THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

Trăn trở đời thường của “C gái” anh hùng

Thời chiến anh dũng…

Ngày 20 tháng 11 năm 1967, để bảo vệ vùng biển miền Bắc chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã đồng ý để Tỉnh đội Quảng Bình thành lập "Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy”. Ban đầu đơn vị gồm có 37 đồng chí với đa số chị em tuổi đời còn rất trẻ, từ khoảng 16 đến 22 tuổi. Đại đội được biên chế thành ba trung đội, một trung đội chỉ huy và hai trung đội trận địa.

Về vũ khí trang bị, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy có 4 khẩu pháo 85 ly nòng dài, 4 xe kéo pháo, máy móc đo đạc, thông tin, vô tuyến hữu tuyến, bàn đạc , súng bộ binh AK và CKC. Khi mới thành lập, chị Ngô Thị The làm Đại đội trưởng, chị Trần Thị Thản làm chính trị viên; Từ 1970 - 1976, chị Trần Thị Hoanh làm Đại đội trưởng, chị Ngô Thị Thới làm chính trị viên. Về sau, tổng quân “C gái” lên 91 chị em. Từ năm 1968- 1972, “C gái” đã 8 lần xuất kích, 5 lần bắn cháy tàu khu trục Mỹ xâm phạm vùng biển Ngư Thủy.

Các nữ pháo thủ Ngư Thủy giao lưu với các cơ quan, đơn vị.

 Chuyện chiến đấu của “C gái” là một thiên anh hùng ca vang dội. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thăm “C gái”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm tháng chiến tranh cũng đã về thăm và ăn cơm với chị em pháo thủ ngay ở trận địa. Nhiều lãnh tụ các nước, trong đó có Chủ tịch Phiden Catxtro (Cu Ba) đã về thăm “C gái”... Năm 1968, Bác Hồ đã thưởng huy hiệu của Người cho cho 37 nữ pháo thủ. Năm 1970, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho “C gái”.

Suốt 9 năm ròng, sau mỗi trận đánh là tàu chiến, máy bay Mỹ phản kích dữ dội. Xóm làng ngư thủy bị nhiều lần cháy sạch. Nhiều chị em trong “C gái” bị thương như Ngô Thị Mãi, Ngô Thị cái, Nguyễn Thị Bé… nhưng vẫn không rời trận địa (theo Lịch sử Đảng bộ Lệ Thủy, Thường vụ Lệ Thủy xuất bản, năm 2000). Các đạo diễn Lò Văn Minh, Lê Mạnh Thích đã làm nhiều phim tư liệu về “C gái” rất rất xúc động, gây tiếng vang lớn, giành nhiều giải thưởng trong nước và thế giới. 

Thời bình gặp nhiều khó khăn

Đất nước thống nhất, các nữ pháo thủ Ngư Thủy trở về cuộc sống đời thường với nỗi lo cơm, áo gạo tiền. Gặt hái chiến công vang dội trong chiến tranh, song những hy sinh của họ trong thời bình lại rất thầm lặng. Chia sẻ băn khoăn, nhiều người buông tiếng thở dài vì tới nay vẫn chưa được hưởng chế độ chỉ vì những vướng mắc về thủ tục, giấy tờ. Điều này khiến các chiến sĩ thuộc đại đội pháo binh hiện đại, chiến đấu nghiêm ngặt theo điều lệnh quân đội suốt 9 năm ròng, phải chịu nhiều thiệt thòi so với đồng đội ở các đơn vị khác.

Các cựu nữ pháo thủ kể rằng, họ từng bao lần động viên nhau rằng không nên so bì sự cống hiến, càng không thể tính toán thiệt hơn giữa sự đóng góp của một cá nhân, của một đơn vị với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến trong chiến tranh để nước nhà được thống nhất. Thế nhưng, cũng vì cuộc sống mưu sinh và quyền lợi chính đáng nên đã nhiều lần họ làm đơn lên huyện Lệ Thủy, để rồi nhận hồi âm rằng: “Vì là dân quân, nên không có chế độ”. Bao năm dắt nhau lên tỉnh hỏi, câu trả lời cũng vẫn bởi “Là dan quân…”.

Tác giả bên Tượng đài  Nữ pháo binh Ngư Thủy. 

Tuổi trẻ hy sinh tuổi thanh xuân, nhiều chị mải chiến đấu, khi quá lứa  không lấy được chồng, phải kiếm đứa con rồi ở vậy nuôi con. Nhiều chị may mắn khi có được mái ấm gia đình, nay đã được làm bà nội, bà ngoại. Song, dù sống đơn côi hay vui vầy bên con cháu thì đa phần các cựu nữ pháo thủ Ngư Thủy vẫn có cuộc sống khó khăn, nhiều người còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Nhiều khó khăn và lắm trăn trở, nước mắt bao lần tuôn chảy khi họ mơ về một ngày kia được hưởng chế độ để có thêm nguồn tiền trang trải cuộc sống. Buồn ! Đó là cảm nhận chung, nhưng thẳm sâu trong niềm vui tuổi già của các cựu nữ pháo thủ vẫn là hình ảnh về thiên anh hùng ca một thời trên trận địa pháo. Cho đến nay, dù vẫn chịu thiệt thòi và đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, song mỗi khi nhớ đến những năm tháng hào hùng ấy là các nữ pháo thủ Ngư Thủy năm xưa lại thấy ấm lòng…

Vẫn còn thấy ấm lòng, bởi trong những năm qua, “C gái” anh hùng đã được sự động viên của  nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong nước, như Cty Điện Lực 3, Nhà máy may Việt Tiến, Đài Tuyền hình Việt Nam (VTV)… Với các thành viên trong “C gái” năm xưa, dù sự quan quâm của cộng đồng là những món quà như ti vi, quần áo, chăn màn hay chuyến đi tham quan, nghỉ dưỡng… thì đều mang ý nghĩa động viên, khích lệ lớn lao. Tỉnh Quảng Bình cũng đã xây dựng ở xã Ngư Thủy Trung tượng đài Nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Nhiều báo chí trong nước đã viết rất nhiều bài, phóng sự về “C gái”. Đảng và Nhà nước cũng chú trọng nêu gương nhiều đơn vị anh hùng, trong đó có “C gái” để tuyên truyền về chí khí anh hùng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. 

Người viết bài này là nhà văn, nhà báo quê ở xã Ngư Thủy Trung, là bạn bè, anh em, bà con thân thuộc với các cựu nữ pháo thủ: Ngô Thị The, Ngô Thị Thản, Ngô Thị Thới, Ngô Thị Ngự, Tràn Thị Xử, Ngô Thị Khá, Ngô Thị Khiêu… Đặc biệt, chị Ngô Thị Cái- một trung đội trưởng trong “C gái” còn là chị dâu của tôi, thế nên mọi cảm nhận vui buồn của các chị tôi đều thấu hiểu và cảm thông.

Thiết nghĩ, chính sách chế độ là do Nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ chứ không phải là cái vĩnh viễn. Tùy từng giai đoạn phát triển, nội dung nào chưa phù hợp thì điều chỉnh, cái gì phát sinh có lý, có tình thì bổ sung. Thế nên, từ thực tế nêu trên, tôi thiết tha mong các ngành, cơ quan chức năng và địa phương cùng phối hợp phản ánh, có kiến nghị với Nhà nước, bằng cơ chế nào đó để bổ sung chế độ cho những “chiến sĩ dân quân du kích có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến  đấu chống M”, bảo đảm quyền lợi cho các cựu dân quân và đồng đội của họ, trong đó có các chiến sĩ trong “C gái” anh hùng- những người đã hy sinh tuổi thanh xuân để chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Nhà thơ Ngô Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh