THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:40

Những “biểu tượng sống” giữa đời thường

 

24 năm nhai cơm nuôi chồng 

Đến thành phố Thái Nguyên, hỏi bất cứ một người nào về bà Lợi, người phụ nữ ở Xóm 4, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên, với tấm gương tần tảo nuôi con, chăm chồng, hẳn không ai không biết. Cuộc đời bà đã làm lên một kì tích mà ít ai có được là 24 năm đều chằn chặn, đông cũng như hạ, ngày cũng như đêm, mưa giông cũng như nắng lửa bà đều phải 5 lần đỏ lửa để nấu cơm nóng mà nhai cơm bón cho người chồng vốn là thiếu tá, thương binh thời chống Mỹ phải nằm liệt giường.

Thiếu tá Phan Văn Phàn, thương binh loại A, hạng 4, yêu và nên duyên với bà Lợi từ ngày mẹ còn trẻ lắm. Thời ấy yêu đương chỉ dám nắm tay nhau thôi, cưới về bà vẫn còn ngủ chung với mẹ chồng vì xấu hổ. Vợ chồng chưa một đêm nằm trọn với nhau thì ông Phàn nhập ngũ, chỉ để lại cho vợ cái cười lúc lên xe cùng chúng bạn, rồi đi biền biệt. Đơn vị ông đóng là Trung đoàn 98, Binh đoàn Trường Sơn, bà biết vậy từ những cánh thư ông gửi về.

Sau 4 năm biền biệt ra đi bà có dịp may mắn được gặp chồng, ấy là khi ông bị thương khi đang thi công tuyến đường 559 ở địa phận Atôpưi trên đất bạn Lào. Hầm ông bị trúng bom, hy sinh hết cả, chỉ mình ông may mắn còn sống sót nhưng bị thương nặng. Ông được chuyển ra Thanh Hoá điều trị, thông tin ra, nghe tin xấu bà quầy quả vào tìm chồng. Ngày ấy đường sá xe cộ hiếm hoi, lúc nào có xe thì đi còn không thì bà lại đi bộ. Cả tuần trời quầy quả mẹ mới gặp chồng. Ở lại cùng bác sỹ chăm sóc chồng, đây là lần bà được gần gũi chồng nhất. Ông lành vết thương lại vào tiếp chiến trường còn bà quay ra Bắc. Lần gặp gỡ này, năm 1970, bà sinh con trai đầu, được ông đặt tên là Phan Văn Dũng, với chủ ý vào chiến trường đàn ông phải dũng cảm, còn ở quê nhà người vợ có chồng đi kháng chiến cũng phải dũng cảm không kém.

5 năm sau, miền Nam thống nhất, ông về, chẳng có gì ngoài chiếc ba lô và bộ quần áo xanh quân ngũ bạc màu. Năm 1977 bà sinh thêm con trai nữa, ông đặt tên là Phan Văn Chuyên, chủ ý là trong lúc khó khăn bà phải chuyên cần. Hạnh phúc ngắn ngủi chỉ có được cho mẹ sau 10 năm khi ông ở chiến trường ra. Tưởng yên ổn, nào ngờ, năm 1985, đúng mồng 3 Tết, đang vui vẻ xuân mới thì ông đột quỵ. Tưởng sẽ lành nào ngờ ông phải nằm liệt giường, với căn bệnh viêm tuỷ leo. Thân thể mềm nhũn, mồm miệng cũng mềm hết, không thể tự nhai cơm được.

Bà Lợi cần mẫn chăm chút người chồng bệnh tật của mình.

Từ ngày ông đổ bệnh, mọi thứ không chủ động được, đều nằm đấy mà nhờ cậy bà cả. Cũng may, ông đã có một người vợ, một kho tài sản quý. Bà Lợi cho biết, vì ông bệnh tật, ngoài việc chỉ ăn được thứ cơm do bà nhai mớm thì ông phải ăn đến 5 bữa trong ngày. Mẹ bảo ngày ông bị bệnh, lương tháng 2 vợ chồng có tất thảy 600.000 đồng. Vừa cơm cháo, vừa thuốc men cho chồng lại cả tiền ăn và tiền học của 3 đứa con nữa. Nhiều lúc cảm thấy bất lực, không thể sống được nữa. Thế nhưng mỗi khi nhìn thấy chồng bị bạo bệnh nằm đó bà lại nhủ: Phải sống, phải sống vậy thôi.

Để sống bà phải thâu đêm suốt sáng làm đủ nghề để kiếm sống, từ nấu rượu, nuôi lợn, làm ruộng và bán nước,... Làm đến quên ăn quên ngủ để nuôi gia đình và phụng dưỡng người chồng của mình. Gặp bà, tôi chỉ có vài dòng này ghi lại và tạm biệt bà cùng cái thị trấn Ba Hàng bụi bặm. Một hoàn cảnh như vậy, nay đã tuổi già sức yếu, đã bước vào cái năm thứ 24 của quãng đời một ngày 5 lần đỏ lửa nấu cơm và nhai bón cho chồng mà bà vẫn không ca thán một điều gì. Tôi nghĩ, sự im lặng, cam chịu và kiếm tìm hạnh phúc từ một hoàn cảnh hết sức trớ trêu của bà đang chắp thêm cho những đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Và trong trang sách này bà là một trong những trang sống động nhất.

Người phụ nữ có một không hai

 Chị có cái tên khá hay nhưng cũng khá buồn: Xa Lệ Thủy. Chị sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Bắc heo hút của tỉnh Hòa Bình. Mẹ chị Thủy nguyên là Phó Bí thư huỵện ủy. Sinh ra trong một gia đình mà người mẹ vốn được coi là có chức tước và học vấn trong huyện nên cuộc sống thời thơ ấu của chị cũng khá thuận. Có điều kiện đi học, có thời gian đọc sách và vốn là người ham đọc, ham tìm hiểu nên chị Thủy học khá giỏi. Cấp III trường huyện hết, vốn là người ham mê các công tác phong trào nên sau đó chị Thủy đã lao đơn vào trường Cán bộ đoàn.

Học xong, không nề hà, chị đã tìm vào một miền đất heo hút hơn, xa xôi hơn đó là huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Tại miền đất mới này, với sự năng động, hiểu biết của mình chị đã nhanh chóng trở thành cán bộ đoàn gương mẫu rồi sau đó được Hội Phụ nữ tỉnh xin sang làm cán bộ. Cuộc đời, sự nghiệp đang phơi phới, hứa hẹn thêm cho chị những triển vọng, thì không ngờ bạo bệnh đã đến cùng chị. Sau một ngày nắng nôi đi cơ sở trở về nhà chị đã ngã vật ra. Mọi người đưa đi cấp cứu, bệnh viện tỉnh bó tay, chị được chuyển cấp tốc ra Hà Nội, vào Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, sau khi chẩn đoán các bác sỹ cho biết chị sẽ sống được nhưng chắc chắn sẽ mắc dị tật liệt người.

Hai tháng nằm bệnh viện, mái tóc dài rụng sạch, cơ thể còn vỏn vẹn 29kg, sức khỏe mất đến gần 40%, do điều kiện có hạn chị được gia đình chuyển về quê. Sau nửa năm điều trị, người toàn thuốc với nước truyền chị được “tại ngoại” cùng gia đình với một di chứng liệt nửa người. Cái đau khổ nhất là cánh tay phải, cánh tay cầm bút của chị không còn sử dụng được nữa. Sau khi dời bệnh viện, với di chứng, chị hụt hẫng hoàn toàn. Chị chông chênh đi trên sợi dây nối giữa hai suy nghĩ là chết và sống, nhưng lúc đó suy nghĩ về cái chết đã đến nhiều hơn với chị. Ai cũng bảo chị khó vượt qua, ai cũng thương tiếc cho số phận một cô gái...

Chị Xa Lệ Thủy với công việc viết báo của mình.

 Ủ uột mãi, thế rồi nguồn sống cũng đã nhen nhúm lên trong chị khi chị tìm thấy những điều kỳ diệu trên mỗi trang báo, mỗi bài viết mà chị thường đọc để giải khuây, để “giết thời gian” khi không còn hứng thú sống nữa. Không chỉ đọc đơn thuần mà chị còn mong ước mình sẽ trở thành người viết báo. Cứ đọc, cứ hun đúc và nuôi dưỡng ý chí như vậy, chị ngẫm: Muốn đến được với nghề này trước tiên là phải sống được đã. Để sống, chị bắt đầu bước vào một hành trình chinh phục được chính bản thân mình. Từ một cơ thể tật nguyền, nằm một chỗ, tất cả các sinh hoạt đều phải nhờ đến người thân, chị Thủy bắt đầu tập đi. Một con người đã biết đi, bị liệt, nay có tuổi thì việc “tập đi” là cả một cực hình với chị. Với hai cây tre được buộc trước nhà chị miệt mài lao vào luyện tập, lê từng bước nhọc nhằn.

Đi được rồi, thế nhưng để đến với nghề thì chị lại phải tập viết. Vì bàn tay phải bị liệt nên chị phải tập viết bằng tay trái. Do có dị tật nên buổi đầu cầm bút với tay trái của chị cũng hết sức khó khăn. Ngày ấy, chỉ viết được chục từ là bàn tay trái của chị lại bị chuột rút, co quắp và nhức buốt đến tận xương tủy. Thế nhưng vẫn một ước mong chị say sưa rèn luyện. Những con chữ ngô nghê, siêu vẹo định hình dần rồi trở nên sạch đẹp. Chị mừng rơi nước mắt vì những thành công ban đầu của mình.

Khi đã đi, đã viết thạo, chị đánh đường lên Ủy ban huyện, gặp những người quen của mẹ mình xin tài liệu. Đốt đèn, đọc, nghiền ngẫm tìm cấu tứ chị bắt đầu đặt bút. Tưởng đơn giản, thế nhưng việc đánh vật với câu chữ, việc viết báo thật cũng không dễ. Cứ viết, không thấy ưng ý lại gạch, thậm chí là vò xé cả những trang bản thảo. Thế rồi hai bài viết đầu tay được chắt lọc từ mớ tài liệu xin được cũng hoàn thành. Cẩn thận chị chép lại rồi xin mẹ mấy nghìn tập tễnh tìm tới bưu điện huyện. Phong bì được dán, địa chỉ gửi là Báo Hòa Bình, chị trở về và mong đợi hy vọng.

Không ngờ, tuần sau niềm vui đã đến cùng chị. Hai bài ấy được đăng cả, đăng gần như trọn vẹn, ngoài báo biếu, thư của ban biên tập chị còn được cả tiền nhuận bút nữa. Niềm vui được nhân đôi, từ đây, ngoài công việc viết báo chị đã có nguồn sống cho mình ấy là những đồng nhuận bút. Từ những bài quẩn quanh ở huyện nhà, để có những bài viết hay hơn, sống động hơn chị tìm tới các huyện bạn trong tỉnh. Không thẻ, không giấy giới thiệu, đến đâu chị cũng thật thà đề xuất ý kiến. Và với sự thật thà, chất phác cùng cơ thể tật nguyền đã cho chị một lợi thế, ở đâu chị cũng được người ta cung cấp số liệu. Để có những bài viết hay, các địa danh trong tỉnh như: Mai Châu, Đồng Chum, Tân Pheo... chị đã thuê xe ôm lội khắp.

Từ là cộng tác viên của báo tỉnh, bằng sự trải nghiệm, chịu khó học hỏi chị đã dần trở thành cộng tác viên của các báo Trung ương. Có những lần, chị thuê xe ôm vào tận chợ Bờ viết bài. Cả đi lẫn về mất 150.000 đồng tiền xe ôm, nhuận bút được 200.000 đồng, lợi nhuận bỏ ra không được bao nhiêu nhưng chị Thủy rất vui vì mình đã trở thành người có ích, giúp người dân đưa được tâm nguyện, bức xúc của mình đến với các cấp, ngành. Từ một người tật nguyền, với việc yêu thích nghề báo và luôn xác định mình là “gạch nối” giữa dân và chính quyền, hiện tại chị đã có thương hiệu thật sự. Để đáp ứng cho công việc của mình, chị đã thuê hẳn một người xe ôm với lương tháng được trả là 300.000 đồng Có việc gì, có thông tin gì, chỉ cần ới một cái là chị có thể lên đường. Với “thương hiệu”, với tín nhiệm mà người đọc dành cho, “hữu xạ tự nhiên hương”, hiện nay có bất cứ việc gì đã rất nhiều ngoắc máy gọi đến chị. Trao đổi, thấy làm được, không nề hà chị lại lên đường đến với họ ngay.

Còn rất nhiều hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam đẹp và ấn tượng hơn nữa. Khuôn khổ bài viết, tôi chỉ liệt kê được hai nhân vật này, tuy chưa là tất cả nhưng nó cũng đã có phần đầy đặn để khẳng định thêm những phẩm hạnh của phụ nữ Việt.

SONG NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh