Những bí ẩn ở “đập nước nuốt người”
- Dược liệu
- 23:44 - 29/12/2014
Đã có hơn chục người chết
Vượt quãng đường hàng chục cây số đầy gian khó, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến con đập thủy lợi làng Pheo. Khoảng vài năm về trước, đây là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, là địa điểm đánh bắt cá của người dân lân cận. Đầu năm 1996, tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng tại huyện miền núi Ngọc Lặc con đập thủy lợi trên dòng sông Cầu Chày.
Toàn cảnh đập nước được cho là “đập nuốt người”.
Cụ Trịnh Đình Máy, người dân làng Pheo cho biết: Quá trình xây đập này, nhà thầu rất vất vả trong việc đặt địa điểm chặn dòng tràn. Đập làng Pheo đi vào hoạt động góp phần cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha hoa màu dọc hạ lưu con sông Cầu Chày. Trước kia, người dân trong vùng thường đến đập tràn thả lưới bắt cá, tắm giặt, lấy nước về sinh hoạt, đã có không ít trường hợp “một đi không trở lại” do sẩy chân trượt xuống dòng nước bỏ mạng dưới luồng hút sâu thẳm dữ tợn.
Những cái chết dưới thân đập ngày càng nhiều, khiến người dân vô cùng hoảng sợ, đồn đại rằng “giữa khu vực đập tràn có ma, thuồng luồng chuyên nuốt người...”. Và oan hồn người chết trôi, chết dạt tụ về luồng hút, linh hồn không được siêu thoát cứ vẩn vơ quanh đập, cạnh dãy núi Bồng Bông linh thiêng.
Một số người khác lại cho rằng, quá trình xây đập chưa tính toán kỹ nên các luồng nước hỗn hợp tạo nên “vòng xoáy bí hiểm” người rơi xuống bơi giỏi đến mấy cũng khó mà thoát. Ngay cả anh Trịnh Đình Thưởng, người dân làng Đệch, xã Ngọc Trung hành nghề chài lưới lâu năm được mệnh danh là “rái cá”, cũng bỏ mạng tại đây.
Để hiểu rõ hơn về những cái chết oan bên con đập thơ mộng, chúng tôi tìm đến nhà bà Bùi Thị Huê, trưởng làng Pheo. Sau một lát tính nhẩm, bà Huê xác nhận từ khi có con đập đã hơn chục mạng người chết bởi luồng hút xoáy, những người bỏ mạng có đủ thành phần, già, trẻ, gái trai đủ cả. Năm 2003 một người lính đơn vị T253 đóng trên địa bàn, đi công tác về chủ quan cho là mình biết bơi, khi qua giữa thân đập tràn trượt chân và bị “con thuồng luồng” nuốt chửng.
Giải mã những cái chết thương tâm
Càng nhiều cái chết oan khuất thì lại càng nhiều tin đồn rùng rợn về “đập nuốt người”, “thuồng luồng nuốt người....” được dựng lên. Có người còn khẳng định đã từng thấy “bóng ma phảng phất” quanh dãy núi Bồng Bông, lẩn khuất nơi này và chỉ chực chờ người trần đến gần, sẽ quyến dụ “kéo” chân họ rơi xuống nước “thế mạng” cho mình. Sở dĩ, lời đồn trên hình thành là bởi người dân chưa thể giải thích tại sao có quá nhiều cái chết tại đập thủy lợi làng Pheo.
Bà Phạm Thị Bằng, một người dân sống lâu năm gần đập không tin có chuyện ma quỷ ám. Chuyện đập thủy lợi làng Pheo “nuốt người” hay dưới đập có “ma thuồng luồng” cũng là cách để người dân quanh đây hù dọa con trẻ, nhằm ngăn chúng đến đập. Bởi năm nào cũng có trẻ nhỏ chết ở đó, nên việc họ bịa chuyện để dọa tụi nhỏ thôi mà.
Đập cũng là nơi mưu sinh của người dân trong vùng.
Theo quan sát của chúng tôi, chiều dài con đập chắn ngang con sông Cầu Chày khoảng hai trăm mét, sâu chừng 5m, hai bên đập sừng sững hai ngọn núi (núi Bồng Bông) dưới có rất nhiều dốc đá lởm chởm, cheo leo, nhọn hoắt... bất cẩn vấp phải đá là rơi xuống lòng sông.
Ông Phạm Văn Thắng, người thường xuyên đánh cá quanh đập lý giải, do ngại bơi qua sông làm nương rẫy, bà con nhiều người leo qua thân đập cho nhanh, sơ suất bị trượt chân rơi xuống sông. Do vậy, khi đi trên đập nếu thấy dấu hiệu chân không bám dính, lập tức đi dép ngay, nếu không dễ bị cuốn theo dòng nước chảy. Đây cũng là nguyên do khiến người dân đồn đại về những “xoáy nước bí ẩn” nuốt chửng người ở giữa đập nước.
Do địa thế đập nước nguy hiểm, nên ngoài rào chắn, biển báo, chính quyền địa phương còn tăng cường thêm người tham gia túc trực ứng cứu khi có tai nạn...Nguyên nhân của những cái chết oan uổng tại đập thủy lợi làng Pheo đã được lý giải cặn kẽ, nhưng lời đồn về “đập nuốt người, đập tử thần, xoáy nước nuốt người...” vẫn huyền bí, càng kích thích sự tò mò của người dân tìm đến, liều mạng nhảy xuống tắm, bơi thi để rồi bỏ mạng dưới lòng sông hung dữ.