CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Những con người dám vượt lên số phận

 

Nhân vật mà tôi biết đến là anh Nguyễn Quốc Kra (sinh năm  1972) tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Chia sẻ hoàn cảnh của mình, anh nói: "Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng, bà tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng, cả cha và mẹ tôi đều là bộ đội nhiều năm đóng quân ở rừng miền Đông. Tôi bị nhiễm chất độc da cam từ cha mẹ nên khi chào đời tôi đã có một cơ thể không lành lặn, bị lép một bên ngực, tay và chân nên đi đứng rất khó khăn. Khi lớn lên tôi đã nhận thức được hoàn cảnh bi đát của mình, gia đình thì nghèo, không có đất đai hay tài sản gì quý giá, sức khỏe yếu không thể lao động được và cuộc sống hầu như bám vào cha mẹ. Tôi nghĩ, mình không có sức thì phải cố gắng học để sau này còn tự lo cho bản thân, học xong lớp 12 vì sức khỏe không cho phép và kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đành phải nghỉ. Năm 1990, được các cô chú ở địa phương quan tâm nhận vào làm cán bộ hộ tịch ở UBND xã. Từ đó đến nay tôi đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau và lúc nào tôi cũng ý thức hết sức mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao".

Vừa công tác vừa học thêm bổ túc văn hóa và sau khi tốt nghiệp cấp III anh tiếp tục học lớp Trung cấp chuyên ngành Quản lý văn hóa do tỉnh tổ chức. May mắn cho anh là đã tìm được một nửa của mình và có hạnh phúc trong cuộc sống. Sau khi lấy vợ anh có được hai người con và con cũng là niềm động lực giúp anh vươn lên và thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Anh chia sẻ: Cả gia đình đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi hàng tháng của tôi nên cũng khó khăn, vợ thì ai thuê đâu làm đó nên cũng bấp bênh. Tuy cuộc sống gia đình khó khăn nhưng tôi luôn tự nhủ với lòng là không đầu hàng trước số phận, rồi con ốm con đau phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Số nợ 20 triệu ngày càng tăng lên vì lãi suất. Tôi rất khổ tâm khi nhìn cảnh nhà nghèo túng mà mình thì yếu ớt, không gánh vác được hết. Cha mẹ chỉ dành dụm được chút nào thì phụ giúp tôi. Trong lúc tôi thất vọng tưởng chừng như gục ngã thì được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức từ thiện – xã hội, nhất là Hội nạn nhân chất độc da cam đã đến thăm hỏi, động viên và tặng khi thì tiền, khi thì gạo, các thực phẩm khác … giúp tôi lấy lại tinh thần.

Những tấm gương người khuyết tật được biểu dương


Rồi vợ chồng bàn nhau, mình phải tìm một việc gì đó vừa khả năng, ít vốn để làm, chứ sống nhờ vào sự cưu mang của xã hội thì không ổn. Sau đó, vợ chồng tôi quyết định lấy một triệu đồng do Hội da cam tỉnh tặng để cho vợ đi mua phế liệu. Lúc đầu vốn ít, nên vợ tôi chỉ gánh đi mua trong xóm; sáng mua, chiều đem đến vựa để bán để có tiền ngày hôm sau đi mua tiếp. Dần dần chúng tôi cũng tích lũy được vốn, đi mua vài ngày gom lại rồi phân loại xong đem đi bán nhờ vậy mà  lãi khá hơn.Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tôi cùng vợ lựa hàng phế liệu.

Nhưng không vì mưu sinh mà anh bỏ bê công tác. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh nghiên cứu thêm tài liệu, tìm đọc những văn bản có liên quan đến nghiệp vụ của mình; đồng thời học hỏi kinh nghiệm thực tiển của các anh chị đi trước. Nắm chắc nghiệp vụ, anh tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã lập kế hoạch hoạt động tốt trong lĩnh vực mình phụ trách. Nhờ vậy, năm nào ngành văn hóa, thông tin – Thể thao của xã đều hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao và anh cũng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của huyện và tỉnh. Với những thành tích đạt được trong công tác, năm 2012 anh được địa phương cho đi học lớp liên thông Đại học chuyên ngành Quản lý Văn hóa. Nay anh đã hoàn thành khóa học và nhận được bằng tốt nghiệp.

Hiện nay, kinh tế gia đình anh Kra cơ bản đã ổn định. Vựa phế liệu của gia đình anh mỗi tháng thu nhập từ 3-4 triệu đồng; cộng với tiền lương mỗi tháng của anh là 3,5 triệu đồng; trợ cấp nạn nhân chất độc da cam 790.000 đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn làm Ủy viên Thường vụ của HĐND xã, mỗi tháng được trợ cấp 350.000 đồng. Như vậy, tổng thu nhập của vợ chồng anh gần 10 triệu/tháng. Nhờ vậy, gia đình anh đã trả xong nợ, sửa lại ngôi nhà khang trang hơn và kinh tế gia đình đã ổn định.

Ông Trần Vĩnh Hưng, GĐ Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang trao quà cho NKT vượt khó vươn lên


Cũng giống như a Kra, chị Nguyễn Thị Phượng cũng là một trong những tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó vươn lên. Cũng như bao đứa trẻ khác được sinh ra, nhưng không may chị khi mới chào đời đã bị khiếm khuyết, tật nguyền. Tuổi thơ của chị gắn liền với chiến tranh, nghèo đói và thiếu thốn nhưng không đầu hàng với số phận chị ra sức học tập và chị biết rằng chỉ có kỹ năng và tri thức mới có thể giúp chị vượt qua số phận.

Hiện chị đang công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang. Chị Phượng chia sẻ: Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Thuở nhỏ, còn chiến tranh tôi được ba má cho học trường làng dù khó khăn lắm nhưng tôi vẫn cố gắng đến trường hàng ngày. Tôi luôn nỗ lực và cố gắng rồi có ngày cũng vào được đại học, đó là niềm mơ ước của tôi và gia đình. Mục tiêu của tôi là phải làm sao tự nuôi sống được bản thân không trở thành gánh nặng cho gia đình. Từ bé đến giờ này lúc nào tôi cũng cố gắng hết sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, mỗi lần vấp ngã là một lần tôi rút ra cho mình một kinh nghiệm sống nhờ vậy mà giờ đây tôi đã vững vàng hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống.

 

"Để có được như ngày hôm nay, trước tiên tôi cảm ơn gia đình; nhờ có ba má, anh chị mà tôi được cắp sách đến trường cùng các bạn trong điều kiện tốt nhất mà gia đình tôi có được. Ba má và anh chị tôi luôn dõi mắt theo từng bước chân của tôi. Họ là niềm động viên là chỗ dựa vững chắc cho tôi mỗi khi bước đi"- chị Phượng tâm sự.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh