“5 phút vàng” hồi sinh bệnh nhân vỡ tim, 2 lần chết lâm sàng
- Y học 360
- 10:01 - 29/09/2023
Thần tốc giành giật sự sống từ lưỡi hái tử thần
Gần đến ngày ra viện nhưng bà Đ.T.N (Hưng Yên) vẫn không tin nổi mình vừa trở về từ cõi chết. Bà N. chỉ nghĩ bản thân vừa ngủ một giấc dài, dù thực tế bệnh nhân 62 tuổi đã trải qua thời khắc thập tử nhất sinh vì bị vỡ tim và 2 lần chết lâm sàng.
Một tuần trước, bà N. đến Bệnh viện ĐKQT Times City (Hà Nội) khám vì cảm thấy khó thở, đau ngực. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định tiến hành can thiệp mạch vành. Trong lúc đang chuẩn bị cho ca can thiệp, bệnh nhân đột ngột rơi vào hôn mê và được bác sĩ xác nhận là do ngừng tim.
“Rất nhanh điều dưỡng có mặt sơ cứu rồi báo động trên loa toàn bệnh viện để các bác sĩ đến cấp cứu và tiến hành phẫu thuật kịp thời. Tôi đã rất sốc và sợ hãi khi nghe bác sĩ nói vợ mình bị vỡ tim vì xưa nay vợ tôi không có tiền sử bệnh tim, chỉ bị mỡ máu”, ông N.X.H, chồng bệnh nhân, nhớ lại thời khắc sinh tử của vợ.
Trong khi đó, TS.BS. Đặng Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, vẫn nhớ như in từng phút, từng giây trong cuộc chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân N.
Ngay khi phát hiện bệnh nhân ngừng tim, các điều dưỡng đã cấp cứu tại chỗ giúp tim người bệnh đập trở lại sau 1 phút. Cùng lúc, cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân được phát động khi hệ thống báo động toàn bệnh viện Code Blue được kích hoạt. Chỉ hơn 2 phút sau, nhóm cấp cứu Code Blue với thành viên là các bác sĩ hồi sức, gây mê, tim mạch… đã có mặt.
Trong hơn 2 phút, một cuộc hội chẩn “thần tốc” được tiến hành ngay tại giường bệnh. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ buồng thất trái gây tràn máu ra khoang màng tim, chèn ép tim cấp, tình trạng rất nguy kịch quyết định đưa thẳng đến phòng mổ để vá tim.
Chưa đầy 30 phút sau, ca mổ đã sẵn sàng. Nhưng đúng lúc này, người bệnh bị ngưng tim lần hai. Nguy cơ tử vong cũng như di chứng não tăng lên rất nhiều lần. Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc, kíp mổ đã rất nhanh chóng cưa xương ức, giải phóng chèn ép tim giúp tim đập trở lại. Sau đó thành tim bị vỡ được vá lại.
TS.BS Huy cho biết: “Chúng tôi thậm chí còn không có thời gian để cầm máu vết mổ”.
Ca mổ kéo dài gần 4 giờ đồng hồ đã thành công vượt kỳ vọng. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, bỏ được máy thở, chức năng tim tốt và nhớ được các chuyện trước kia. Chưa đầy một tuần sau, người bệnh đã có thể tự đi lại, sinh hoạt như trước mổ. Đặc biệt, người bệnh không có bất kỳ di chứng thần kinh nào “như chưa hề có biến cố sinh tử”.
“Tôi biết vỡ tim là trường hợp rất hy hữu. Vỡ tim mà được cứu sống như vợ tôi thì càng đặc biệt hiếm ở Việt Nam. Tôi rất biết ơn các y bác sĩ Vinmec đã đưa vợ tôi trở về từ ranh giới sinh tử, cho vợ tôi được sinh ra lần thứ hai”, ông H. xúc động nói.
Code Blue chuẩn Mỹ: Nhân viên hành chính cũng biết cấp cứu ngừng tim
TS. Huy cho biết, theo y văn thế giới, vỡ tim là tai biến cố rất nặng và khá hiếm gặp, xác suất chỉ dưới 1% trong số các ca nhồi máu cơ tim, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Với kinh nghiệm thực hiện hơn 2.500 ca phẫu thuật tim, bản thân ông cũng mới gặp 2 ca. Bởi thế, việc cứu sống được bệnh nhân H. theo TS. Huy là một điều kỳ diệu.
Theo bác sĩ, những ca hy hữu như thế này, thời gian vàng chỉ tính bằng vài phút. Ngay cả khi bệnh nhân đã nằm sẵn trong viện nhưng nếu bệnh viện không có đội ngũ gây mê, hồi sức tốt, kíp mổ nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là tổ chức hoạt động hiệu quả thì cũng không cứu được. Thậm chí, với những trường hợp được mổ kịp thời thì tỷ lệ được cứu sống cũng chỉ đạt 50% và người bệnh sẽ có thể chịu các di chứng về thần kinh, thậm chí là sống thực vật vì tổn thương não.
“Ở Việt Nam, chỉ có một số rất ít trung tâm tim mạch tuyến cuối chuyên sâu mới cứu sống thành công những trường hợp tương tự”, TS. Huy cho biết.
Là trưởng nhóm Code Blue ngày hôm đó, ThS.BS. Lê Văn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, đánh giá sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và nhanh chóng của tất cả các khoa, phòng tại Vinmec theo quy trình báo động khẩn cấp đã được thiết lập sẵn chính là chìa khóa giúp cứu sống và giảm tổn thương não cho người bệnh. Quy trình mà vị chuyên gia nhắc đến chính là Code Blue - một trong số các mã báo động khẩn cấp mà Vinmec đang áp dụng cho bệnh nhân đột ngột ngưng tim.
Theo ThS.BS. Bình, 100% nhân viên Vinmec đều có thể phát hiện được sớm bệnh nhân ngừng tuần hoàn, được đào tạo cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản và được tái đào tạo hàng năm. Đặc biệt, toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu và Gây mê hồi sức được đào tạo cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao theo tiêu chuẩn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).
“Vinmec là hệ thống y tế hiếm hoi tại Việt Nam đã triển khai hệ thống báo động về cấp cứu ngừng tuần hoàn Code Blue trên toàn hệ thống ngay từ khi các bệnh viện đi vào hoạt động. Không những thế, Code Blue tại Vinmec còn đạt tiêu chuẩn JCI của Mỹ. Theo đó, đến từng nhân viên bảo vệ, nhân viên hành chính đều có thể phát hiện và cấp cứu bệnh nhân ngưng tim. Các thành viên trong đội Code Blue của Vinmec luôn túc trực 24/7 và trong mọi tình huống đều có thể huy động trong thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân”, ThS.BS Bình cho biết.
Với tầm nhìn trở thành tổ chức y tế hàn lâm mang lại giá trị cao nhất và trải nghiệm xuất sắc cho người bệnh, Vinmec hiện đang mạnh tay đầu tư để xây dựng Trung tâm xuất sắc về Tim mạch với trình độ ở tầm quốc tế. Thời gian tới, Vinmec sẽ triển khai các kỹ thuật tối tân như phẫu thuật tim ít xâm lấn, nội soi tim, thay van không khâu, điều trị rung nhĩ bằng các công nghệ hiện đại nhất của thế giới… để bắt kịp xu hướng toàn cầu.