Những chuyện lạ trong vụ trốn truy nã 20 năm và bị bắt vì lên tivi
- Pháp luật
- 20:07 - 20/12/2015
Bị cáo Tân che mặt khi áp giải đến tòa.
Xài CMND photocopy vẫn làm sếp bảo vệ dân phố
8h sáng 10/12, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Minh Tân (nguyên Phó ban bảo vệ dân phố phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM) tội “gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo Tân là người đã trốn lệnh truy nã 20 năm và bị phát hiện khi lên sóng truyền hình trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường”.
Theo gia đình nạn nhân, phiên tòa thiếu và vắng nhân chứng của vụ án. Gia đình đã đề nghị tòa hoãn xử để triệu tập thêm nhân chứng, tuy nhiên chủ tọa vẫn cho phiên xử tiếp tục và đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa này đã công bố cáo trạng. Theo cáo trạng, khoảng 2h sáng 11/11/1994, Tân - khi đó là dân phòng tại địa phương - tổ chức uống rượu, bia cùng khoảng 10 thanh niên (trong đó có Nguyễn Đình Lâm) tại trước hẻm khu phố 1, đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Lâm có gây sự với gia đình người bán cháo vịt và xăng lẻ ở vỉa hè gần đó, dẫn tới xô xát giữa 2 bên. Cùng lúc này, Nguyễn Long (người địa phương) đi ngang qua đứng xem sự việc và được 1 người trong nhóm của Lâm hỏi mượn đèn quẹt để châm thuốc hút. Người này châm lửa đốt thuốc xong nhưng không trả chiếc đèn quẹt cho Long, nên hai xích mích. Sau đó, Long và nhóm của Lâm va chạm. Tân chạy ra can ngăn (Tân và Long có quen biết nhau từ trước). Tuy nhiên, giữa 2 bên vẫn xô xát. Biết chuyện, 2 người anh của Long là Nguyễn Lân (cầm cây sắt) và Nguyễn Liễng (cầm cây gỗ) chạy ra đánh nhóm thanh niên.
Nhóm thanh niên chống trả, dùng dao, mã tấu đâm, chém và dùng cây sắt đánh làm Nguyễn Liễng và Nguyễn Lân nằm gục tại chỗ. Nguyễn Minh Tân cầm gậy dân phòng xông vào đánh loạn xạ nhưng không trúng ai. Sau đó, Lân đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Ngay trong ngày 11/11/1994, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án, bắt giam Nguyễn Đình Thanh Lâm, Nguyễn Long về tội “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 4/11/1995, TAND TPHCM xét xử và tuyên án Lâm 3 năm tù, Long 2 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Do Nguyễn Minh Tân bỏ trốn nên ngày 28/11/1994, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định truy nã Tân về tội “giết người” và “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 12/9/2014, Nguyễn Minh Tân ra đầu thú tại Công an phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM và bị bắt giam cho đến nay. Cáo trạng của VKS truy tố Nguyễn Minh Tân tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
“Nguyễn Minh Tân chính là hung thủ giết người”
Đó là khẳng định của gia đình nạn nhân tại phiên tòa. "Đã nhiều phiên tòa rồi mà sao tòa vẫn không triệu tập được nhân chứng này, trong khi ngày nào nhân chứng cũng có mặt ở nhà”, gia đình nạn nhân cho biết như vậy khi nói về một nhân chứng trực tiếp nhìn thấy trong lần hỗn chiến cách đây hơn 20 năm, chính Nguyễn Minh Tân đã cầm dao lê đâm gục nạn nhân. Gia đình nạn nhân cũng bức xúc, chính Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vào năm 1994 đã ra kết luận điều tra và phát lệnh truy nã Nguyễn Minh Tân chứng tỏ hành vi Tân “giết người” là rất rõ ràng, Tân trốn truy nã cũng là trốn hành vi “giết người” ghi rõ ràng trong lệnh truy nã.
Chưa hết, cách đây 20 năm, vào thời điểm xảy ra vụ án, khi gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu, chính Tân đã 2 lần cản trở không cho gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu bằng xe xích lô. Chính sự cản trở của Tân đã kéo dài thời gian, làm giảm cơ hội cứu sống cho nạn nhân.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về nguyên nhân vì sao bỏ trốn, Tân khai rằng, do sợ bị gia đình nạn nhân trả thù. Chủ tọa “truy” tiếp, vụ án sau đó đã đưa ra xét xử, sao còn sợ? Bị cáo Tân im lặng không trả lời. Đáng lưu ý, bị cáo Tân khá lúng túng khi trả lời HĐXX về vai trò của mình trong vụ án. Tân khai rằng, bị cáo chỉ đến giải hòa hai bên khi thấy có ẩu đả. Tuy nhiên, khi chủ tọa trưng ra một bút lục qua đó thể hiện, Tân đã thừa nhận đứng về một phía trong vụ ẩu đả thì Tân cũng thừa nhận là có như vậy.
Đề cập đến sự có mặt của Tân trong lúc xảy ra vụ án, Tân nói rằng mình là dân phòng, khi nghe hai bên có ẩu đả, Tân có trách nhiệm đến can ngăn. Khi Tân nói đến đây, chủ tọa liền hỏi: “Đến can ngăn sao cầm dao lê hô hào đánh nhau?”, Tân viện dẫn: “Thưa tòa, bị cáo hô hào… đừng đánh nhau thôi”. Thấy bị cáo Tân biện hộ như vậy, chủ tọa nhấn giọng: “Đây là sự hô hào khích tướng chứ không thể gọi là hô hào can ngăn được. Sau đó, việc bị cáo bỏ trốn, thay tên, đổi họ cho thấy, bị cáo đã không trung thực”.
Tội phạm… chui vào làm sếp bảo vệ dân phố
Đáng lưu ý, sau khi “tường trình do sợ bị trả thù mà trốn”, bị cáo Nguyễn Minh Tân cho rằng, sau khi xảy ra vụ án, Tân bỏ trốn… ngay tại TPHCM, từ quận Bình Thạnh sang huyện Bình Chánh (nay tách ra là quận Bình Tân) và làm trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tân khai nhận chuyện lạ là, trong lúc làm mộ tại nghĩa trang, Tân nhặt được giấy CMND photocopy mang tên Võ Minh Hùng và suốt hơn 20 năm qua, Nguyễn Minh Tân trốn lệnh truy nã về tội “giết người” và “gây rối trật tự công cộng” bằng việc sử dụng bản CMND photocopy này cho đến ngày Tân đầu thú(!?). Bị cáo Tân cũng khai rằng, bị cáo không có hộ khẩu thường trú mang tên Võ Minh Hùng.
Như vậy, việc Tân chỉ sống dưới cái tên Võ Minh Hùng bằng bản CMND photocopy suốt 20 năm qua quả là tài tình, nhất là đối với một bộ máy đủ ban bệ, phòng cấp tại địa phương đã để một tên tội phạm trốn tầm nã suốt hơn 20 năm, thậm chí leo lên tới chức Phó ban bảo vệ dân phố và được tuyên dương, khen thưởng ì xèo (!?).
Tại tòa, gia đình nạn nhân hết sức bức xúc khi Tân bị phát hiện, bị bắt là do chính gia đình thấy Tân trên truyền hình, nhưng cáo trạng lại nói là Tân… ra đầu thú! Theo gia đình nạn nhân, vào tháng 8/2014, bà Nguyễn Thị Tuyết Linh (em gái nạn nhân) tình cờ xem chương trình phát sóng trên tivi, phát hiện người đàn ông tên Võ Minh Hùng đang được tuyên dương, nhận hoa và bằng khen chính là thủ phạm giết anh trai bà cách nay hơn 20 năm, nên đã báo công an. Tuy nhiên, khi gia đình nạn nhân đi báo công an, công an địa phương (nơi Tân đang ở và làm Phó ban bảo vệ dân phố) lại không bắt giữ Tân. Quá bức xúc, gia đình nạn nhân đã báo Bộ Công an, Cơ quan Thường trực phía Nam. Ngay khi nhận tin báo, Cục truy nã, Bộ Công an cử 2 cán bộ chiến sĩ cùng gia đình đến bắt giữ Tân.
Cũng theo gia đình nạn nhân, khi thấy Bộ Công an đến bắt Tân và đưa ra phường rồi, gia đình liền trở về nhà, không ngờ sau đó lại biến thành Tân đã đi tự thú vào ngày 12/9/2014 tại Công an phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM và bị bắt giam cho đến nay. Chủ tọa hỏi gia đình nạn nhân, lúc đó công an có làm biên bản gì không? Đại diện gia đình nạn nhân bức xúc cho biết, không thấy làm biên bản gì và cho rằng: “Công an bắt rồi thì tôi đi về, ai ngờ nay được biết Tân tự thú chứ không bị bắt”. Gia đình nạn nhân còn trình bày thêm rằng: “Lúc đi với Bộ Công an đến bắt Tân, còn thấy trên cánh tay Tân có xăm dòng chữ “Tân nhớ mẹ” , đó là khoảng thời gian giữa tháng 9/2014, Cục Cảnh sát truy nã thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã bắt Tân”.
Ngoài các tình tiết nêu trên, phiên tòa nóng nhất là phần tội danh của bị cáo. Ngoài gia đình nạn nhân muốn tòa xử Tân tội “giết người”, theo đúng như Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã kết luận và truy nã Tân cách nay hơn 20 năm…, luật sư của nạn nhân cũng đề nghị tòa tuyên hủy hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo vị luật sư tranh luận và đề nghị tại tòa, một người dân thường phạm tội đã bị xử lý theo pháp luật, với Nguyễn Minh Tân là dân phòng, là người giữ an ninh trật tự mà lại phạm đúng tội này là tình tiết cần tăng nặng hình phạt. Mặt khác, khi gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu, Tân 2 lần cản ngăn, điều này đã khiến nạn nhân tử vong. Cần truy cứu Tân thêm tội không cứu người trong trạng thái nguy kịch.
Tuy nhiên, theo chủ tọa phiên tòa, HĐXX nay chỉ xét xử bị cáo theo tội danh mà VKSND TPHCM truy tố, Tân có giết nạn nhân hay không thì gia đình cứ khiếu nại với cơ quan liên quan, HĐXX chỉ chấp nhận các ý kiến tranh luận, cùng làm rõ vụ án trong phạm vi tội “gây rối trật tự công cộng” theo cáo trạng truy tố mà thôi. Không đồng tình với HĐXX, gia đình nạn nhân nhiều lần rời phòng xử án khiến chủ tọa phải yêu cầu thư ký phiên tòa và lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa mời vào, để tòa tiếp tục xét xử…
Sau phần tranh tụng công khai tại tòa, HĐXX cho bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Tân thú nhận với HĐXX là mình đã sai khi có lỗi gây rối mất trật tự công cộng. Sau 3 ngày nghị án, chiều 14/12, tòa đã tuyên án bị cáo Tân 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”, khiến gia đình nạn nhân bức xúc la hét buộc lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải áp giải Tân đi theo lối “bí mật”.