CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân nước ta. Trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và Đảng Cộng Sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập-hòa bình-thống nhất; dân giàu-nước mạnh - dân chủ- công bằng - văn minh.

 

Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII sáng 25/9.

 

Tổng Bí thư đánh giá, trong nhiệm kỳ XI vừa qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động.

Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, tổ chức Tết sum vầy cho người lao động, xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa cho người lao động. Công đoàn cũng có nhiều biện pháp kịp thời giải quyết các việc liên quan đến công tác bảo vệ tình hình an ninh trật tự, quyền lợi, đời sống của công nhân lao động.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

 

Công đoàn cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ; Hoạt động tuyên truyền và giáo dục đã tạo được sự lan tỏa trong hệ thống; phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực.

Tổ chức công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, công tác tập hợp công nhân, người lao động đạt được nhiều kết quả. Số lượng đoàn viên tăng nhanh so với các nhiệm kỳ trước. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn rộng khắp trong các doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ công đoàn được nâng cao... Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân viên chức lao động đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh, khẳng định vai trò của Tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị…

“Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn và rất đáng  tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của phong trào công nhân và hoạt động của các cấp công đoàn trong cả nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

 

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Quốc hội và Chính phủ với 456 ý kiến, kiến nghị trong đó tập trung vào 5 vấn đề lớn của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước gửi tới Đại hội.

Thứ nhất, việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

Thứ hai, vấn đề hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quan hệ lao động, quyền và lợi ích của người lao động.

Thứ ba, việc thực thi các quy định pháp luật đối với người lao động và tổ chức công đoàn.

Thứ tư, vấn đề triển khai các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Thứ năm, về tổ chức, hoạt động và đảm bảo điều kiện hoạt động của Công đoàn Việt Nam và một số nội dung cụ thể khác.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể Đại hội nội dung các kiến nghị như sau:

Thứ nhất, về việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 22 -CT/TW ngày 5.6.2008 của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7.4.2014 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW.

Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9.1.2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ hai, về việc xem xét tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam so với các đoàn thể chính trị khác.

Trong quá trình xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và định hướng sửa đổi Quyết định 282-QĐ/TW ngày 1.4.2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Trung ương cần quan tâm đến tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam để đảm bảo cho Công đoàn có nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng với mô hình tổ chức phù hợp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc thù đó là: Theo pháp luật, Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động và nhiều quan hệ pháp luật khác. Công đoàn là một bên trong quan hệ lao động, một bên trong cơ chế ba bên gồm Chính phủ, Công đoàn và giới chủ, nên cần đảm bảo tính độc lập tương đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Công đoàn được giao quản lý tài chính, tài sản theo hệ thống dọc theo Nghị quyết của Đảng, Luật Công đoàn và các Nghị định của Chính phủ.

Công đoàn phải tự thu kinh phí để tổ chức hoạt động và trang trải cho tổ chức bộ máy.

 

Các đại biểu tham dự Đại hội.

 

Sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi Việt Nam ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm tới là một thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thứ ba, về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật: Quốc hội và Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

Các dự thảo luật cần được lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp, các quy định pháp luật đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế.

Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật.

Đảm bảo tính thống nhất, ổn định và từng bước hiện đại hệ thống pháp luật.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động sắp tới, cần quy định cơ chế giải quyết tranh chấp lao động theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả, khắc phục bằng được mô hình và cách thức giải quyết như hiện nay.

Quy định trách nhiệm đảm bảo bữa ăn giữa ca của người lao động thuộc về người sử dụng lao động. Quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng lao động và lĩnh vực lao động.

Quy định thời gian người lao động được nghỉ làm việc để tham gia học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định giờ làm thêm ở mức phù hợp và trả lương làm thêm giờ theo nguyên tắc lũy tiến.

Đảm bảo bình đẳng giới, không cắt giảm các chế độ tiến bộ đang áp dụng đối với lao động nữ.

Thứ tư, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với tổ chức công đoàn, giúp công nhân Việt Nam hội nhập, phát triển và được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động mà họ nỗ lực làm nên, để giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn - lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ năm, về công tác quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệpp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.

Thứ sáu, về vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn.

Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí đất đai và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các thiết chế công đoàn dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là nhà ở, trường học, trạm y tế, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống công nhân, giúp công nhân yên tâm làm việc, đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và đất nước.

Thứ bảy, về đảm bảo an ninh an toàn cho người lao động.

Trung ương và các địa phương cần đề ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại nơi làm việc và nơi ở.

Sửa đổi, bổ sung các quy định buộc người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc thực sự an toàn cho người lao động, nghiêm cấm các hành vi xúc phạm, ép buộc hoặc quấy rối tình dục ở nơi làm việc; đảm bảo an toàn tại các khu nhà trọ. Xử lý nghiêm các hành vi đánh bạc, trộm cắp, lừa đảo, tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi đang tấn công công nhân ở các khu nhà trọ.

Thứ tám, về nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách có tính đột phá về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung,đào tạo kỹ năng.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Có chế tài buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo người lao động.

Thứ chín, về tạo việc làm và thu hút người lao động vào khu vực chính  thức.

Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đầu tư ra nước ngoài, mở rộng địa bàn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động.

Đồng thời ban hành các chính sách, pháp luật nhằm thu hút người lao động vào khu vực chính thức, đảm bảo an sinh xã hội cho đông đảo người lao động.

Thứ mười, về công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư phải thực sự khoa học, chặt chẽ, có tính chọn lọc.

Các bộ, ngành, địa phương khi thẩm định, đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư, cần chú ý đến năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật.

Kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không chấp hành các quy định pháp luật, nhất là pháp luật Lao động và Công đoàn.  Hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh