CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Những chuyện chưa kể về nghĩa địa cá Ông lớn nhất nước Việt

 

Chuyện mộ “Ông”

Huyện Núi Thành hiện có 2.349 tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, theo quan niệm của người dân ven biển, sinh mệnh của họ được gởi gắm nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên bị thiên tai bão tố đe dọa. Để phần nào yên tâm trong công việc, họ gửi gắm sinh mệnh cho các đấng “cứu hộ độ sinh”, và cá Ông trở thành chỗ dựa tâm linh, tín ngưỡng bao đời của người đi biển.

Ông Trần Toàn, 89 tuổi, thôn 1, xã đảo Tam Hải, một bậc cao niên nhất làng, kể, gọi là cá Ông (cá Voi) bởi có nhiều đặc điểm khác biệt các loài cá khác, cá Voi có đuôi nằm ngang, khi chết thì nhắm mắt lại, thở bằng phổi, có nắp thông hơi phun nước lên, người dân không được phép ăn. Họ tin rằng, cá Ông chính là “Thần Nam Hải” giúp đỡ phù hộ cho ngư dân.

Một lễ cầu cá Ông.      Ảnh:VH-TT

Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh cá Ông, cho đến nay vẫn là truyền miệng, trong đó có một câu chuyện được người dân làng chài kể như truyền thuyết. Ông Toàn kể, Thời Vua Gia Long trị vì (từ năm 1802-1820), trong một lần, thuyền chở lương thực của nhà vua đi qua làng Thuận An, xã đảo Tam Hải, nước ngọt trên thuyền cạn, vua bèn cầu xin thần Long Hải giúp đỡ. Sau lời khấn, vua vẽ một vòng tròn trên mặt nước, thì bất ngờ xuất hiện nước ngọt phun lên, vua múc lấy uống, nhưng chỉ được vài giây thì biến mất. Nhớ ơn cứu mạng, vua Gia Long phong sắc cho ông Ngài (cá Voi) cứu dân “Đông Hải cự tộc/ Ngọc long chư vị/ Sắc tặng từ tế/ Tước phong trừng trạm/ Dực bảo trung hưng tôn thần”. Người dân từ đó tín ngưỡng xin cá Voi cứu giúp. Truyền thuyết trên trở thành giai thoại ghi lại cuộc gặp gỡ vua Gia Long và thần linh địa phương, thiết lập nơi thờ cúng.

Bao đời nay,mỗi khi có xác cá Ông dạt vào,ngư dân xã Tam Hải đều tổ chức chôn cất cẩn thận. Họ đã dành phần đất để mai táng khi cá Ông lụy bờ, người dân gọi là Nghĩa địa cá Ông. Khu nghĩa địa rộng gần 2.000m2, thuộc thôn Thuận An là một trong nghĩa địa lớn của cả nước, với 502 mộ “Ông”, mỗi phần mộ được đánh dấu bằng những viên đá ong hai đầu. Đối với ngư dân, cá Voi là loài cá cứu người khi tàu bị đắm, khi chết cá Voi trôi dạt vào bờ, vì thế ngư dân chôn cất tử tế, phần mộ được vun thành những nấm cao, theo hàng lối nhưng không được ngay ngắn, bởi lẽ kích thước mỗi ngôi mộ có khác nhau tùy vào xác cá Ông to hay nhỏ.

Nghĩa địa cá Ông nằm cách biển khoảng 100 mét, ông Toàn cho biết, dù không nằm ở vị trí cao, nhưng đều lạ là không có hiện tượng xâm thực như các vùng khác. Bao quanh nghĩa địa là rặng phi lao chắn gió, tránh nạn cát bay. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lý giải vì sao cá Ông lại chọn nơi này để lụy bờ, nhiều người cho rằng đây là vùng nước yên tĩnh, bãi biển dài và thẳng.

Để tang bằng khăn điều

Ở một số nơi lễ an táng cá Ông người ta dùng khăn trắng, tuy nhiên, tại xã đảo Tam Hải, ngư dân dùng khăn điều (khăn đỏ) để thực hiện nghi lễ thờ tự này.

Ông Lê Tường, 82 tuổi, kể, nhiều năm trước cá Ông to dạt vào rất nhiều, tuy nhiên mấy năm nay chỉ có cá Ông nhỏ. Ông Tường nhớ khi ông còn nhỏ, có con cá Ông rất to, bằng cả chiếc thuyền công suất lớn 800CV bây giờ, cá Ông bơi vào không được vì nước trong bờ cạn. Sau đó, cả dân làng cùng làm chặt chuối làm bè, đặt dưới lưng cá Ông cho nổi lên, huy động cả vạn chài kéo bè chuối vào bờ.

Làng biển Tam Hải.   Ảnh:Huyền Trang

Lễ tang cá Ông rất lớn, mỗi 2 năm, ngư dân cử một người trong làng tín nhiệm làm Cả Vạn, theo đó, “Vạn” nghĩa là tập trung 200-300 lao động đánh bắt cá. Ông Cả Vạn có trách nhiệm tế lễ vừa là người trông coi dọn dẹp nghĩa trang hằng năm. Đặc biệt, đối với người gặp cá Ông đầu tiên sẽ được tặng khăn điều, ông Trần Toàn, 89 tuổi, cho biết, khăn điều này có ý nghĩa tăng chức vì phát hiện cá Ông, nên thưởng khăn, đồng thời, người có khăn điều sẽ thực hiện xuất thuyền đầu tiên để mọi người đi sau được may mắn. Ngoài ra, ông Cả Vạn cũng khi thực hiện nghi lễ cũng quấn khăn điều.

Người để tang cá Ông thực hiện những kiêng cữ như không đi qua dây đồ, thực hiện thắp hương thường xuyên ở Nghĩa địa, tuy nhiên, ông Toàn cho biết, đến nay nhiều người không còn giữ kiêng cữ này vì họ còn phải ra biển, đi buôn bán…Cũng như người đi biển có máy định vị, xem thời tiết trên truyền hình, ngày xưa thì xem trời, cứ ráng vàng thì có gió, ráng đỏ thì mưa, chớp trời hướng bắc nổi gió…

Lễ cúng cá Ông cũng đơn giản hơn, người dân làm bình thường như cúng người thân trong nhà. Hằng năm cứ vào 20 tháng giêng âm lịch, làng tổ chức Lễ cầu ngư, chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá. Hiện một số xã trên địa bàn huyện, ngoài lễ hội cầu ngư, tạ mùa, ngư dân còn tiến hành đám giỗ cá Ông vào ngày 1/6 âm lịch hằng năm, tại vạn chài Xuân Hải, xã Tam Quang. Lễ hội cầu ngư được tiến hành trên cửa biển, buổi sáng, lễ vật gồm hương, đèn, hoa quả, áo giấy, gạo muối, xôi, chè và những điều cấm kỵ trong lễ là vật cúng cầu ngư không được phép dùng loại thủy sản.

Nghĩa địa cá Ông được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008, đến nay đã xây dựng hoàn thành bia di tích lịch sử. Người dân xã đảo Tam Hải vẫn mong muốn xây dựng một nhà thờ cá Ông gần nghĩa địa. Ông Phạm Văn Nên, Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành cho biết: “Nghĩa địa cá Ông tại thôn Thuận An, xã Tam Hải là một trong những nghĩa địa lớn nhất cả nước. Năm 2017, huyện sẽ quy hoạch xây dựng toàn bộ nghĩa địa có nhà thờ, tường rào,…bảo vệ khu di tích lịch sử, tín ngưỡng của ngư dân”.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh