Vào nơi có nhiều người... tâm thần
- Dược liệu
- 15:54 - 29/12/2014
Những hình nhân dặt dẹo bên đường
Văn Ông là thôn có số người tâm thần khá cao, trong đó hơn mười người đã có hồ sơ bệnh án, còn những người có bệnh nhưng chưa có hồ sơ bệnh án thì chưa xác định được. Có gia đình trong nhà có tới 2 đến 3 người mắc bệnh tâm thần. Khổ nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Đích có tới 3 người con bị tâm thần, trong đó có hai người con đã chết khi phát bệnh. Còn cậu con trai Nguyễn Dương Mười, năm nay ngoài 20 tuổi cũng mới phát bệnh và đang nằm điều trị tại bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Hội, vợ trưởng thôn Văn Ông bị tâm thần hơn 20 năm nay
Tôi tìm đến những gia đình không may có người mắc bệnh tâm thần ở Văn Ông, gặp những bệnh nhân đáng thương ấy, tôi có cảm giác sợ khi ánh mắt họ không ngừng xoáy sâu vào người đối diện. Như ông Nguyễn Đình Quý, 50 tuổi là một điển hình. Ông Quý bị tâm thần khá nặng.
Bất kể chỗ nào có đám cưới, đám ma, làm nhà, bốc mả ở làng trên xóm dưới ông Quý đều “đánh hơi” thấy, thậm chí có mặt từ rất sớm. Và thật phiền toái cho những gia đình có đám nếu “Quý hâm” xuất hiện, dọn mâm ra khách chưa kịp ngồi là vị khách không mời mà đến này đã ngồi chễm chệ trong mâm. Ăn uống thì khỏi phải nói, quần áo tả tơi, da dẻ lúc nào cũng ướt nhẹp, trơn và hôi hám.
Vợ ông Quý cũng biết điều đó nhưng bà chậc lưỡi cho rằng: “Chẳng có cách nào, nếu như cứ ở nhà trông chồng thì cả nhà chết đói, đành ngậm ngùi nai lưng gánh gạch thuê, hoặc ai thuê gì làm nấy những mong kiếm được ngày vài chục nghìn để lo cho cuộc sống của con của cái”.
Trước đây ông Quý là công nhân ở Cty sông Đà, nhưng không hiểu sao ông lại mắc bệnh tâm thần. Có người bảo ông bị bùa chài khi đi công tác ở miền núi Sơn La, có người độc miệng lại bảo do kiếp trước ăn ở chẳng ra gì.
Ông Nguyễn Thế Khánh đang tâm sự về những lúc lên cơn của con trai mình
Và cũng rất khó hiểu với trường hợp của anh Nguyễn Thế Khanh. Ông Nguyễn Thế Khánh, bố đẻ Khanh cho biết: Từ nhỏ, Khanh tỏ ra là một người khỏe mạnh, thông minh, tháo vát. Đến tuổi trưởng thành, Khanh lên đường nhập ngũ.
Hết nghĩa vụ, Khanh trở về làng làm kinh tế, nhưng chỉ được 3 tháng, Khanh bắt đầu có những biểu hiện lạ, nói năng luyên thuyên, cáu gắt, đập phá rồi lang thang khắp nơi, bệnh của Khanh đã kéo dài gần chục năm nay. Hoặc như vợ trưởng thôn Văn Ông, bà Nguyễn Thị Hội cũng bị tâm thần hơn 20 năm nay chạy chữa nhiều nơi những vẫn chưa khỏi.
Theo ông Đặng Văn Năm, Trưởng thôn Đông Dương, thôn Đông Dương có 17 trường hợp bị tâm thần có hồ sơ bệnh án chiếm tỉ lệ cao nhất xã Tảo Dương Văn. Còn những đối tượng ngất ngất, ngây ngây, cả ngày ra ngóng vào trông rồi “nhặt lá đá ống bơ”, chửi bới ầm ĩ, nhìn qua là biết không bình thường cũng không phải là ít.
Số người bị tâm thần ở thôn không ngừng tăng, nhưng nguyên do từ đâu thì không ai trả lời được? Giải đáp những hiện tượng bất thường này, Trưởng thôn Đặng Văn Năm giãi bày: “Cuộc sống gia đình họ cơ cực lắm! Ở cái xóm nhỏ tí tẹo mà người điên khá nhiều. Già có, trẻ có, trung trung tuổi cũng có.
Nguyên nhân chính là do ngày xưa cha mẹ đi bộ đội, thanh niên xung phong, có lẽ do nhiễm chất độc da cam. Còn một số trường hợp thì chúng tôi không được rõ nguyên nhân”.
Bác sỹ Nguyễn Huy Phú với đống hồ sơ bệnh án về người tâm thần trên địa bàn huyện
Có lẽ do bất lực với nguyên nhân dẫn tới nhiều người bị tâm thần nên bà lão ngoài 70 tuổi bán nước ở giữa làng lý giải: “Tôi không biết thế nào chứ theo tâm linh là do trước đây dân phá cổng đình nên thần linh quở trách và trừng phạt. Bà con chúng tôi cũng đã hối lỗi và làm lại cổng, sắm lễ cúng tế hẳn hoi rồi mà người tâm thần cũng không chịu khỏi, xem ra thần còn trách...”.
Nỗi lo người tâm thần gây án
Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây không lâu, tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cách Tảo Dương Văn không xa đã xảy ra một vụ giết người mà hung thủ là một người tâm thần. Vụ án đau lòng xảy ra khi chiều hôm đó, người nhà đưa bệnh nhân lên bệnh viện tâm thần khám, bác sĩ thấy bệnh nặng, khuyên gia đình nên để bệnh nhân ở lại điều trị, nhưng gia đình không đồng ý. Sau khi về đến nhà được một lúc, người bệnh lên cơn và cầm dao chém chết vợ mình.
Có lẽ, đáng buồn và thương tâm hơn cả là vụ giết vợ cùng hai con trai tại huyện Ứng Hòa cách đây vài năm mà nguyên do là bệnh thần kinh tái phát. Nói xa hơn như các vụ giết người mà hung thủ là người bị tâm thần như một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Bắc Giang,... đều có cả. Nhưng làm gì để ngăn chặn người tâm thần gây án đó lại là việc làm và là câu hỏi cần phải được các cấp, các ngành chức năng quan tâm đặc biệt.
Như trường hợp của ông Quý, tối ông ta đến miếu làng ngủ, nhưng để được ăn nhiều, ăn no, ông ta đâu cần biết xung quanh có ai, có khi chống trả lại ai đụng đến miếng ăn của mình. Hoặc như anh Khanh cũng rất nguy hiểm, vì sao bố anh phải khóa tất cả các loại xe trong nhà, đặc biệt là xe máy. Ông Khánh cho biết: “Nó vớ được xe là nó phóng như tên bắn ngoài đường, ai không biết ý, không cẩn thận là nó đâm luôn. Khi đó trách ai, trách sao khi mà thằng điên làm nên tội?”
Trả lời câu hỏi của tôi về các vụ người tâm thần gây án ở địa phương, ông Nguyễn Đình Ngọc, Trưởng thôn Văn Ông bảo: “Có chứ. Tránh sao được. Gây hậu quả nghiêm trọng tức là gây án nặng thì chưa xảy ra. Còn chuyện đánh đập, chửi bới người nhà thì diễn ra như cơm bữa. Phát bệnh lên, vớ được gì là đập, vớ được gì là phá, thấy ai cũng chửi, thấy ai cũng mắng. Rồi cắn xé, cào cấu,... người tâm thần mà”.
Thân nhân người bị tâm thần đang chờ lấy thuốc chữa tâm thần tại trạm y tế
Chẳng giấu giếm ngay trường hợp của vợ mình bị phát bệnh tâm thần, ông Ngọc ứa nước mắt: “ Vợ tôi cứ mỗi lần lên cơn là bà ấy gây gổ, lúc ấy lại phải tìm cách trói lại, khiêng lên xe đưa lên viện. Nhiều lúc bà ấy lang thang ra đường, đi mua hàng hóa chịu. Không bán thì bà ấy đứng đó chửi bới buộc người ta phải bán. Mua rồi bà ấy lại mang ra đường gặp ai cũng cho. Có hôm, bà ấy tỉnh, để bà ấy ở nhà một lúc, thấy có người mua chó, bà ấy gọi luôn người ta vào bán, bán xong cầm tiền đi mua đồ rồi lại cho người khác”.
Thực tế ở Tảo Dương Văn vẫn còn nhiều điều trăn trở khác mà các cơ quan, ban ngành địa phương đang phải tìm cách khắc phục. Theo bác sĩ Nguyễn Hải Phong, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tảo Dương Văn, số người tâm thần đang phải điều trị lấy thuốc hàng tháng ở trạm xá là 28 bệnh nhân.
Còn những trường hợp bị bệnh nhưng chưa có hồ sơ bệnh án chưa thống kê được. Bởi, thứ nhất là họ giấu bệnh, không muốn cho ai biết con, cháu, anh, em mình bị bệnh. Thứ hai là không có điều kiện đi chữa bệnh, không có hồ sơ bệnh án.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hải Phong, do nhiều người mắc bệnh nên ở xã không ít câu chuyện tâm linh được đồn đoán, dẫn đến nhiều người góp tiền tu bổ chùa chiền, cúng bái... với hy vọng cuộc sống mỗi ngày tốt hơn.
Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Phú, Trưởng khoa Tâm thần – Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa, tỉ lệ người bị bệnh tâm thần ở Tảo Dương Văn là trung bình so với tỉ lệ toàn huyện, nhiều xã có tỉ lệ người bệnh còn cao hơn, thậm chí có xã lên tới hơn 100 bệnh nhân. Ở Ứng Hòa có tới trên 870 bệnh nhân tâm thần, chủ yếu ở Vân Đình, Phương Tú, Tảo Dương Văn. Về nguyên nhân phát bệnh thì có nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố di truyền, các yếu tố stress, yếu tố mất cân bằng sinh hoá. * Bệnh tâm thần phân liệt (dân gian còn gọi là bệnh điên) là một bệnh lý của não. Hiện nay đây là căn bệnh khá phổ biến trên thế giới và ở nước ta với tỉ lệ 0,3 - 1% dân số. Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời và hợp lí. |