Những bông hoa giữa lòng Tây Đô
- Huyệt vị
- 18:11 - 18/08/2016
Làm giàu trên mảnh đất nghèo
Đến thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh tìm hiểu phong trào phát triển kinh tế của cán bộ, hội viên phụ nữ nơi đây, chúng tôi được giới thiệu mô hình làm kinh tế giỏi của chị Lê Thị Thương, hội viên phụ nữ ấp Phụng Lợi. Giống như tên của chị, người phụ nữ này đã chịu thương, chịu khó thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng của gia đình.
Là huyện ngoại thành Cần Thơ, tỷ lệ hộ nghèo của Vĩnh Thạnh còn khá cao so với tỷ lệ chung của thành phố. Từ nhiều năm nay Vĩnh Thạnh đã huyện tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Chính từ nguồn vốn của chương trình này, từ chỗ mua gánh bán bưng, chị Lê Thị Thương đã được sự quan tâm của Hội LHPN thị trấn Thạnh An và Chi hội Phụ nữ ấp Phụng Lợi kết nạp, tham gia vào tổ chức hội và được tạo điều kiện giới thiệu vay vốn ở các Ngân hàng để phát triển kinh tế, mua dụng cụ, nguyên liệu làm nghề chả lụa. Không phụ lòng đoàn thể, chị kiên nhẫn học hỏi và tự rút kinh nghiệm trong nghề làm ra sản phẩm ngon nên khách hàng ngày càng ủng hộ, dần dần dành dụm mua thêm được 2 cối xay lớn, lồng và lon để vào khuôn, nồi hấp chả lụa, các loại tủ đông đá ướp thịt… và các loại dụng cụ khác để làm chả lụa.
Ban đầu, sản phẩm chả lụa của chị chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng tại Cần Thơ, nhưng với chất lượng đảm bảo, cộng với sự hỗ trợ của các đoàn thể, đến nay chị còn cung cấp sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc thông qua các hệ thống siêu thị, cửa hàng... Ngoài ra, chị còn bỏ cho các cơ sở bán lẻ của các xã, thị trấn trong và ngoài huyện thành phố Cần Thơ, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang,... sau khi trừ chi phí, trung bình thu nhập hàng tháng gia đình chị kiếm được trên 60 triệu đồng. Năm 2013 , gia đình chị tích góp dành dụm trên 4 tỷ đồng để đầu tư mở rộng cơ sở thêm gần 1.000m2 và mua thêm máy móc hiện đại giảm được thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong dịp Tết mỗi ngày chị bán 1.000 kg chả, ước tính thu nhập trong tháng Tết lên đến 300 triệu đồng/ tháng.
Được biết, chị Lê Thị Thương hiện nay có 3 đứa con, trong đó 2 cháu bị nhiễm chất độc da cam, bệnh tật ốm đau quanh năm. Với những thành công hiện nay gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, đồng thời giải quyết việc làm cho chị em ở địa phương, đóng góp an sinh xã hội chăm lo giúp đỡ hộ nghèo.
Vươn lên từ thất bại
Một bông hoa khác cũng tỏa sáng giữa đời thường đó là chị chị Võ Thị Kim Thoa, hội viên Chi hội Phụ nữ khu vực Bắc Vàng, phường Thới Long, quận Ô Môn. Đây là tấm gương điển hình, yêu lao động, giàu nghị lực vượt khó và luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp.
Trước khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hỗ trợ vay vốn, gia đình chị luôn trong tình trạng những bữa cơm không đủ no, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu vì chủ yếu trông vào 1 công đất canh tác nông nghiệp, mà có lúc công đất ấy gia đình chị cũng đã mang đi cầm cố để có tiền trang trải cuộc sống. Vừa làm ruộng, vừa làm mướn để kiếm thêm thu nhập nhưng gia cảnh càng khó khăn chồng chất, có lúc quá túng quẫn.
Khó khăn vất vả là vậy, nhưng chị Thoa không quản ngại gian lao, vợ chồng chị đi làm từ lúc gà chưa gáy sáng đến tối mịt mới về nhà. Số tiền công chị Thoa gói ghém để lo cơm nước, sách vở cho con đi học. Mặt khác, chị cũng tích lũy tiền mua cặp heo về nuôi.
Do thiếu kinh nghiệm nên ngay lần nuôi heo đầu tiên, chị đã gặp thất bại, 1 trong 2 con heo chết khi gần đến ngày sinh sản. Thất bại đồng nghĩa với nợ nần, vợ chồng chị lại quần quật làm thuê, làm mướn từ sáng đến tối để vừa lo cho gia đình, vừa trả nợ.
Có lần chia sẻ với báo chí, chị Thoa tâm sự: "Dù thất bại nhưng tôi không nản lòng. Ông bà ta thường dạy "cái khó ló cái khôn", "thua keo này ta bày keo khác" nên tôi luôn cố gắng". Tinh thần lạc quan của chị cùng với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã giúp chị đứng lên làm lại từ đầu và thành công.
Từ 2,5 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ chị đã gầy dựng lại "cơ nghiệp" nuôi heo. Lần này, vợ chồng chị chịu khó đọc báo, xem đài, đồng thời tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức để đúc kết kinh nghiệm từ chăn nuôi, chuồng trại đến thức ăn sao cho đúng cách mà tiết kiệm. Nhờ vậy, việc chăn nuôi dần dần ổn định và phát triển, chị có thêm vốn liếng để đầu tư xây dựng chuồng trại rộng rãi. Hiện nay, nhà chị thường xuyên có gần 30 con heo nái và 70 con heo con, heo thịt, trừ chi phí chị Thoa lời khoảng 60 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, chị Thoa vừa cất căn nhà tường khang trang trị giá hơn 120 triệu đồng thay cho mái lá cũ, con cái cũng chăm ngoan, học giỏi.
Chị Thương tâm sự: “Dù khó khăn, vất vả nhưng nếu mình luôn tin tưởng vào cuộc tốt đẹp và cần cù lao động thì sẽ thành công”. Chia sẻ của chị Thương cũng chính là kinh nghiệm quý báu cho những người phụ nữ hiện đại ngày nay, tất cả điều có thể nếu bạn có niềm tin, cố gắng, biết vượt qua khó khăn, dù bạn là người phụ nữ “chân yếu, tay mềm”.