THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:14

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc và nạo phá thai chui 'làm nóng' kỳ họp HĐND TP.HCM

Phiên chất vấn sáng 6/12, HĐND TPHCM.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bức xúc với thực trạng các phòng khám có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động rất lộn xộn ở thành phố. Theo bà Trâm, có phòng khám sử dụng người tư vấn cho bệnh nhân không phải là bác sĩ mà chỉ là sinh viên thực tập. 

Cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại một cơ sở khám bệnh có bác sĩ Trung Quốc

Mặc dù dư luận đã lên tiếng từ lâu, nhưng các phòng khám Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động bát nháo, quảng cáo công khai, gạt gẫm bệnh nhân, thậm chí gạ gẫm phá thai dù thai đã lớn, lừa gạt người bệnh trong siêu âm, chẩn đoán, thu giá dịch vụ cao hơn giá niêm yết…

"Vì sao các phòng khám này tiếp tục hoạt động bát nháo, gạ gẫm bệnh nhân? Trách nhiệm quản lý các phòng khám, nhất là với những phòng khám sai phạm là ai? Sở Y tế sắp tới có những giải pháp nào để chấn chỉnh", bà Trâm đặt hàng loạt câu hỏi.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố hiện có 94 cơ sở phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó 12 phòng khám Trung Quốc. Nhìn chung, hoạt động của các phòng khám này tốt, phù hợp điều kiện những người có thu nhập cao, góp phần xã hội hóa lĩnh vực y tế. 

"Những sai phạm tại phòng khám nước ngoài vừa qua lại tập trung vào các phòng khám Trung Quốc, gây bức xúc cho người dân", ông Bỉnh nói.

Công an làm việc với một bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề tại TP.HCM

Về các hình thức lừa gạt bệnh nhân, ông Nguyễn Tấn Bỉnh dẫn chứng: "Họ cho bệnh nhân coi hình như đang làm nội soi, đang chiếu vô khối u bàng quang, nhưng thực ra không phải khối u của bệnh nhân, rồi đưa ra chỉ định làm, xong rồi tính tiền". Để phát hiện được chiêu thức lừa gạt này, theo ông Bỉnh, đoàn kiểm tra của sở phải mời chuyên gia nội soi của bệnh viện đi kiểm tra cùng mới phát hiện được.

Ông Bỉnh cho biết Sở Y tế đã 24 lần kiểm tra các phòng khám Trung Quốc bị tố giác hoặc có dấu hiệu sai phạm. Kết quả, Sở đánh giá chỉ một phòng khám đạt 2,5 trên 5 điểm, số còn lại điểm chất lượng rất thấp. Sở đã đình chỉ 3 cơ sở, xử phạt 39 trường hợp với hơn 1,2 tỷ đồng. 

Qua kiểm tra các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, hầu hết đều vi phạm với các hành vi: không lập hồ sơ bệnh án, không lập sổ khám bệnh theo quy định hoặc có lập nhưng không ghi chép đầy đủ.

Thậm chí nhiều bác sĩ Việt Nam tiếp tay cho những sai phạm của phòng khám Trung Quốc. Điển hình là bác sĩ người Việt đứng tên trong giấy phép nhưng lực lượng kiểm tra chỉ thấy bác sĩ Trung Quốc khám.

"Hành vi tiếp tay cho phòng khám Trung Quốc của các bác sĩ Việt Nam là không chấp nhận được", ông Bỉnh nói. Năm 2018 Sở Y tế đã đã đưa ra mức xử lý cao nhất là rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Việt Nam nếu tiếp tay cho sai phạm cho phòng khám Trung Quốc, thậm chí đóng cửa phòng khám.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định đối với các bác sĩ đăng ký chữa bệnh tại các phòng khám Trung Quốc, nếu kiểm tra mà không có bác sĩ khám bệnh sẽ rút giấy phép hành nghề. “Đối với các phòng khám sau thời gian đình chỉ, muốn hoạt động trở lại thì phải thông qua thẩm định của hội đồng chuyên môn, đủ điều kiện hoạt động thì mới cho mở lại”, ông Bỉnh nói.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế cho biết Sở này cũng phối hợp Công an TP.HCM để xử lý những trường hợp thuộc thẩm quyền.

Về vấn đề này, báo LĐ&XH đã từng có bài phản ánh một cách khá cụ thể, có nêu rõ địa chỉ cùng những hành vi vi phạm cả chuyên môn lẫn y đức, gây rủi ro cho bệnh nhân, đặc biệt là nhóm bệnh nhân nhập cư hiện đang làm công nhân ở các KCX-KCN ở TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh