CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Nhớ Trung thu xưa

 

Đèn ông sao được làm bằng giấy bóng kính màu xanh, đỏ, vàng.

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Bảy âm lịch, khắp phố phường Hà Nội bắt đầu xuất hiện những quầy bánh Trung thu màu mè, đầy đủ chất liệu, ngọt, thơm, béo ngậy. Phố Hàng Mã thì rực rỡ sắc màu của đèn lồng, đèn ông sao, những chiếc trống to nhỏ, rồi ngập tràn các loại đồ chơi của Trung Quốc. Bất giác, trong tôi nỗi nhớ da diết về Tết Trung thu xưa, Trung thu của tuổi thơ, của bọn trẻ quê mũi thò lò, quần áo xộc xệch và nhếch nhác, nhưng cứ hớn hở chơi đùa, chạy nhảy cùng với những trò chơi tự chế, vậy mà lại vui và ấm áp đến vô cùng…

Ngày ấy, bọn trẻ quê chúng tôi háo hức mong đến Tết Trung thu nhiều lắm, để được bà và mẹ hái những trái hồng rám nắng mang ngâm cùng nước giếng và tro bếp, trái bưởi trên cây cũng được lựa những quả ngon nhất để hái xuống, chiếc bánh thơm phức mùi bột gạo và lá chanh được mẹ mua về nâng niu chờ đêm Trung thu phá cỗ.

Năm nào cũng thế bà lại cắt sẵn những tờ giấy pơ luya mỏng tang, trắng ngần thành những hình vuông và nhuộm bằng màu của hoa tươi để đến Trung thu làm một bình hoa giấy. Còn lũ trẻ chúng tôi thì thi nhau tích cóp những hạt bưởi, bóc vỏ và xiên vào sợi dây thép, phơi khô chờ đêm Rằm mang dây hạt bưởi ấy ra đốt sáng. 

 

Trung thu xưa.

Gần tới đêm rằm, không khí càng rộn rã. Bố đi tìm nan tre và giấy kính màu đỏ để hướng dẫn chúng tôi vót nan, dán giấy, làm đèn ông sao, đèn con thỏ. Chúng tôi đứa xay gạo làm bột để nấu thành hồ dán rồi cũng hì hà hì hục làm những chiếc đèn ông sao. Đèn của bố cánh thẳng, nan đều tăm tắp. Đèn của con thì méo mó, vẹo vọ, ông sao như đang ngủ gật. Chẳng hề gì, con vẫn hớn hở đem khoe chiến tích thủ công đầu đời với tụi bạn.

Đến đêm Trung thu, ngày hôm đó bọn trẻ chúng tôi đi học về thật nhanh, tắm rửa qua loa, ăn vội vàng bát cơm, rồi ý ới gọi nhau ra sân kho của khu để chờ đến giờ phá cỗ. Khi ấy, ở nông thôn, mỗi khu trong xã đều có một chiếc sân kho lát gạch dùng để phơi lúa và họp hành, cũng làm gì có ghế để ngồi, bọn trẻ con chúng tôi đứa ngồi phệt xuống, đứa nào lịch sự thì kê tạp chiếc dép. Tiết trời tháng Tám nhưng vẫn oi ả lắm, chúng tôi tìm hơi gió mát bằng những chiếc quạt do bà và mẹ làm bằng nan tre và lá cọ, thế rồi cứ thi nhau quạt phành phạch.

Trung thu thuở đó ở miền quê, những món quà cũng thật giản đơn. Chúng tôi ngồi xếp thành hàng ngay ngắn trong sân kho, khi các chị phụ trách đến, sau phần văn nghệ và một số trò chơi “Rồng rắn lên mây”… là chia quà, mỗi đứa được hai, ba cái kẹo giấy vặn hai đầu, một, hai múi bưởi chua, ăn vào vẫn bị đắng và he nơi đầu lưỡi, chiếc bánh nhỏ xinh hình con vật ngộ nghĩnh. Chẳng cần chờ lâu, những cái kẹo được chúng tôi tay thoăn thoắt bóc vội vàng giấy rồi bỏ tọt vào miệng, ngậm cho tan dần dần để tận hưởng hương vị ngọt ngào của nó chứ chẳng dám nhai ngấu nghiến.

Tiếp đến là tiết mục hát cá nhân, mỗi người khi hát xong được thưởng một cái kẹo. Chị phụ trách vừa dứt lời, nhiều cánh tay giơ lên, có đứa hát không hay nhưng cứ đòi hát cho bằng được để lấy phần kẹo mang về cho bà, cho mẹ và cất đi để dành cho chính mình. Tan cuộc, các chị phụ trách ra về, nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn nán lại, nhâm nhi từng tép bưởi rồi ngắm nghía ông trăng tròn vành vạnh, chị Hằng và chú Cuội rồi nghêu ngao câu hát: “Chú Cuội ngồi gốc cây đa / Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…”.

Đèn lồng cá chép.

Trăng quê về khuya càng sáng tỏ, ánh trăng lấp lánh rọi xuống nương chè xanh tốt, bụi tre già bên đường thổi rì rào từng cơn gió, chờ tới khi đám mây len lỏi che khuất ánh trăng, bọn nhóc chúng tôi mới chịu ra về…

Giờ đây, nơi phố thị, cuộc sống hiện đại, Trung thu ngày hôm nay đầy đủ, tròn vẹn hơn rất nhiều. Ánh trăng kia, vẫn chú Cuội và chị Hằng  ở đó, nhưng cũng không sáng tỏ bằng thứ ánh sáng trong vắt xuyên qua mấy bụi tre làng. Nhưng những kỷ niệm về Trung thu xưa thì vẫn luôn còn mãi trong tôi. Trung thu của tuổi thơ thiếu thốn nhưng tràn đầy yêu thương và ấm áp. Trung thu của những giá trị truyền thống khó phai mờ trong ký ức mỗi con người…

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh