Thiếu tướng, doanh nhân tuổi Hợi, “ông chú Viettel” Lê Đăng Dũng
- Huyệt vị
- 03:25 - 07/02/2019
Ngày 25.1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 118/QĐ-TTg giao Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đối với Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Trước đó, ngày 31.7.2018, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định giao Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phụ trách Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. Như vậy, từ việc được giao phụ trách, Thiếu tướng Dũng đã được giao Quyền Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.
Vị Thiếu tướng này hiện là thành viên gạo cội còn lại thuộc thế hệ F1 của Tập đoàn Viettel.
Từ giấc mơ viện sĩ đến vị trí người đứng đầu Viettel
Là 1 doanh nhân tuổi Hợi, ông Lê Đăng Dũng mang quân hàm Thiếu tướng, có trình độ chuyên môn là Kỹ sư Tự động hóa và điều khiển từ xa, Thạc sỹ Kỹ thuật điện tử.
Trước khi gia nhập Viettel ở tuổi 36, ông Lê Đăng Dũng có thời gian dài học tập tại Đại học Kỹ thuật điện thuộc Đại học tổng hợp Leningrad (Liên Xô) và công tác tại Phân viện tác chiến điện tử, Viện Kỹ thuật quân sự như một viện sĩ. Lúc bấy giờ, những mơ ước của vị Thiếu tướng này rất “nhẹ nhàng, và giản đơn”.
Từng chia sẻ với báo giới, ông Dũng cho biết, thời sinh viên khi ông được cử đi học nước ngoài lại Đại học Kỹ thuật điện thuộc Đại học tổng hợp Leningrad (Liên Xô), đó là năm 1979. Suy nghĩ trong ông lúc này là học tốt thật tốt để tìm được công việc thuận lợi.
Năm 1983, ước mơ về tấm bằng đỏ và một vị trí tại viện nghiên cứu đã trở thành hiện thực. Ông Lê Đăng Dũng được phân công về Phân viện tác chiến điện tử, Viện Kỹ thuật quân sự.
"Thời kỳ đó, tôi giống ông viện sĩ, suốt ngày đeo kính và đọc sách. Năm 1993, tôi giành được học bổng sang Úc với mục tiêu nâng cao trình độc tiếng Anh và chuyên môn. Năm 1996 về Việt Nam, tôi mới tính đến chuyện làm việc khác, chứ trước đây chỉ suốt ngày chuyên tâm vào đề tài và nghiên cứu", ông Lê Đăng Dũng chia sẻ trên nội san của Viettel.
Thế nhưng, sau khi trải nghiệm lái xe giao hàng cho KFC và có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những chuyện tài chính, kinh doanh khi du học ở Australia, quan niệm của ông đã thay đổi. “Khi du học ở Úc, tôi lái xe đi đưa KFC, thấy nhịp sống xã hội ở đất nước này thay đổi rất nhanh. Lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với những chuyện liên quan tới kinh doanh, tài chính. Từ đây, tôi dần dần không còn hứng thú với môi trường nghiên cứu nữa, thích làm một công việc khác giao tiếp xã hội nhiều hơn, có công việc tự do hơn thay vì trở thành một viên chức bình thường”, ông Dũng chia sẻ với báo giới vào tháng 6.2018.
Năm 1996, ông Lê Đăng Dũng về nước và gia nhập Viettel. Người đàn ông 36 tuổi bắt đầu hành trình gắn bó với Viettel cho đến ngày hôm nay.
Tân Chủ tịch Viettel để lại nhiều phát ngôn ấn tượng. Ảnh: Dân Việt.
Tại Viettel, ông Dũng là người giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng giám đốc lâu nhất trong lịch sử của Tập đoàn (16 năm).
Người đàn ông này cùng với ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) là 2 nhân vật quan trọng trong dự án lịch sử của Viettel: xây dựng tuyến cáp quang 1A của quân đội năm 1997 (trước khi Viettel được cung cấp dịch vụ viễn thông).
Trước khi trở thành người đứng đầu Viettel, ông cũng đã có 5 năm là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Viettel và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) từ năm 2016.
Dưới sự điều hành trực tiếp của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng tại Viettel Global, năm 2017, lĩnh vực đầu tư quốc tế của Viettel đã ghi nhận nhiều kỷ lục. Với doanh thu đạt 1,25 tỷ USD, Viettel tiếp tục là công ty duy nhất tại Việt Nam có doanh thu từ đầu tư nước ngoài vượt ngưỡng doanh thu tỷ USD.
Con số này cao hơn tổng lợi nhuận của Tập đoàn viễn thông lớn thứ 2 ở Việt Nam là VNPT. Năm 2017, Viettel không kinh doanh thêm thị trường mới nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư quốc tế vẫn đạt 24,4%, gấp 6 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới.
Trước đó, ông Dũng cũng đã nắm giữ những vị trí quan trọng tại Viettel như Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Thành viên HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel
Khi mới tham gia đầu tư nước ngoài, Viettel còn chưa có tên tuổi, ông Dũng và các đồng nghiệp của mình phải đi hàng chục nước mới tìm thấy một cơ hội ở một quốc gia.
Ông Dũng là một trong các lãnh đạo của Viettel nuôi giấc mơ tiến vào châu Âu, sau khi hồ sơ thầu vào một quốc gia thuộc châu lục này "bị loại từ vòng gửi xe" (lời ông Lê Đăng Dũng).
Tuy nhiên, Viettel đã chọn Peru, một quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam (GDP đạt 7.000 USD/người/năm) để đầu tư và coi "đây sẽ là một bước đệm để vào lại thị trường châu Âu". "Hiện tại, chúng tôi nhắm tới một vài thị trường ở châu Âu", ông Dũng cho biết.
Trên cương vị mới, ông Lê Đăng Dũng sẽ là người mang trọng trách kế thừa các thành quả công nghệ của giai đoạn Viettel 3.0 và trực tiếp đưa Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội bước vào một chương mới của lịch sử - Giai đoạn 4.0 và toàn cầu.
Những câu nói ấn tượng của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng Con người hoạt động trên lĩnh vực thông tin cũng giống như một thiết bị viến thông. Hôm nay hiện đại, là tối ưu, nhưng ngày mai đã lỗi thời, lạc hậu. Bởi vậy, Viettel luôn biết cách không hài lòng với những gì đang có. Thị trường nào rồi cũng đến lúc bão hòa và nếu muốn phát triển thì cần tìm ra thị trường mới. Điều quan trọng nhất của người chỉ huy là giữ cho công ty lúc bào cũng có khát vọng, bất cứ ai cũng mang tin thần khởi nghiệp. Việc này thành công rồi thì lập tức chúng ta tìm việc mới. Đứng ở đỉnh núi này nhìn sang đỉnh núi cao hơn để xem khi nào có thể chinh phục được đỉnh núi cao hơn ấy. Đó là cách tạo ra sức mạnh mới cho người Viettel. Trong mỗi con người đều có rất nhiều năng lượng đang ngủ. Muốn đánh thức nó thì phải kích hoạt, phải đặt ra những thách thức thật sự. Tôi không phủ nhận khả năng cá nhân nhưng thị trường và đối thủ là những yếu tố tác động rất quan trọng đến kết quả. Một số công ty từng rất thành công ở quốc gia này nhưng lại không thành công ở thị trường khác bởi sự cạnh tranh, biến hóa của đối thủ. |