THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:31

Giới trẻ Hà Nội hào hứng với Tết Trung thu xưa

 

Ngày nay, đồ chơi ngoại ngày càng lấn chiếm thị trường đồ chơi cho trẻ nhỏ, còn các mặt hàng đồ chơi truyền thống đã từng một thời gắn bó với biết bao thế hệ trước đây đang dần vắng bóng.

Tuy vậy, đâu đó tại những góc phố nhỏ của Hà Nội, vẫn còn những người thợ cặm cụi ngày đêm để làm ra những món đồ chơi cổ truyền độc đáo như: Mặt nạ giấy, tiến sĩ giấy, tàu thủy sắt tây, đèn ông sao, đầu lân sư tử... 

Giới trẻ tự tay làm những đồ chơi dân gian.

Đại diện ban tổ chức nhóm My Hanoi, bạn Nguyễn Thúy Hằng cho biết chương trình trải nghiệm "Trung thu nay - Còn đó những nét xưa" với chủ đề giới thiệu nét đẹp của những đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi và ông tiến sĩ giấy hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ yêu thêm những đồ chơi dân gian từ thời xưa cũ. Thông qua chương trình, các em sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn, sâu hơn với những món đồ chơi dân gian xưa. Không chỉ vậy, các em còn được các nghệ nhân dạy lại cách làm đồ chơi như đèn ông sao, tiến sỹ giấy, mặt nạ giấy bồi… từ đó giúp các em hiểu hơn về văn hóa truyền thống, về ngày Tết Trung thu và cả nỗi vất vả của những nghệ nhân đằng sau những món đồ chơi hấp dẫn. Trong tương lai, hy vọng các em sẽ có thêm niềm yêu thích, đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bạn Nguyễn Diệp Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đồ chơi hiện nay đều được nhập từ nước ngoài, những món đồ chơi truyền thống gần như bị mai một nên giờ đây được tận mắt nhìn thấy những món đồ này em rất thích. Đây cũng là lần đầu tiên em được trải nghiệm việc tự tay làm một món đồ chơi truyền thống. Riêng tiến sĩ giấy hôm nay em mới được nhìn và biết đến”.

Các bạn trẻ hào hứng trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết, mặt nạ giấy bồi là một thứ trò chơi lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô; song đến nay không mấy người còn gắn bó với đồ chơi này nữa. Theo ông Hòa, để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống cần trải qua nhiều công đoạn, với sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ, sau đó lót giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt, rồi bắt đầu dán. Khoảng 5 hoặc 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ hình thành một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được dính với nhau bằng một loại hồ được đun chín từ bột sắn. Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô. Công đoạn tô màu cuối cùng là quan trọng nhất, vì nó quyết định phần hồn của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu, màu này khô thì mới được tô tiếp màu khác. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị nấm lem. Có một chú ý là khi phơi khô mặt nạ, thì phải để khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu, nếu dùng máy sấy làm khô thì mặt nạ sẽ bị biến dạng.

Mặt nạ giấy bồi có nhiều hình dạng khác nhau như: Tôn Ngộ Không, Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, co hổ, con trâu… Năm nay, ông Hòa còn sáng tạo ra nhiều hình mẫu mới như: Người nhện… để phục vụ nhu cầu khách hàng. “Đã có những lúc tưởng chừng phải bỏ nghề vì sự xâm lấn của các đồ chơi Trung Quốc với những mẫu mã đa dạng hơn, đẹp hơn. Nhưng bằng lòng say mê, tôi vẫn bám trụ với nghề. Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là sự mai một của nghề có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Hòa chia sẻ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh