THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:29

Chuyện về người giữ hồn Chapi

Sống chết cũng cố giữ Chapi

Lần này có dịp đến vùng đất Ninh Thuận, tôi quyết lên tận vùng sơn cước Ma Nới (huyện Ninh Sơn) để gặp cho được ông già còn lại duy nhất biết làm và chơi đàn Chapi. Ông là Chama léa Âu nhưng cuộc đời ông đã gắn liền với nhạc cụ Chapi nên nhiều người gọi là ông Chapi. Nhà Chama léa Âu ở sau trường học, cách đường vào thôn Do (xã Ma Nới) chừng vài chục mét.

Ngôi nhà ngói, tường xây, nền gạch, diện tích chừng 20m2; trong nhà không có gì sang trọng nhưng trên tường có treo nhiều loại nhạc cụ và có rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi tên ông. Như một thói quen phán đoán, ông biết chúng tôi đến, để tìm hiểu về cây đàn Chapi. Chân đi, miệng cười, tay ông chỉ ra phía góc sân, nơi có lỉnh kỉnh đồ đạc và rất nhiều những ống tre khô nằm ngổn ngang. Đó, tôi đang làm Chapi đó.

Nói rồi, ông ngồi bệt xuống nền nhà, miệng bập điếu thuốc, tay cầm một cây đàn Chapi đang làm dở, nói: Các anh ngồi xuống, đợi lát nữa, tôi làm xong cái này rồi tôi gảy cho mà nghe. Vừa làm, Chama vừa kể về cuộc đời mình. Ông sinh năm 1955, người dân tộc Raglai. Tổ tiên và cuộc đời ông đã sống ở vùng đất này, lao động, cưới vợ, sinh con và gắn bó với cây đàn Chapi.

Chama léa Âu tâm sự: Ngày trước cả vùng núi này ai cũng biết làm và chơi Chapi. Nhất là những đêm trăng sáng, ngày mùa, ngày nắng nhiều mưa ít, mất mùa, dân làng trai gái tập trung gảy cho nhau nghe rồi cùng tiếng Chapi mà vượt qua gian khó.

Đàn Chapi đã gắn với người Raglai chúng tôi không biết bao nhiêu đời. Thế rồi, cách đây chừng hơn 10 năm, đời sống phát triển, buôn làng đổi thay thì cây đàn Chapi bị bỏ rơi. Người làm cho Chama mê Chapi nhất chính là người cậu ruột Chama léa Lơ. “Cậu tôi bảo tôi phải học làm và chơi đàn Chapi vì nó là hồn vía của dân tộc mình, làm Chapi không khó, kinh nghiệm thôi, nhưng chơi Chapi mới khó”.

Thế là suốt gần 3 năm, ông làm được những cây đàn nhìn ưa con mắt và chơi được những điệu đàn nghe được cái tai. Từ đó đến nay, Chama được xem là người gắn bó với cây đàn Chapi của người Raglai nhất vùng đất này.

Người giữ hồn Chapi

Dụng cụ để làm đàn Chapi gồm co rựa, một mũi mác nhọn, một cái đục. Vừa làm đàn Chama vừa giảng giải: Trước khi làm phải cưa bằng hai đầu ống tre, mỗi cái đàn là một ống tre hai đầu kín lỗ. Dây đàn được thiết kế trên ống tre bằng cách dùng mũi mác lẩy cật tre lên thành 4 cặp dây, hai dây của một cặp cách nhau khoảng 2cm.

Đầu mỗi dây đặt chốt tre nhỏ để dây cao hơn thân đàn, khoét thủng 2 đầu mắt tre để tạo âm vang và cuối cùng là công đoạn cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn.Nói xong, ông hứng khởi đứng lên ôm cây đàn biểu diễn cho chúng tôi nghe. Hai chân nhịp nhàng, hai ngón tay cái sần sùi bật vào bốn cặp dây đàn, từng âm thanh trầm đục không nhanh, không chậm vang lên như nhịp đời của những người Raglai.

Theo lời Chama, đàn Chapi không kí âm được, chỉ mô phỏng theo điệu gần với đời sống của buôn làng, đó là điệu con ếch trong những đêm mưa đầu mùa, điệu con chim, điệu than thở,... Nghe những âm thanh trầm bỗng dìu dặt vang lên giữa núi rừng, người nghe hiểu đó là tiếng lòng, là tâm sự của người Raglai được rung lên.

 Khi được hỏi, vì sao ông gắn bó với cây đàn này thì ông trả lời: “Tôi muốn bảo tồn vốn riêng của dân tộc mình. Hiện nhiều thanh niên dân tộc Raglay không mặn mà với cây đàn của dân tộc mình, thậm chí nhiều em nghe bài hát “Giấc mơ Chapi” mà cứ ngỡ cây đàn đó của dân tộc khác ở Tây Nguyên. Nếu cứ đà này thì nguy cơ xóa sổ loại nhạc cụ dân dã là cái chắc”.

 Người đặc biệt của công chúng

Đến nay, Chama không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu cây đàn, cho tặng ai bao nhiêu cây, tiếp bao nhiêu người đến nhà và cũng không nhớ có bao nhiêu lần xách đàn Chapi rời làng đi diễn, từ các xã, huyện trong tỉnh đến các tỉnh lân cận và cả thủ đô Hà Nội.

Sau những lần đi diễn, Chama trở về với công việc nương rẫy. Dù vậy, kỉ niệm ghi nhớ những lần đến với công chúng ấy là những tấm bằng khen, bằng chứng nhận của tỉnh, của Trung ương treo đầy trên tường nhà.

Có một điều Chama lấy làm tự hào là đã gặp nhạc sĩ Trần Tiến trong dịp Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai năm 2013 tại huyện Bác Ai (Ninh Thuận). Ông nói: “Bài hát “Giấc mơ Chapi” do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác cách đây hơn 20 năm nhưng đến nay tôi mới gặp được ông.

Điều tôi lấy làm vui nhất là ông nhạc sĩ này đã nói đúng cái bụng của người Raglai chúng tôi: “Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglay...”.

Vui vì được nhiều người biết đến nhưng sâu thẳm trong lời tâm sự, chúng tôi thấy Chama buồn: “Mình buồn và tiếc nuối cho đàn Chapi lắm. Dân làng mình thời nay đã quen với tiếng nhạc xập xình, trai gái yêu nhau cũng không mến nhau bằng tiếng đàn như hồi tụi mình.

Thế nên, chẳng còn ai để ý đến đàn Chapi. Đúng là giấc mơ Chapi bây giờ chỉ là giấc mơ mà thôi”. Theo một số tài liệu, năm 1993, khi đến vùng núi cao Ninh Sơn, Trần Tiến đã gặp một đôi vợ chồng người Raglai, họ sống đơn sơ trong một mái nhà, trong đó có cây đàn Chapi. Lần đầu thấy chapi, nghe câu chuyện của họ, ông muốn mua lại cây đàn nhưng họ không bán, họ bảo: “Nếu anh thích, tôi tặng anh cây đàn này”. Bài hát ra đời từ cảm xúc dạt dào đó.

“Giấc mơ Chapi” được hát lần đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và Hà Lan, do tác giả  trình bày. Khi về nước, Y Moan là ca sĩ đầu tiên hát “Giấc mơ Chapi” và cũng là người hát thành công nhất.

Hà Đạo - Quốc Thắng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh