Như Quỳnh từng bán cà phê để sống
- Văn hóa - Giải trí
- 16:17 - 11/01/2016
- Ở tuổi ngoài 60, Như Quỳnh vẫn miệt mài trên phim trường trong nhiều dạng nhân vật. Bà nghĩ gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?
- Tôi thấy mình là người vô cùng may mắn. Dù điện ảnh từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, tôi vẫn trụ lại được và còn đi diễn ở tuổi ngoài 60. Tôi cảm ơn cha mẹ vì cho tôi một gương mặt không đẹp lộng lẫy nhưng lại hợp với nhiều dạng vai. Nhiều đạo diễn nước ngoài hoặc Việt kiều về nước tìm diễn viên, họ cũng không tìm kiếm những vẻ đẹp lộng lẫy mà chú ý đến những gương mặt thuần Việt và tôi thường may mắn được chọn.
Tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng có vai diễn. Những năm cuối 1980 là thời kỳ điện ảnh Việt Nam khó khăn. Diễn viên không có việc làm do không có phim nào bấm máy. Chúng tôi được nghỉ việc tạm thời và nhận một phần nhỏ trong tổng số lương hàng tháng vẫn nhận. Như nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, tôi phải mở quán cà phê để có tiền duy trì sinh hoạt hàng ngày. Rồi giai đoạn đó cũng qua đi, chúng tôi trở lại với cuộc sống xa nhà thường xuyên để đóng phim. Ở tuổi này, nhiều bạn diễn cùng thời với tôi đã nghỉ hẳn hoặc hạn chế xuất hiện. Tôi thấy mừng vì mình vẫn còn được mời nhiều vai diễn điện ảnh.
Như Quỳnh năm 20 tuổi trong phim "Đến hẹn lại lên".
- Cảm giác của bà thế nào khi đang là một diễn viên nổi tiếng chuyển sang bán hàng quán?
- Thế hệ chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên quen với những chuyện như vậy mà không hề buồn hay chán nản. Không chỉ riêng tôi, nhiều diễn viên thời kỳ đó cũng xoay đủ nghề để sinh sống như trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới... Bán cà phê thu nhập cao hơn nhiều so với đóng phim. Nhờ đó mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định ở thời kỳ điện ảnh nước nhà lao đao.
Cũng nhờ mở quán mà tôi biết được hiệu ứng của khán giả dành cho những vai diễn của mình. Nhiều khán giả, đặc biệt là người nước ngoài, sau khi xem xong phim có tôi đóng, họ đến quán để được gặp và trò chuyện cùng diễn viên. Họ cho tôi nhiều nhận xét, cả tích cực và tiêu cực. Nhờ vậy mà tôi biết được nhu cầu của khán giả để hoàn thiện mỗi vai diễn.
Mở quán vừa có tiền, vừa được giao lưu với khán giả, tôi thấy vui và hạnh phúc chứ không hề xấu hổ hay ngượng ngùng. Một vài năm đầu, chính tôi còn trực tiếp đứng quán, pha chế, bưng bê phục vụ. Sau này, tôi không có thời gian do thường xuyên đi đóng phim nên phải mượn người trông quán. Nhiều năm sau, khi cả gia đình chuyển về sinh sống bên nội, tôi mới đóng cửa quán.
Tạo hình khác lạ của Như Quỳnh trong phim "Lời nguyền huyết ngải" năm 2012.
- Khi bị cuốn vào việc buôn bán, bà quan tâm thế nào với điện ảnh?
- Tất nhiên tôi nhớ nghề ghê gớm. Xem lại những bộ phim mình đóng hoặc xem bất cứ bộ phim nào, tôi đều hình dung nếu là mình, trong hoàn cảnh này, tình huống này, mình sẽ xử lý thế nào, diễn ra sao. Cũng may nỗi nhớ nghề nguôi ngoai phần nào nhờ được giao lưu, chia sẻ với những khán giả, đồng nghiệp khi họ đến quán của tôi. Tôi vốn xuất phát từ diễn viên cải lương nhưng quả thật đam mê cải lương không lớn bằng phim ảnh. Khi tôi chuyển qua đóng phim, tôi cũng không nhớ sân khấu cải lương, khác hẳn cảm giác đau đáu với phim ảnh khi phải tạm thời nghỉ diễn.
- Bà lý giải vì sao không mặn mà với cải lương bằng phim ảnh dù sinh trong gia đình có truyền thống ca cổ?
- Có lẽ tài năng ca cổ của tôi chưa thật sự xuất sắc. Hơn nữa, khi đứng trên sân khấu cải lương hai năm, tôi đã tham gia đóng phim. Sau 5 năm thì tôi ngưng hẳn sân khấu. Chừng đó thời gian khiến đam mê chưa kịp ngấm vào máu nên chuyện tôi không có nhiều vương vấn cũng là điều dễ hiểu. Bên điện ảnh, tôi có đến hàng trăm vai, sướng có, khổ có, phúc hậu, độc ác đều có. Điện ảnh mới thật sự là nhân tố khơi gợi mạch cảm xúc và nhiệt huyết làm việc trong con người tôi.
Gia đình hạnh phúc của NSND Như Quỳnh.
- Làm việc với nhiều thế hệ đạo diễn và diễn viên, bà cảm nhận ra sao về cách làm phim hiện nay?
- Vào những năm 1970, 1980, điều kiện làm phim rất khó khăn. Quay một bộ phim điện ảnh phải mất cả năm trời, khâu hậu kỳ cũng gần một năm, qua các công đoạn xét duyệt phải sau hơn hai năm từ khi bấm máy, phim mới đến được với khán giả. Nhưng cũng vì vậy mà thế hệ chúng tôi có những vai diễn để đời. Bây giờ điều kiện làm phim tốt hơn rất nhiều. Máy móc nhiều, kỹ thuật nâng cao, diễn viên đa dạng như một vườn hoa nhiều màu. Nhờ vậy khán giả cũng thỏa sức lựa chọn.
Tuy nhiên, đó cũng là khó khăn với các diễn viên trẻ khi không có nhiều cơ hội bật lên để tỏa sáng. Có những diễn viên đóng rất nhiều phim, khán giả rất quen mặt nhưng nhắc đến một nhân vật điển hình của bạn đó, họ khó mà nhớ được. Có một điều đáng ghi nhận là những năm gần đây, nhiều nhà làm phim trẻ cố gắng đưa phim đến gần với khán giả nhờ sự chân thực, xúc động của câu chuyện cũng như bối cảnh và nhân vật trong phim. Đây là điều tôi cảm nhận được sau khi tham gia làm giám khảo một số giải thưởng.
- Ngoài làm giám khảo cho các giải thưởng điện ảnh, hoạt động nghệ thuật của bà trong năm 2016 ra sao?
- Năm nay đánh dấu một sự kiện rất trọng đại trong đời tôi. Chỉ một thời gian ngắn nữa tôi được lên chức bà ngoại. Điều này khiến tôi rất hồi hộp và lo lắng. Khi tôi sinh con, tôi cũng không lo lắng như bây giờ. Có lẽ do cuộc sống hiện tại có quá nhiều bất ổn khiến việc một đứa trẻ ra đời làm cho nhiều người lớn phải chú ý. Ngoài ra, nếu mọi việc thuận lợi, tôi sẽ tham gia dự án điện ảnh của một êkíp làm phim nước ngoài.
Như Quỳnh sinh năm 1954 tại Hà Nội. Bà là con gái của cặp diễn viên cải lương - Tiêu Lang và Kim Xuân. Như Quỳnh tốt nghiệp ngành diễn viên sân khấu năm 1971. Hai năm sau, bà tham gia bộ phim đầu tiên mang tên Bài ca ra trận. Với vai cô Nết trong phim Đến hẹn lại lên, Như Quỳnh đoạt giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ ba (1975). Nghệ sĩ diễn xuất đa dạng trong nhiều bộ phim điện ảnh gây tiếng vang như Ngày lễ thánh, Chơi vơi, Chuyện của Pao, Lời nguyền huyết ngải..cùng hàng trăm bộ phim truyền hình. Như Quỳnh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988 và NSND năm 2007. |