Nhu cầu tuyển dụng trực tuyến tăng cao nhất trong 3 năm qua
- Tây Y
- 12:39 - 08/07/2015
Tại buổi họp báo công bố báo cáo nhân lực trực tuyến ngày 7/7 ở Hà Nội, ông Gaku Echizenya, Giám đốc Điều hành của VietnamWorks cho biết kể từ năm 2013, nhu cầu tuyển dụng (trong thời gian 6 tháng đầu năm) đã tăng liên tục từ mức tăng khiêm tốn 5% năm 2013, lên mức 25% năm 2014 và tăng cao nhất ở mức 34% năm nay.
Tra cứu thông tin tại một Trung tâm giới thiệu việc làm
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất đều tăng trưởng khá mạnh trong nửa đầu năm 2015, dẫn đến số lượng công việc nhiều nhất, trong vòng 3 năm qua. “Người tìm việc đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết để tìm được công việc mơ ước cho mình” - ông Gaku Echizenya nói.
Hầu hết các ngành có số lượng công việc đăng tuyển nhiều nhất đều tăng trưởng ở mức từ 20% trở lên, tạo nên kết quả rất khả quan của toàn thị trường. Trong đó, các ngành tăng trưởng nhanh nhất là kiến trúc/thiết kế nội thất (tăng 98%), tư vấn (tăng 95%), bán lẻ/bán sỉ (tăng 58%), quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại (tăng 51%), và sản xuất (tăng 49%).
Nhu cầu tuyển dụng được phân bố nhiều nhất cho các vị trí nhân viên có kinh nghiệm (chiếm 66%). Trong khi đó, các vị trí Trưởng phòng, Trưởng nhóm/giám sát, Giám đốc và Mới ra trường/thực tập lần lượt chiếm 16%, 12%, 3% và 3% tổng nhu cầu tuyển dụng nửa đầu năm 2015.
Nguồn cung nhân lực nửa đầu năm 2015 tăng 17% so với cùng kì năm 2014. Kết quả này tốt hơn rất nhiều so với tăng trưởng của các năm trước. Điều này thể hiện sự hồi phục của nguồn cung; tuy nhiên, sự hồi phục này vẫn chưa theo kịp nhu cầu nhân lực.
Các ngành đóng góp nhiều nhất vào sự hồi phục của nguồn cung nhân lực là ngành kế toán, hành chính/thư ký, kiến trúc/thiết kế nội thất, và xuất nhập khẩu.
Sự tăng trưởng vượt bậc của nhu cầu nhân lực tạo nên một thị trường rất khả quan cho người tìm việc.. Sáu tháng đầu năm 2015 là thời điểm thuận lợi nhất trong vòng 3 năm qua để ứng viên tìm việc, bởi số lượng đối thủ cạnh tranh ít hơn trong một thị trường có nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ cạnh tranh cũng có sự chênh lệch lớn giữa các ngành. Những ngành “nóng” như kế toán vẫn có tỷ lệ cạnh tranh rất gay gắt ở mức 1/85. Trong khi đó một số ngành lại lại hứa hẹn dễ tìm việc hơn như giáo dục đào tạo, dược-công nghệ sinh học, nghệ thuật-Thiết kế , nông lâm nghiệp, y tế-chăm sóc sức khỏe, hàng không/du lịch/khách sạn…
Khác với mức chênh lệch giữa các ngành, tỷ lệ cạnh tranh trên các địa phương không khác nhau nhiều. Thành phố có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (tỷ lệ 1/54).
Trong nửa đầu năm 2015, với số lượng công việc nhiều thứ 2 và số lượng hồ sơ ứng tuyển nhiều nhất toàn quốc, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vai trò trung tâm việc làm của Việt Nam.