là những con số kỷ lục của doanh nghiệp từ trước tới nay.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ACL đã bứt phá mạnh trong năm 2018 và đầu năm 2019. Vốn hóa ACL hiện đạt hơn 880 tỷ đồng, trong đó bà Loan nắm giữ trực tiếp hơn 50% cổ phần công ty, tương ứng giá trị hơn 473 tỷ đồng.