THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Những “bông hồng” nặng lòng với khoa học

“Lễ kỷ niệm 30 năm giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015” được Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 6/3. Tham dự buổi lễ kỷ niệm có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân Vận Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia... 

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học nữ.

 

Đau đáu với “nỗi  đau da cam”

Được đào tạo bài bản chuyên ngành sinh học ở nước ngoài, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ), sau đó lấy bằng Tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Trong thời gian 10 năm từ năm 1985-1995, bà làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo. Người phụ nữ sinh năm 1952 này đã quyết định về nước sau 10 năm tu nghiệp ở nước ngoài.

Ở tuổi 64, PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà đã có hơn 160 công trình được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Nhưng theo PGS,TS Đặng Thị Cẩm Hà, điều bà cảm thấy tâm đắc nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học, chính là nghiên cứu thành công công nghệ xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation). Chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa của PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng các cộng sự bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm.

Trong suốt 10 năm nghiên cứu, PGS, TS Cẩm Hà cùng các cộng sự trẻ tuổi đã thường xuyên có mặt ở các điểm nóng tại sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, chấp nhận đối mặt với việc có thể bị phơi nhiễm dioxin. Ngay sau những lần tiếp xúc trực tiếp với thứ hóa chất độc hại dioxin, bà và các đồng nghiệp đã phải uống nước gạo rang cháy hoàn toàn thành carbon để loại bỏ phơi nhiễm. Khó khăn, đối mặt với hiểm nguy là vậy, nhưng bà luôn tâm niệm phải đi đến tận cùng. Chia sẻ lý do vì sao bà chấp nhận nguy hiểm, vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện đề tài nghiên cứu trong nhiều năm, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà nói: “Tôi được ra nước ngoài học tập từ năm 17 tuổi, nhiều người anh, người bạn của tôi ra chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ đã không có cơ hội quay trở về. Đó là cách để tôi tri ân với những người anh, người bạn và nạn nhân bị phơi nhiễm, chịu di chứng của chất độc dioxin đã không có cơ hội hưởng cuộc sống hòa bình như hiện nay”.

Hơn nửa đời người với biết bao thăng trầm, khi được hỏi, hạnh phúc nhất của một nhà khoa học nữ là gì? PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết, đó chính là sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình, người thân. Bà nói, đối với bất kỳ người phụ nữ nào, bất kể làm công việc gì, khi có sự đồng lòng, chia sẻ của hậu phương, đều là yếu tố quan trọng, trong đó các con chính là tài sản quý giá nhất.

 “Phao cứu sinh” của nhiều bệnh nhân

Quyết định phải trở thành bác sĩ cứu người đến với cô nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thảo ở vùng quê nghèo Trà Vinh khi cô chứng kiến người bà của mình vật vã với những cơn đau của căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối. Phạm Thị Ngọc Thảo mở đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng tấm giấy báo đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học năm 1992, một năm sau đó chị Phạm Thị Ngọc Thảo chuyển sang Khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy và gắn bó với nơi đây cho đến hôm nay.

Những năm trước đây, mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận không ít trường hợp bị sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa tạng và viêm tụy cấp nặng. Điều đau lòng là cứ bốn bệnh nhân (BN) nhập viện vì căn bệnh này thì tới ba người tử vong. Con số ấy ám ảnh BS Phạm Thị Ngọc Thảo.

“Từ năm 2001, các khoa thận nhân tạo nhiều BV đã áp dụng phương pháp lọc máu ngắt quãng trong điều trị. Tuy nhiên, với BN đang có rối loạn huyết động như viêm tụy, suy đa cấp, việc áp dụng phương pháp lọc máu này gây tụt huyết áp, khiến cuộc lọc máu không thể hoàn tất và không mang lại hiệu quả điều trị cao”, BS Ngọc Thảo chia sẻ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải cho 2 nhà khoa học năm 2015. 

Trăn trở trước thực tế ấy, năm 2011, BS Thảo bắt tay vào đề tài nghiên cứu “Hiệu quả lọc máu liên tục trong số nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng”, nhằm mở ra cơ hội sống cho BN mắc phải những chứng bệnh này. Suốt hai năm nghiên cứu, khó khăn lớn nhất với BS Thảo là từ phía người bệnh. Chị kể: “Ở giai đoạn đầu nghiên cứu, các trang thiết bị về mặt kỹ thuật như máy lọc máu, màng lọc chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên ứng dụng rất khó khăn. Phải tới khi nhận thấy hiệu quả lọc máu tốt, một số độc tố của lọc máu liên tục mới được bảo hiểm chi trả. Tới nay thì hầu hết người bệnh đều đã được hưởng kỹ thuật này với mức giá tốt nhất”.

Sau đề tài nghiên cứu thành công của TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, hiện nay, ứng dụng của kỹ thuật lọc máu liên tục ngày càng mở rộng, đặc biệt với công nghệ lọc màng mới có thể lọc thêm nhiều độc chất. Ứng dụng trong điều trị bệnh nhân nhi nhiễm virus, lần đầu tiên, phương pháp lọc máu liên tục đã cứu sống ca bệnh tay-chân-miệng nặng. Phương pháp này cũng hiệu quả với bệnh nhân bị ong đốt mức độ nặng.

Không chỉ thực hiện thành công đề tài “Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng”, BS Phạm Thị Ngọc Thảo còn là chủ nhân của hàng loạt đề tài có ứng dụng thực tế, nâng cao công tác điều trị như “Ghép thận trên bệnh nhân tim ngừng đập”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tặng chết não”, “Đánh giá đáp ứng bù dịch dựa vào theo dõi huyết động ít xâm lấn kỹ thuật flotract”…

Nhiều người hỏi về bí kíp, chị giản dị trả lời: “Kinh nghiệm của tôi là làm hết sức mình và làm công việc tôi yêu thích”. Tuy nhiên, BS Thảo cũng khẳng định, chính sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình là điều may mắn đối với những người phụ nữ làm khoa học như chị.

Chủ tịch HLHPN Việt Nam Nguyễn Thanh Hòa: “Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành người bạn đồng hành tri kỷ với nữ trí thức Việt Nam trong suốt quá trình đổi mới đất nước, là sự ghi nhận, là nguồn động viên, cổ vũ phụ nữ thêm tự tin, hăng hái đi theo con đường sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận TƯ, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: “Các nhà khoa học nữ Việt Nam sẽ luôn tiên phong trong phong trào phụ nữ cả nước, chủ động, tự tin vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực hơn nữa trong các lĩnh vực nghiên cứu để có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả, khai thác tối đa khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế... Hội LHPN Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò đại diện của các tầng lớp phụ nữ trong tham mưu các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ nghiên cứu khoa học nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, cống hiến, đóng góp cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ”.

NG.SÍU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh