THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:14

Những dấu hiệu viêm phổi cần cảnh giác thời điểm giao mùa

Viêm phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Báo SK&ĐS

Viêm phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Báo SK&ĐS

Viêm phổi là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, đúng cách. Vì vậy, việc nhận biết sớm căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.

Viêm phổi thường xảy ra ở một thùy phổi, nhưng có thể gây tổn thương nhiều thùy khi vi khuẩn lây lan theo đường phế quản. Tình trạng viêm có thể lan đến màng phổi, màng tim. Viêm phổi có thể gây bệnh nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Bệnh nặng thường xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ em, người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi, bệnh khởi phát đột ngột hoặc từ từ với các biểu hiện sau: 

Ho: Là triệu chứng xuất hiện sớm, ho thành cơn, hoặc ho húng hắng, thường là ho có đờm, một số trường hợp ho khan. Trường hợp điển hình đờm có màu rỉ sắt, các trường hợp khác đờm có màu vàng hoặc màu xanh, đôi khi khạc đờm như mủ, đờm có thể có mùi hôi, thối.

Đau ngực: Đau ngực vùng tổn thương, đau ít hoặc nhiều, có trường hợp đau rất dữ dội.

Khó thở: Viêm phổi nhẹ không có khó thở, những trường hợp nặng bệnh nhân thường thở nhanh nông, có thể có co kéo cơ hô hấp.

Sốt: Sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày, kèm theo rét run hoặc không. Nhiệt độ có thể lên tới 40 - 41 độC, có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38 - 38,5 độ C, những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng giảm nhiều như: Suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo.

Da nóng, đỏ thường thấy ở những bệnh nhân sốt cao, khi xuất hiện dấu hiệu tím môi, đầu chi, chứng tỏ đã có suy hô hấp.

Môi khô, một số trường hợp có herpes hoặc ban xuất huyết trên da, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có thể có đau đầu, đau mỏi người ở những trường hợp viêm phổi do virus M. Pneumoniae… Trường hợp nặng hoặc những trường hợp viêm phổi ở trẻ em có thể có thể có rối loạn ý thức.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm phổi, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh ngay từ sớm. Không được tự ý mua thuốc uống ở nhà, dẫn tới việc đến bệnh viện khi đã quá muộn, để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống.

Theo VNExpress, để phòng bệnh viêm phổi thời điểm giao mùa, các bác sĩ khuyến cáo, cần thực hành vệ sinh đúng cách. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Xây dựng thói quen sống khỏe mạnh gồm nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, ưu tiên thức ăn ấm nóng, tập thể dục thường xuyên, giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại...

Không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, bia, các đồ uống có cồn khác. Các chất độc hại trong khói thuốc lá, rượu... có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch của đường hô hấp nói riêng và cơ thể nói chung, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể khỏi các sinh vật gây bệnh.

Một số loại vaccine có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vaccine Covid-19, haemophilus influenzae type b (Hib), cúm, sởi, ho gà, phế cầu khuẩn, thủy đậu. Trẻ em nên tiêm vaccine đầy đủ, người lớn trên 65 tuổi tiêm vaccine phế cầu khuẩn, cúm, ho gà.

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh