Cần chế tài mạnh để chặn vấn nạn nạo phá thai chui
- Y học 360
- 19:21 - 12/10/2015
Hạn chế lựa chọn giới tính nhưng lại tăng phá thai chui
Điều 19 dự thảo Luật Dân số quy định về điều kiện phá thai. Trong đó, phương án 1 quy định được phá thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người phá thai. Với tuổi thai trên 12 tuần, chỉ được phá khi mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; Do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; Do loạn luân; Do bị hiếp dâm; Người chưa thành niên, người chưa kết hôn; Có bằng chứng nguy cơ đứa trẻ sinh ra có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường. Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện nay, được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.
Xung quanh 2 đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết, hiện đang có nhiều luồng ý kiến. Quy định về điều kiện phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên sẽ góp phần hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi hiện nay và hạn chế tình trạng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, quy định này sẽ hạn chế một phần quyền sinh sản của cá nhân, nhất là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và có thể làm gia tăng tình trạng phá thai chui, không an toàn. Còn nếu giữ nguyên quy định như hiện nay là phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thì dễ dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục DSKHHGĐ) cũng lo lắng, các đối tượng có thai trên 12 tuần bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, vô sinh, thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, giới bác sĩ sản khoa lại lên tiếng, ủng hộ việc siết chặt quy định phá thai nhằm hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ bởi phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, thủng tử cung vì thai lớn, các bộ phận thai đã hình thành như chân tay, mắt mũi, bác sỹ phải can thiệp nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật...
GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em bày tỏ băn khoăn về những quy định điều kiện phá thai trên 12 tuần tuổi, đặc biệt phải chứng minh do loạn luân hay hiếp dâm. Đây là thủ tục nhạy cảm và chứng minh không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thời gian, khi thủ tục xong có thể thai đã quá lớn. Bên cạnh đó, với quy định không được phá thai trên 12 tuần tuổi vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi cũng rất khó cho cơ quan quản lý khi xác định phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính hay không. Do vậy trước khi đưa ra một thay đổi về chính sách, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hết sức kỹ càng, tránh gây khó cho người dân và bản thân cơ quan thực hiện.
Thiếu sót trong việc giáo dục giới tính cho học sinh
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, điều thiếu sót là hiện nay Việt Nam chưa chú trọng đến việc giảng dạy sinh học, giới tính ở các trường phổ thông. Phải để cho học sinh có thời gian học sinh học một cách đầy đủ, trong đó chuyện sinh sản, chuyện giới tính để học sinh giác ngộ.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng trăn trở về việc hiện nay tình trạng tiết lộ giới tính thai nhi là rất phổ biến. Đã có nhiều biện pháp được đề ra nhưng ở các phòng khám tư, người ta “né” bằng cách không nói là con trai hay con gái mà bằng các ám hiệu. Phải có biện pháp để không tiết lộ giới tính thai nhi ở các phòng khám tư nhân. Đó là các việc rất cụ thể mà phải được thể hiện trong Luật Dân số.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, một giải pháp có lợi trong việc hạn chế có thai ngoài ý muốn mà các nước hiện nay đều đang làm, nhưng ở nước ta nhiều người lại đang phản đối, đó là các nhà nghỉ, khách sạn đều có bao cao su trong ngăn kéo. Trẻ con hiện nay vào nhà nghỉ thoải mái, nếu như có phương tiện tránh thai như vậy sẽ hạn chế được tình trạng nạo phá thai tràn lan như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu giảm phá thai xuống mức tối thiểu và cơ bản loại trừ phá thai không an toàn, vấn đề trước hết phải tăng cường quản lý, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền đối với công tác dân số, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở nạo, phá thai trái phép.