Những di sản văn hóa đặc sắc của Nam bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 19:56 - 31/12/2014
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, ra đời vào đầu thế kỷ 20, trên cơ sở kế thừa và cải biên dòng nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Nhạc cụ dùng trong ĐCTT gồm: Đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn sến, đờn độc huyền (đờn bầu)...và gõ nhịp song lang. ĐCTT một đặc sản âm nhạc của Nam bộ.
Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được Bộ VH-TT&DL công nhận DSVHPVTQG đợt đầu tiên (2012) với quyền sở hữu của 21 tỉnh, thành Nam bộ. Ngày 5/12/2013, ĐCTT đã được UNESCO vinh danh DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Sinh hoạt câu lạc bộ ĐCTT ở TP Bạc Liêu.
Theo GS.TS Trần Văn Khê, nếu miền Bắc có ca trù, miền Trung có ca Huế, thì ĐCTT là một sinh hoạt văn hóa giải trí của người Việt ở miền Nam. Nếu ca trù quan trọng nhất là người ca nương, kế đó mới đến người đờn là phụ họa, ở ca Huế cũng tương tự, thì với ĐCTT ở miền Nam, đờn quan trọng có khi còn hơn ca nữa và đã chơi thì bất kể sang hèn.
GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Đến hôm nay, Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được cả thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Niềm hạnh phúc ấy trước hết do công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân đã lao động sáng tạo, gìn giữ, trao truyền mà có”.
Nghệ thuật chầm riêng Chà pây
Chầm riêng Chà pây (Chầm riêng có nghĩa là ca hát, Chà pây là đờn Chà pây) là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đã phổ biến nhiều vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX trong các phum sóc của đồng bào Khmer Nam bộ.
Nghệ nhân Chầm riêng Chà pây phải biết hát và tự chơi nhạc cụ (đơn ca độc tấu – ca kể chuyện). Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, sau đó vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn nào đó.
Nghệ nhân Thạch Mâu (Trà Cú – Trà Vinh) trình diễn Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây tại Lễ đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp quốc gia. |
Do lời hát chủ yếu là được ứng tác, nên từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy và khúc nhạc kết đến giọng điệu của mỗi người tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Đây chính là nét độc đáo nhất của loại hình nghệ thuật dân gian này. Vì vậy, nghệ nhân Chầm riêng Chà pây ngoài việc có giọng tốt, biết đàn hay, còn cần phải có một vốn kiến thức sâu rộng mới có thể ứng tác biểu diễn thành công.
Năm 2013, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Nghề dệt chiếu Định Yên
Địa bàn công nhận là xã Định Yên và Định An (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Làng chiếu Định Yên hình thành hàng trăm năm với những mẫu chiếu có hoa văn đẹp, bền chắc. Định Yên có hơn 60% số hộ dân sống bằng nghề dệt chiếu, trong nhà đều có từ 2 – 3 khung dệt trở lên, sản xuất hằng ngày từ 5 đến 10 chiếc chiếu các loại.
Từ nghề dệt chiếu, ở Định Yên không chỉ phát sinh ra chợ bán chiếu mà còn có chợ bán lát, chợ bán trân, bán cói trên sông rạch, để phục vụ nguyên – vật liệu cho làng nghề dệt chiếu truyền thống ở địa phương, tạo nên không khí đông vui và nhộn nhịp, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm và tìm hiểu khu “chợ ma” độc đáo này...
Chị Lâm Thị Diệu dệt chiếu bằng máy mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Làng chiếu Định Yên được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia 9/2013. Ông Nguyễn Văn Nguyên Chủ tịch xã Định Yên cho biết: Để bảo tồn làng chiếu Định Yên theo hướng phát triển kinh tế thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây chợ chiếu khang trang vào năm 2011.
Nếu như năm 2006, làng nghề chỉ sản xuất được khoảng 600.000 chiếc, thì với việc đưa máy dệt vào sản xuất, năm 2013 sản lượng của làng nghề đã vượt con số 1,3 triệu sản phẩm, doanh thu trên 150 tỷ đồng.
Lễ hội cúng biển Mỹ Long
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long (còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông) diễn ra từ ngày 11 đến 13/5 (âm lịch) trên địa bàn các xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long (Cầu Ngang – Trà Vinh). Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân vùng biển ở Nam bộ.
Sự thờ cúng cá Ông tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa ngư dân miệt biển. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” ở biển, mà trong tâm thức nhiều ngư dân vẫn chứa đựng một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn.
Trên tàu, tiếng reo hò của ngư dân, du khách hòa quyện cùng tiếng trống, chiêng, múa lân làm cho lễ hội Nghinh Ông thêm rộn ràng. |
Có thể nói, ngày lễ hội Nghinh Ông là ngày tưng bừng đối với người dân đi biển. Không khí náo nức, tràn trề hưng phấn bắt đầu khi chờ đợi “Ông lên vọi” ngoài khơi, khi thấy việc xin ông làm chứng đã hoàn tất qua động tác xin keo của ông chánh bái.
Dọc đường đoàn ghe ra khơi nghinh ông trở về, hai bên bờ sông các ghe thuyền đều kết hoa, bày lễ cúng. Ở tại nhà suốt ngày hôm ấy, các ngư dân mời mọc nhau, kể cả khách từ xa đến, cùng nhau ăn uống vui chơi, trò chuyện thân tình.
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia 10/2013.
Nghệ thuật sân khấu dù kê
Nghệ thuật sân khấu Dù kê hình thành và phát triển gần 100 năm nay là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Khmer Nam bộ. Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (tức sông Hậu), với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên được người dân yêu thích.
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Khmer Nam bộ Trần Văn Bổn: Loại hình sân khấu ca kịch dù kê của đồng bào Khmer có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian.
Tương tự như rôbăm, tuồng tích biểu diễn của dù kê cũng được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ (Ramayana và Mahabharada), những truyền thuyết, huyền thoại dân tộc như “Linhthôn”, “Mapthiđongkeo”, “Sackinhni”... đồng thời còn sử dụng cả những tuồng tích, điển tích của các dân tộc khác như “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám” (của người Việt); “Nàng Sêđa”, “Chuyện tình Preh Ream”...
Nghệ thuật sân khấu Dù kê Bộ VH-TT&DL ra quyết định công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tháng 8/2014.
Lễ hội Ok - Oom – Bok
Theo truyền thống của người Khmer Nam bộ, lễ cúng trăng hay còn gọi là lễ Ok – Oom –Bok được tổ chức hàng năm vào đêm 15 tháng 10 âm lịch, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng, vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng trong năm. Lễ vật đặc biệt trong lễ hội này là cốm dẹp, nên người ta còn gọi là lễ Ok – Oom –Bok nghĩa là “đút cốm dẹp”.
Đúng đêm 15/10 (âm lịch) trước khi mặt trăng lên đỉnh, mọi người tập trung tại khuôn viên chùa, trong nhà, hay nhiều nhà cùng đến một nơi rộng rãi, không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng mặt trăng. Trước hết họ đào lỗ cắm hai cây trúc làm trụ, hình thức giống như một cái cổng bằng tre, có trang trí hoa văn.
Thả đèn nước (hoa đăng) trong lễ Ok – Oom –Bok của bà con Khmer Sóc Trăng.
Dưới cổng, kê một cái bàn bày các phẩm vật cúng gồm cốm dẹp và các loại nông sản khác như: Dừa, chuối, khoai lang, khoai mì, khoai môn, bánh kẹo... Sau đó trải chiếu mời bà con cô bác, phật tử ngồi chắp tay hướng về mặt trăng để làm lễ.
Trong lễ hội cúng trăng này, đồng bào Khmer thường tổ chức thả đèn gió, thả đèn nước (hoa đăng) vào ban đêm gọi là “Lôi protip”. Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền, làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn, trên mui đèn người ta thường treo cờ phướn (cờ Phật).
Một sinh hoạt truyền thống khác không thể thiếu trong lễ hội Ok – Oom –Bok là lễ đua ghe Ngo. Vào đúng ngày rằm tháng 10 (âm lịch), trên những dòng sông mênh mông giàu phù sa của vùng đất Nam bộ, thường vang lên những tiếng hát, tiếng reo hò của hàng chục ngàn người say mê cổ vũ cho cuộc đua ghe ngo truyền thống.
Lễ hội Ok – Oom – Bok Bộ VH-TT&DL ra quyết định công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tháng 8/2014.