Nhộn nhịp những chuyến vươn khơi cuối năm
- Dược liệu
- 02:10 - 23/01/2015
Đón xuân mới trên biển
Những ngày cuối năm, âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) lại tấp nập tàu thuyền, dòng người hối hả ra vào, một không khí rộn ràng nhưng không kém phần khẩn trương. Người chuẩn bị ngư lưới cụ, người nạp nhiên liệu cho tàu, người thì vận chuyển lương thực, đá lạnh,... tất cả đều rất hồ hởi và chờ đợi, bởi với họ đây là chuyến vươn khơi đón Tết giữa trùng khơi.
Anh Lê Văn Sang (quận Hải Châu)- chủ một tàu ĐNa – 90444- loại dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung, chia sẻ: “Tôi đón Tết trên biển không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng nhớ nhất vẫn là cái Tết cùng bộ đội ngoài Trường Sa, ở đó mọi người giống như anh em một nhà vậy.
Năm nay không đợi các tàu cập bến mà tôi sẽ chạy thẳng ra ngoài đó thu mua hải sản cho ngư dân, đồng thời tiếp tế thêm nhiên liệu để ngư dân yên tâm hơn cho những chuyến đánh bắt dài ngày mùa Tết”.
Ngư dân kiểm tra tàu trước chuyến đi biển dài ngày.
Nhiều chủ tàu thuyền ở Đà Nẵng xác định đón năm mới trên biển nên không khí chuẩn bị cho chuyến vươn khơi này khá kỹ càng. Với họ, biển cũng chính là nhà. Trời yên biển lặng, những con tàu dễ “no cá” sau hải trình xuyên Tết.
Trước đây ngư dân Đà Nẵng chỉ mở biển khai vụ đánh bắt sau Tết Nguyên đán. Mấy năm gần đây lại có nhiều tàu, thuyền ra khơi trong dịp cuối năm, bởi theo một số ngư dân cho biết, thường vào dịp Tết, cá mực nhiều hơn do thời tiết ngày càng ấm lên, lúc này nếu rẽ sóng vươn khơi sẽ trúng đậm.
Tất bật cùng cánh bạn thuyền đưa đá lạnh xuống khoang, nạp dầu và chuẩn bị các thiết yếu phẩm, anh Nguyễn Thanh Tuấn, chủ tàu QNg- 96059 (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) tâm sự, khác với các chuyến đi trước, lần này anh và các ngư dân theo tàu sẽ vươn khơi dài ngày lương thực phải chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là không thể thiếu hương vị đón năm mới như: bia, rượu, chả giò, thịt heo, bánh kẹo... “Chắc chắn ngày cuối năm, tàu chúng tôi sẽ ghé đảo Trường Sa lớn để chúc tết các chiến sĩ, bà con dân đảo”, anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Quyền, một chủ tàu dịch vụ hậu cần, kể rằng, trong các chuyến vươn khơi xuyên tết trước đây, trong đêm giao thừa, các chủ tàu sẽ quầy tụ gọi nhau cùng dồn về một chỗ để mọi người chúc nhau chén rượu đầy, sau đó nối kết nối tình cảm với đất liền qua những lời chúc tụng với gia đình bằng sóng bộ đàm. Vậy là Tết ở giữa trùng khơi vẫn có rượu, có ti vi, vẫn được nghe Chủ tịch nước chúc Tết và đón chào xuân mới với những bữa cơm thịnh soạn... chẳng khác gì ở nhà.
Vừa mưu sinh, cũng là trách nhiệm…
Chi phí cho một chuyến đi biển không ít nên nếu một chuyến vươn khơi trúng đậm sẽ vơi bớt nỗi cực nhọc mà bà con ngư dân hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm giữa trùng khơi.
Theo nhiều ngư dân miền Trung, một chuyến đi biển cuối năm có thể bằng 6-7 lần những chuyến ở thời điểm khác, vì vậy, dù không được thắp nén nhang trong đêm giao thừa để cúng ông bà, nhưng giữa biển khơi, anh em vẫn tập hợp trước mâm cúng trời biển, tổ tiên độ trì.
Thường xuyên ra khơi thu mua tôm cá dịp Tết, anh Hoàng Tấn Phát ghi nhận, đi biển ngày Tết là phải chịu thiệt thòi, không được đón giao thừa và quây quần bên mâm cỗ cuối năm cùng gia đình. Nhưng bù lại, khả năng trúng lớn, lãi cao hơn rất nhiều”.
“Đầu năm thường là thời điểm giá cả thị trường tăng vọt. Các mặt hàng thủy, hải sản khan hiếm hơn, thế nên thu nhập mỗi chuyến tàu đi biển về sau Tết cũng cao hơn nhiều so với ngày thường”, anh Nguyễn Văn Sơn (Quảng Ngãi), chủ tàu QNg- 90352 nói vậy.
Như anh Sơn tâm sự, chịu khó xa gia đình, ăn Tết trên biển thì các ngư dân không chỉ làm giàu cho gia đình, cho quê hương, mà còn mang trên mình một trọng trách lớn là cùng nhau canh giữ vùng trời, vùng biển đảo quê hương. Ban Tác chiến (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) cho biết, trong những chuyến vươn khơi cuối năm, các tàu của ngư dân thường đi thành các nhóm, tổ đội, họ báo nhau các “tọa độ vàng” để cùng đánh bắt và cũng làm “tai mắt” cho ngành chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống vi phạm trên biển...
Bà con ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước chuyến vươn khơi xuyên Tết.
Được biết, hiện hầu hết các đội tàu đánh bắt xa bờ ở các tỉnh, thành miền Trung có công suất trên 90CV đều đã được trang bị đầy đủ máy bộ đàm tầm xa, máy siêu âm dò cá, máy định vị vệ tinh... Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh luôn vận động tàu thuyền liên kết thêm để phát triển hơn nữa dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí... Đồng thời, hình thành các tổ, đội tàu lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc tầm xa tạo thuận lợi trong việc thông tin liên lạc, thông báo cho nhau về luồng cá...
Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố vừa ban hành quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tàu đóng mới có tổng công suất máy chính từ 400cv đến dưới 600cv được hỗ trợ vay 500 triệu đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 600cv đến dưới 800cv: 600 triệu đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 800cv trở lên: 800 triệu đồng/tàu. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục hỗ trợ 100% phí và lệ phí đăng ký, đăng kiểm, đăng ký kinh doanh cho tàu đóng mới.