THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:42

Những bóng hồng trong nhạc Trịnh

Nhắc đến nhạc Trịnh là người yêu nhạc nhắc đến Khánh Ly - một giọng hát gắn với nhạc Trịnh từ năm 1967. Thời đó, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn từng có những buổi trình diễn ngoài trời không công và không thù lao cho sinh viên tại Quán Văn (theo Khánh Ly, đó là một quán lá sơ sài dựng trên một nền gạch đổ nát) nằm trên bãi đất rộng sau trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Họ tiếp tục trình diễn khắp nơi ở miền Nam Việt Nam, nhất là trong sân cỏ trường đại học, nơi Khánh Ly được mệnh danh là "Nữ hoàng chân đất" hay "Nữ hoàng sân cỏ". Có thể nói Khánh Ly chính là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức show diễn riêng của mình vào thời kỳ đó. Kể về những năm 60 của thế kỷ trước đầy cơ cực, đói khổ nhưng hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: "Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Sau này, khi đã định cư ở nước ngoài, nhiều năm Khánh Ly mong về nước, hát lên nỗi nhớ một người anh, người thầy trong đêm nhạc Trịnh giữa Thủ đô, nơi bà sinh ra và điều ấy đã thành hiện thực, thành điều đặc biệt của đêm “Trịnh Công Sơn 15 năm Đường xa vạn dặm” diễn ra vào ngày 2/4. Giọng hát liêu trai Khánh Ly hát nhạc Trịnh là sự đồng cảm, hiểu ông từ trong gan ruột. Trịnh đã thành một phần quan trọng trong cuộc đời của bà, là thời gian thanh xuân sôi nổi và đẹp nhất. “Tôi hát nhạc của anh bằng tất cả những gì sâu lắng nhất, cảm xúc nhất của hai người đã từng hiểu nhau nhất”- Khánh Ly đã chia sẻ.

Những bóng hồng nổi tiếng hát nhạc Trịnh.

Hồng Nhung là giọng hát thứ hai (sau Khánh Ly) gắn bó nhiều với nhạc Trịnh. Bống là tên ở nhà của Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn đã viết ba bài Bống dành riêng cho cô ca sĩ xinh đẹp này với “Bống Bồng ơi” (1993), “Bống không là Bống” (1995) và “Thuở Bống là người” (1998) đã khẳng định vị trí của Hồng Nhung trong lòng Trịnh Công Sơn. Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn lần đầu tiên năm 1991, tại TP.Hồ Chí Minh khi cô đang ở tuổi đôi mươi đẹp nhất của đời người còn vị nhạc sĩ tài hoa đã bước sang những năm tháng xế chiều.

 Cách biệt tuổi tác rất lớn nhưng tình yêu âm nhạc và tâm hồn đồng điệu đã đưa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn đến với nhau, nắm tay nhau qua nhiều thăng trầm trong đời sống âm nhạc trong vòng hơn 10 năm cuối đời của cố nhạc sĩ. Sức trẻ của tuổi đôi mươi khiến Hồng Nhung hát nhạc Trịnh với phong cách hiện đại, mới mẻ và làm trẻ hóa nhạc Trịnh. Và trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta sẽ không thể quên mối duyên đã đưa ông đến với cô Bống - người gắn bó nhất với âm nhạc của ông trong những năm cuối đời.

Ngoài Khánh Ly và Hồng Nhung - hai bóng hồng thể hiện thành công nhất nhạc Trịnh, Ánh Tuyết và Cẩm Vân cũng là hai giọng ca từng ghi dấu với những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn bằng cách thể hiện mới lạ và nhiều màu sắc, được khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt sau năm 1975. Ánh Tuyết cũng đã thực hiện hai album nhạc Trịnh với nhiều tâm huyết. Chị bảo, nhiều lần hát nhạc Trịnh chị đã bật khóc trên sân khấu, bởi nhạc của ông rất “đời”, thấm thía đến từng câu chữ. Cũng theo ca sĩ Ánh Tuyết, Trịnh Công Sơn là người rất yêu mẹ. Các tác phẩm của ông phần lớn có bóng dáng của người phụ nữ, trong đó có nhiều bài dành cho mẹ và “Đường xa vạn dặm” là một trong số đó. Sau này, mỗi khi hát sáng tác này của Trịnh Công Sơn, chị đều hát chay chứ không cần nhạc để có thể lột tả được những tình cảm một cách thật nhất. Ca sĩ Cẩm Vân cũng là một bóng hồng trong nhạc Trịnh. Chị được khán giả gắn tên với nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ như: “Huế- Sài Gòn- Hà Nội”, “Xin mặt trời ngủ yên”, “Huyền thoại mẹ”, “Như cánh vạc bay”... với giọng hát ấn tượng. Cẩm Vân cũng cho biết, những ca khúc của Trịnh Công Sơn không bao giờ cũ, bởi sức lôi cuốn về giai điệu và ca từ trong âm nhạc của ông mãi mãi vẫn còn. Có rất nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ tài hoa luôn làm chị xúc động và chị thật hạnh phúc khi hát được nhạc của Trịnh Công Sơn, được công chúng yêu mến...

HIỀN NGUYỄN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh