THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:40

Những bà mẹ "bất đắc dĩ" phá thai

Lần gần nhất Vân quan hệ tình dục là vào 3 tuần trước, không sử dụng bao cao su, có uống thuốc tránh thai ngay vào sáng hôm sau. Mặt hốt hoảng tái xanh, miệng mếu máo không thành tiếng, chân tay run rẩy, Vân lấy chiếc điện thoại, cầm lên đặt xuống nhiều lần, muốn gọi cho bạn trai nhưng không dám.

Dung 17 tuổi ở Yên Bái lo sợ và che giấu khi biết mình mang thai. Người bạn trai quen qua mạng đã biệt tích từ tuần trước, Dung không cách nào liên lạc. Em không dám nói với bố mẹ bởi: "Nếu bố mẹ biết, họ sẽ đuổi em ra khỏi nhà", Dung nói.

Những cô gái trẻ như Vân và Dung không hiếm. Họ mang thai ngoài ý muốn, loay hoay với một tương lai bất định không biết phải làm gì, và cuối cùng phá thai. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, tỷ số phá thai năm 2018 là 0,14; tức là cứ 100 trẻ sinh sống thì có 14 thai bị phá. Tỷ lệ này đã giảm 50% so năm 2010.

Bệnh viện phụ sản Trung ương là một trong những bệnh viện có số ca lớn hàng đầu cả nước. Một năm khoảng 5.000 ca, trong đó có đến 20% ở tuổi vị thành niên.

Bác sĩ Vũ Ngân Hà, Phó trưởng khoa Phụ ngoại bệnh viện, cho biết: "Có những em đã phải trở thành bà mẹ 'bất đắc dĩ' khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai hai lần".

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai, trong đó, việc thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính, không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả là nguyên nhân hàng đầu.

Trong trường hợp của Vân, cả hai vừa bước vào đại học và mới yêu nhau được 2 tháng. "Em không biết phản ứng của bạn ấy sẽ thế nào khi biết tin", Vân nói. Chần chừ, cuối cùng cô gái cũng lấy hết can đảm gọi điện thông báo. Cuộc nói chuyện diễn ra chưa đầy 5 phút, Vân cúp điện thoại, gục mặt xuống, khóc. Với lý do cả hai còn quá trẻ, không ổn định về kinh tế, lại chưa có nhiều tình cảm, người bạn trai khi nghe tin không suy nghĩ nhiều mà lập tức khuyên Vân đến viện "giải quyết" luôn. Anh ta khẳng định nếu không làm thế thì Vân sẽ phải sinh và nuôi con một mình chứ không có đám cưới nào diễn ra hết.

"Nếu em giữ lại đứa bé, phải bảo lưu kết quả học tập, một mình bụng mang dạ chửa về quê khi mới đôi mươi khiến hàng xóm dị nghị, bố mẹ ê chề... em không dám nghĩ", Vân hình dung. "Kể cả chúng em có cưới nhau thì lấy gì nuôi đứa bé?". Vân thấy không còn cách nào khác. Hai hôm sau, khi vay được tiền, cả hai xin nghỉ học, âm thầm đến bệnh viện.

"Đó là lần đầu tiên. Em bị ám ảnh đến giờ", Vân kể.

Ở tuổi dưới 18, tử cung các bé gái chưa hoàn thiện, khi nạo phá thai, nguy cơ trước mắt là gây đụng giập, thủng tử cung, chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ Hà cho biết. Về lâu dài thì gây viêm nhiễm, gây viêm dính toàn bộ vùng niêm mạc tử cung gây viêm ngược lên ổ bụng, viêm vùng tiểu khung, viêm buồng trứng, vòi trứng, khiến các em nhẹ thì đau đớn mỗi khi hành kinh, hoặc nặng hơn là sẽ vô sinh và vĩnh viễn không thể có thai.

Dung suýt mất mạng vì cái thai ngoài ý muốn. Bạn trai biệt tích, cô gái không biết làm gì, cứ mặc vậy cho thai lớn lên. Bụng ngày một to ra, em  lấy khăn nịt bụng để giấu. Rồi sau hai tuần nghĩ ngợi Dung quyết định tự đi mua thuốc phá thai về nhà uống.

Người nhà kể lại ngày thấy con gái nằm trong nhà vệ sinh, máu chảy ồ ạt, cả bố lẫn mẹ bàng hoàng, hoảng hốt gọi xe đưa đến viện cấp cứu.

Bác sĩ cho biết, do thai quá to, không thể can thiệp bằng phương pháp nội khoa, song Dung lại tự động sử dụng thuốc không có sự chỉ dẫn của bác sĩ nên bị vỡ tử cung. Dung phải cắt bỏ tử cung, không có khả năng sinh sản sau này.

Những bà mẹ "bất đắc dĩ" phá thai - Ảnh 1.

Một bác sĩ nắm tay bệnh nhân trong khi cô đang chuẩn bị phá thai tại phòng khám. Ảnh: BBC

Một trong những nguyên nhân nữa, theo bác sĩ Hà, nhiều bậc cha mẹ vẫn ngại chia sẻ kiến thức giới tính và cách phòng tránh thai cho con, phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn.

Hiện nay có tới hơn 83% vị thành niên không sử dụng biện pháp tránh thai. Với tâm lý lo sợ và che giấu nên trẻ vị thành niên thường quyết định bỏ thai muộn khi tuổi thai đã trên 18 tuần tuổi, khi đó sẽ không chỉ định can thiệp nội khoa nữa mà sẽ phải tiến hành các thủ thuật nong, gắp, nạo... Khi tuổi thai càng to thì mức độ can thiệp thô bạo càng tăng lên, đồng nghĩa với việc tử cung càng tổn thương nhiều hơn.

Phá thai bằng thuốc có nhiều ưu điểm do không phải dùng thủ thuật can thiệp, song phương pháp này được chỉ định với tuổi thai dưới 7 tuần và cần theo dõi sát sao. "Nếu các em tự ý mua thuốc về ngậm sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ nói. Việc phá thai nội khoa phải được siêu âm cẩn thận trước khi dùng thuốc vì rất nhiều trường hợp thai làm tổ bất thường như chửa ngoài tử cung, chửa tại vết mổ tử cung, chửa ở ống cổ tử cung.

Ở nước ta, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh khoảng 20-25%, trong đó 10% là do nam giới. Nữ giới đa phần do viêm nhiễm, viêm dính vùng tử cung, tắc vòi trứng, tổn thương niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung... Hậu quả này phần lớn do phá thai và tình dục không an toàn.

Những bà mẹ "bất đắc dĩ" phá thai - Ảnh 2.

Phá thai bằng thuốc chỉ áp dụng với thai dưới 7 tuần tuổi. Nếu thai quá lớn, dùng thuốc sẽ gây nguy hiểm. Ảnh: Trendolizer

Không được khuyến cáo đầy đủ, vị thành niên ít dùng biện pháp tránh thai dù phương tiện sẵn có. Kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam do Bộ Y tế cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố tháng 5/2019 tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67%. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ cũng đã giảm.

Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể, vẫn còn rất nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Khoảng 214 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển còn thiếu các phương tiện tránh thai an toàn và hiệu quả. Việc đáp ứng nhu cầu các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại sẽ cứu sống được gần 67 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm được 1/3 số ca tử vong mẹ hàng năm, giảm khoảng 100.000 ca trong số 303.000 ca chết toàn cầu một năm.

Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ vị thành niên, trước hết, cần được giáo dục lối sống lành mạnh, tự biết cách bảo vệ bản thân và cần được trang bị một phông nền kiến thức về sức khỏe sinh sản. Gia đình cần quan tâm đến con cái nhiều hơn để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Với Vân, sau lần phá thai nội khoa, cô may mắn có sức khỏe ổn định trở lại, kinh nguyệt đều hàng tháng. Vân nhờ các bác sĩ tư vấn về phương pháp tránh thai an toàn để có thể áp dụng cho bản thân.

* Tên nhân vật được thay đổi.

Theo THÚY QUỲNH/Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh