Ý nghĩa của những bức bình phong xứ Huế...
- Văn hóa - Giải trí
- 12:35 - 23/11/2015
Muôn màu, muôn vẻ ... bình phong
Xưa nay, người Huế vẫn tin theo “dịch lý” và “phong thủy” vào hàng nhất nước. Nhà vườn ở Kim Long, Vỹ Dạ, Phước Tích luôn luôn tập hợp một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, từ cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Lối đi vào không bao giờ nhìn trực diện vào nhà chính, che cho lối đi là tấm bình phong, người vào nhà phải rẽ hướng khác để vào sân nhà.
Bức bình phong xứ Huế thường được làm bằng vôi, gạch, hay chè tàu, bông cẩn. Sau bức bình phong thường là hòn non bộ và bể cạn - yếu tố minh đường trong phong thủy làm nên một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm hướng nội.Vẫn còn rất nhiều bình phong cổ rải rác trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Một nhà vườn hơn 100 năm, ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang còn giữ đầy đủ: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà.
Bạn nên đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, đây vẫn còn giữ được một số ít bức bình phong cổ (bằng gỗ quý) tuyệt đẹp, càng ngắm, càng có cảm giác như bị mê hoặc, do chúng hội tụ được những điều thần bí của phong thủy. Trong thuyết phong thuỷ, bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án”, có chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Về sau bình phong còn thêm chức năng trang trí mỹ thuật trong kiến trúc nhà cổ truyền thống.
Sau bình phong là hòn non bộ và bể cạn (yếu tố phong thuỷ).
Bức bình phong cổ ở xứ Huế gồm đủ loại chất liệu như gỗ, đan mây, vải, đá, gạch... song phổ biến nhất là loại bình phong xây bằng gạch đá, có kích thước lớn, ở ngoài trời. Thường được trang trí công phu bằng cách chạm trổ, ghép sành sứ với các biểu tượng và mô típ: phúc- lộc- thọ- hỷ hay các linh vật như long, lân, quy, phụng, long mã... Làm nên giá trị mỹ thuật của bình phong cổ xây bằng đá gạch, không thể không kể đến công lao sáng tạo, truyền nghề của các nghệ nhân khảm sành sứ “giỏi nhất” thời Nguyễn, trên đất Phú Xuân- Thuận Hoá, như cụ Bát Mười, ông Trương Cửu Lập. Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ thường được sử dụng để trang trí ở cổng chùa đình, nóc mái, cửa sổ, đặc biệt là bình phong.
Bình phong long mã tại đình làng Dưỡng Mông, xã Phú Mỹ. Bình phong long mã tại đình làng Dưỡng Mông, xã Phú Mỹ.
Đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ là sử dụng những mảnh gốm sứ, mảnh chai cắt tỉa theo hình dáng và màu sắc, được gắn khảm rất tinh tế, bằng những chất kết dính (vôi hàu, mật mía đường) cùng những phụ gia kết nhuyễn (giấy dó, nhựa bông cẩn, dây tơ hồng). Hiện nay tại lăng Tự Đức còn giữ được nhiều bức bình phong khảm sành sứ đẹp nhất nước, tiêu biểu là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các- thuộc Khiêm Cung, còn khá nguyên vẹn.
Nghệ thuật đan xen phong thuỷ
Người xưa tin rằng “long mã” là hóa thân của kỳ lân, một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), là linh vật báo hiệu điềm lành; là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, hạnh phúc. Thời Nguyễn, từ cung đình đến dân gian, đều chịu ảnh hưởng truyền thuyết “long mã” khá sâu đậm, hình nó được thêu trên võ phục hàm “nhất phẩm”.Ngoài ra, trong Phật giáo, long mã là linh vật cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam Tạng Kinh). Huế vốn là kinh đô của nhà Nguyễn, lại là nơi tập trung nhiều chùa chiền Phật giáo, nên trong nghệ thuật kiến trúc Huế, hình ảnh long mã xuất hiện rất nhiều. Hình ảnh “long mã” vừa để trang trí, vừa có công dụng phong thủy, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ.
Chữ “thọ” được lồng vào hình tròn nằm giữa bình phong.
Trên bình phong cổ, có một điều không mấy ai chú ý về chữ “thọ” được lồng vào hình tròn nằm chính giữa trung tâm. Đây là điểm nhấn vừa trang trí vừa là cái gương, qua đó người khách có thể báo trước với chủ nhà về sự hiện diện của mình. Đồng thời, người chủ nhà khi đã sửa soạn xong việc đón tiếp, sẽ đứng trước cửa, người khách nhìn qua ô tròn đó và biết mình nên đi vào, tránh sự cập rập cho việc tiếp đón. Chi tiết này là một sự tinh tế trong văn hoá ứng xử.
Cho đến nay, những bức bình phong xứ Huế vẫn giữ chức năng mỹ thuật đan xen với phong thuỷ, một phong cách độc đáo trong kiến trúc nhà Huế. Nhà giàu sang thì xây dựng bình phong bằng gạch, đá kiên cố. Nghèo khó thì làm bình phong bằng cây kiểng như chè tàu, dâm bụt, tre trúc… Nhà cửa có thể sửa sang, nâng cấp nhưng các bức bình phong hàng trăm năm tuổi, đều được con cháu gìn giữ nguyên trạng…