Những công trình xa hoa, lãng phí giữa vùng quê còn nhiều khốn khó
- Pháp luật
- 18:12 - 16/08/2017
Trụ sở xã càng to, người dân càng thiệt thòi
Năm 2011, khi phát động chương trình xây dựng NTM, xã miền núi Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) chưa được 10 tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí. Yên Lâm là nơi sinh sống của 8 đồng bào dân tộc, trong đó có 3/10 thôn thuộc diện 135. Sự “tăng tốc” đáng kinh ngạc và về đích NTM vào tháng 12/2015 của xã miền núi này khiến tất cả phải thán phục.
Nhờ thành tích vô tiền khoáng hậu đó nên khi Yên Lâm nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, các phương tiện tuyên truyền tại địa phương đã dành cho lãnh đạo xã này những mỹ từ đẹp nhất. Cũng nhờ thành tích ấy, tập thể và nhiều lãnh đạo xã Yên Lâm đã được nhận giấy khen “vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM”.
Không thể phủ nhận Yên Lâm đã “thay da đổi thịt” nhờ xây dựng NTM. Dễ nhận thấy nhất là công sở hiện tại “một trời một vực” so với công sở cũ trước đây. Thế nhưng, đi sâu vào cuộc sống người dân, họ có thực sự “mới”?
Công sở xã Yên Lâm xa hoa, bề thế
Thôn Thắng Long nằm ngay trước mặt trụ sở UBND xã Yên Lâm. Thôn có 207 hộ thì có đến 74 nghèo. Đến thời điểm này, thôn Thắng Long cũng chỉ mới hoàn thành được 20% đường bê tông, 80% còn lại vẫn là đường đất.
Ông Nguyễn Văn Linh, trưởng thôn Thắng Long cho biết: “Thôn tôi rất nghèo, huy động đóng góp của người dân rất khó. Để làm đường, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào Nhà nước. Hành lang các trục chính người dân đã giải phóng từ lâu nhưng… chưa có tiền để đổ bê tông”.
Dù rất khốn khó nhưng gần đây, người dân trong thôn cũng đã thống nhất sẽ đóng góp theo từng đợt để làm đường. Công dân trong thôn từ 1 tuổi đến 69 tuổi đều phải đóng tiền làm đường, mỗi năm 200 nghìn. Bắt đầu thu từ năm 2016 và bây giờ đã “gom” được hơn 200 triệu”.
Ông Trương Văn M., một hộ nghèo ở thôn Thắng Long chia sẻ: “Nói là xây dựng NTM nhưng thôn chúng tôi chưa thấy “mới” gì. Gia đình tôi hộ nghèo giờ vẫn phải đóng tiền làm đường, họ chỉ miễn cho sinh viên, bộ đội và người tàn tật. Xây dựng NTM chỉ thấy UBND xã đẹp lên chứ thôn thì vẫn vậy. Muốn thay đổi phải tự mình bỏ tiền mà làm”.
Đối lập với sự hào nhoáng của công sở xã là gia cảnh khốn khó của một gia đình nghèo trong thôn Thắng Long
Anh Nguyễn Văn H., người cùng thôn với ông M. cũng nói đầy chua chát: “Hàng trăm tỷ xây dựng NTM nhưng thử xem thôn tôi đã được gì? Chúng tôi cần nhất một con đường bê tông, chắc không hết quá nhiều nhưng người dân lấy đâu ra khi ăn còn chưa đủ. Xây dựng NTM chỉ tập trung xây trụ sở xã, giá mà họ bớt cho chúng tôi một chút”.
Nơi nguy nga, nơi xập xệ
Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, những công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… đều được ưu tiên đầu tư xây dựng. Thế nhưng, thực tế ở xã Yên Lâm điều tréo ngoe là công sở xã và Trung tâm văn hóa xây dựng tốn hơn 27 tỷ, trong khi Trạm y tế xã lại không được đầu tư xây dựng.
Trạm y tế xã Yên Lâm nằm khiêm tốn bên tỉnh lộ 518. So với hình ảnh hoành tráng của công sở xã, nhìn Trạm y tế cũ kỹ, nghèo nàn này ai cũng chạnh lòng. Trạm y tế có 3 dãy nhà thì cả 3 đều xuống cấp. Trong phòng, điều kiện để khám và chữa bệnh rất hạn chế.
Cũng khác xa với vẻ nguy nga của công sở xã, Trạm y tế xã Yên Lâm cũng rất tồi tàn
Một điều khá kỳ lạ là xã Yên Lâm đã đạt danh hiệu NTM nhưng không hiểu sao khi xét duyệt các tiêu chí, Trạm y tế Yên Lâm vẫn vượt qua được “kỳ sát hạch”. Mặc dù cơ sở vật chất tồi tàn nhưng vị Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Lâm nói rằng: “Người dân vẫn đến khám chữa bệnh rất đông”. Tuy nhiên, vị này từ chối cho biết con số và cho biết: “Chỉ khi nào có ý kiến chỉ đạo từ chính quyền xã mới được tiết lộ”.
Xây công trình phục vụ… cán bộ?
Trái ngược với hoàn toàn với xã Yên Lâm, tại xã Yên Trường người dân lại bức xúc khi chính quyền phá Trạm xã cũ để xây một Trạm xá mới với số tiền lên đến 5 tỷ đồng. Người dân cho biết, trạm xá cũ còn rất đẹp, với 8 phòng, quá đủ cho cán bộ làm việc cũng như người dân đến khám, chữa bệnh.
Thế nhưng, lãnh đạo xã đã quyết định phá bỏ để xây Trạm xá mới 2 tầng với 13 phòng. Sau khi phá Trạm xá cũ, mảnh đất đó đã được đấu giá 4,5 tỷ đồng.
Nhà thi đấu thể thao của xã Yên Trường chỉ phục vụ cho một nhóm công chức
Nhiều người dân cho rằng, vì mảnh đất giá trị nên lãnh đạo xã Yên Trường đã cố tìm cách để bán đất, thu về số tiền khổng lồ.
Thêm một công trình nữa tốn cả chục tỷ nhưng chỉ để… phục vụ cán bộ là nhà tập luyện và thi đấu thể thao. Bà Đàm Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Yên Trường nói: “Nhà thi đấu hoạt động rất hiệu quả, sáng, chiều đều có người đến chơi”. Quy mô của nhà thi đấu chỉ có 3 sân cầu lông, 4 bàn bóng bàn và thực tế… hiếm người dân nào được đặt chân vào đây vì vào chơi phải đóng tiền.
Người dân xã Yên Trường hầu hết vẫn sống bằng nghề nông. Họ chưa đủ điều kiện để chơi thể thao. Họ cũng không thể có tiền đóng để được vào chơi trong nhà thi đấu. Do vậy, nhà thi đấu hiện tại chỉ phục vụ cho một số công viên chức và một số ít gia đình có điều kiện trên địa bàn. Đa phần người dân, nếu muốn chơi cầu lông lại phải kéo nhau ra sân trước đài tưởng niệm. Ở đó, chơi miễn phí.
Không riêng gì Yên Trường, rất nhiều xã ở huyện Yên Định như: Yên Trung, Yên Giang, Định Long, Định Tường, Định Hưng, Định Hải, Định Tân… đều xây nhà thi đấu thể thao. Hiện tại, xã Định Liên đang tiếp tục xây dựng nhà thi đấu với kinh phí 6 tỷ.
Tại xã Nga An, chính quyền còn “chơi trội” khi xây hẳn cả sân quần vợt
Ở xã Nga An, huyện Nga Sơn còn chơi trội gấp bội khi xây dựng cả một sân quần vợt rất hoành tráng. Môn thể thao vẫn được gọi là “quý tộc” này được đưa về ở một xã thuần nông chẳng khác nào câu chuyện châm biếm. Dễ hiểu vì sao sân quần vợt ở Nga An từ lâu đã bỏ không, mặt sân mốc trắng.
Việc xây dựng sân quần vợt, nhà thi đấu không thừa nhưng xét trên điều kiện thực tế ở các địa phương hiện nay là chưa cần thiết hay đúng hơn là lãng phí. Sau ánh hào quang “hoàn thành xây dựng NTM” hàng loạt xã ở Yên Định đầm địa trong nợ.
Nợ đến đâu, đất bán đến đó nhưng nhiều xã đất vừa rẻ, vừa ế nên giờ đang khốn khổ vì không tìm đâu ra tiền đã trả nợ.