THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:28

Những con đê kêu cứu

“Oằn mình” vì xe quá tải

Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa , hiện nay trên một số đoạn đê tình trạng xe quá tải trọng cho phép (chủ yếu là xe chở cát) đi trên đê vẫn còn diễn ra, gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, đặc biệt là những đoạn đã được gia cố bê tông, mặt đê bị lún, nứt gãy, vỡ nghiêm trọng như: Đoạn từ K19+760 đến K25+730 đê hữu sông Chu, huyện Thọ Xuân; đoạn K39+500 đến K42+200 đê hữu sông Chu, đoạn K25+600 đến K30 đê tả sông Chu huyện Thiệu Hóa; đoạn K0+700 đến K8 đê hữu sông Mã, huyện Yên Định; đoạn K47 đến K52+050 đê tả sông Mã, TP Thanh Hóa... đã  gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là công tác hộ đê, PCLB khi có sự cố xảy ra.

Có mặt tại tuyến đê sông Chu chạy qua hai huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình trạng nhiều tuyến đường, mặt đê bị xe quá khổ, quá tải “cày nát” gây nên tình trạng giao thông khó khăn, bụi bặm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Mặt đê bị xe quá tải làm hỏng.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến đê sông Chu thuộc địa phận các xã Thọ Nguyên, Xuân Khang, Xuân Thành, Hạnh Phúc của huyện Thọ Xuân; xã Thiệu Toán của huyện Thiệu Hóa thì nhiều năm nay tuyến đê sông Chu thường xuyên oằn mình gánh chịu những chuyến xe quá khổ, quá tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Tình trạng đó khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị nứt toác, sụt lún, “ổ trâu”, “ổ voi” xuất hiện chi chít. Nhiều đoạn mặt đê trước đây được đổ bằng bê tông dày đã không còn mà bị những chuyến xe trọng tải lớn “băm nát” và thay vào đó là tuyến đường đất cát, bụi bay tứ tung.

Trước tình trạng trên, chính quyền huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Chi cục Đê điều và PCLB  tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xây những “khung khống chế tải trọng” giới hạn chiều cao và tải trọng đặt chốt tại các điểm huyết mạch trên đê nhằm ngăn chặn những xe quá khổ cỡ lớn đi vào. Tuy nhiên, biện pháp trên cũng chỉ mang tính tạm thời vì sau một thời gian thì các thanh chắn ngang đã bị bẻ cong hoặc tháo ra rồi nâng lên cao hơn để xe lớn vẫn có thể đi vào, thậm chí có trạm còn bị quẹt đổ. Từ đó những chuyến xe quá khổ, quá tải lại vẫn chạy vô tư bất kể ngày đêm.

Ông Hà Đình Tính, cán bộ địa chính xã Thọ Nguyên (huyện Thọ Xuân) bày tỏ: Khi Nhà nước đầu tư xây dựng, cải tạo mặt đê, dân ai cũng phấn khởi vì không phải đi trên đường đất nữa. Thế nhưng, những năm gần đây tuyến đê đi qua địa bàn phải “oằn mình” gánh chịu các loại xe chở cát quá khổ, quá tải gây hư hỏng nặng, gây khó khăn cho người dân đi lại. Mặt đê xuống cấp, chưa được khắc phục, gia cố, trong khi đó hầu hết trên tuyến đê đều có lưu lượng xe ô tô đi lại vận chuyển cát lớn. Vì thế, mặt đê đã xuống cấp nay còn xuống cấp hơn.

Hiểm họa..

Thừa nhận về tình trạng trên, ông Lê Xuân Tân, Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Thọ Xuân cho biết: Lực lượng CSGT công an huyện đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp xe quá khổ, quá tải đặc biệt trên những tuyến đê. Tuy nhiên cái khó là lực lượng mỏng nên công tác tuần tra liên tục xuyên đêm không thực hiện được. Hầu hết số xe vi phạm đều hoạt động vào những giờ giao ca, đêm muộn nên việc phát hiện, xử lý hết sức khó khăn...

Xe có tải trọng lớn ngang nhiên chạy trên đê.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho hay: Toàn huyện hiện có gần 120km đê, trong đó có đến 60km đê trung ương. Đến hiện tại trong huyện không có điểm mỏ, bãi tập kết cát nào trái phép. Với hai điểm mỏ cát số 17 (xã Thọ Nguyên), số 18 (xã Xuân Thành) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép, phía chính quyền huyện luôn chỉ đạo quyết liệt đề ngăn chặn, xử lý các trường hợp xe quá khổ, quá tải. “Tuy nhiên, việc xử lý triệt để vấn đề nay rất khó. Vừa qua, khi đi khảo sát tại địa phương, thấy tình trạng một số “khung khống chế tải trọng” bị tháo dỡ, bẻ cong nên chúng tôi chỉ đạo cho lắp lại ngay”, ông Hoàng nói.

Ông Lê Văn Hiển, Trưởng phòng Quản lý công trình, Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: Ở những nơi có mỏ cát, điểm tập kết thì tình trạng đê, đường bị hư hỏng nhiều nhất. Toàn tỉnh hiện có 315km đê từ cấp I đến cấp III; 693 km dưới cấp III; đến nay đã xây dựng được 96 “khung khống chế tải trọng” tại một số địa bàn trọng yếu. Sau khi thi công xong chúng tôi đã bàn giao cho các địa phương có trách nhiệm quản lý, tuy nhiên chi phí việc quản lý cho người trông coi vẫn chưa có trong khi đó trách nhiệm vẫn phải làm nên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập”.

Một mùa mưa bão lại gần về, những con đê vẫn phải gồng mình cõng xe quá tải, an toàn của đê, tính mạng của những người dân vẫn chưa được đảm bảo. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa, đảm bảo an toàn cho những con đê, cho người dân khi mùa lũ cận kề.    

TƯỜNG LÂM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh