CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Nhu cầu nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân là cấp bách

 

Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương Mai Thanh Thảo cho biết, trong những năm qua, Bình Dương là một trong những địa phương “hút” lượng lớn lao động trẻ đến làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. Điều này cũng đặt ra bài toán giải quyết nhu cầu nhà ở, trường học, bệnh viện,… các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu người lao động. Theo bà Thảo, việc xây dựng các thiết chế cho công nhân lao động là cần thiết, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.

Có căn nhà là niềm mơ ước của hàng triệu công nhân.

 

Để giải quyết bài toán thiếu nhà trẻ cho con em công nhân, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã vào cuộc xây dựng, duy trì tốt việc giữ trẻ cho con công nhân lao động. Hiện tại có một số đơn vị đầu tư xây dựng nhà trẻ cho con công nhân lao động với quy mô từ 2 đến 10 lớp, mỗi lớp có thể giữ từ 25 - 40 cháu, như: Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Becamex, Doanh nghiệp tư nhân May Quốc tế, Công ty TNHH liên doanh Chí Hùng… Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn các khu công nghiệp phối hợp vận động các doanh nghiệp trích kinh phí, quỹ đất để xây dựng những nhóm nhà trẻ để công nhân yên tâm gửi con và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn, cùng chung tay sản xuất để đưa chất lượng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm xây nhà giá rẻ cho công nhân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, để làm được căn hộ có giá rẻ bán cho công nhân thì cần phải có sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhà nước hỗ trợ quỹ đất sạch, cơ chế, thủ tục hành chính chứ không thể “bao sân” hết, vì vậy cần thực hiện xã hội hóa. Mặt khác, các dự án nhà xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp phải phù hợp với quy hoạch phát triển gắn với các tiện ích đi kèm.

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, hầu hết các công nhân lao động trong các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có nhà ở tập trung, nhà trẻ nên chủ yếu phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động, chăm sóc gia đình và con cái. Trước tình trạng đó, Tổng LĐLĐVN đã đầu tư hệ thống thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, diện tích khoảng 4ha. Hiện nay, 2 thiết chế nhà sinh hoạt đa năng và nhà trẻ đã được bàn giao tiến hành sử dụng. Theo ông Bảo: “Việc giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động như nhà ở, nhà trẻ cho con em của họ giúp người lao động không nhảy việc, không còn phải lo lắng tới vấn đề nhà ở, nhà trẻ, các dịch vụ phục vụ đời sống vật chất lẫn tinh thần hàng ngày cho người lao động. Điều này giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, giúp con công nhân lao động được ở gần, được bố mẹ chăm sóc, tăng mức độ gắn kết trong mỗi gia đình công nhân”.

Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch công đoàn CtyTNHH Toto Việt Nam cho biết, đa phần công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sống xa quê, phải đi thuê những nhà trọ chật chội; chấp nhận chi trả tiền thuê nhà trọ, điện, nước đắt đỏ. Vì vậy, công nhân lao động mong muốn Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quan tâm vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân lao động thuê với giá cả hợp lý. Mặt khác, có giải pháp giúp con công nhân lao động đượchọc ở trường công lập.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường khẳng định, nếu địa phương bố trí quỹ đất sạch, Tổng liên đoàn sẽ đầu tư, mỗi một khu tùy theo diện tích 3 - 5 ha với tổng mức đầu tư từ 500 - 700 tỷ đồng. Trong đó, Tổng liên đoàn sẽ bỏ ra khoảng 100 tỷ, còn lại là xã hội hóa thì sẽ có mức giá rất rẻ cho nhà ở công nhân bởi cùng 1 thiết kế dùng được ở nhiều địa phương, Tổng liên đoàn đàm phán với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng với giá ưu đãi,… Bên cạnh đó, địa phương cấp đất sạch cho đến hàng rào nên giá rẻ, dao động 5 -6 triệu đồng/m2.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh