Nhớ tiền nhân qua những thư tịch cổ
- Văn hóa - Giải trí
- 14:22 - 27/03/2016
Trong những cuộc du ngoạn qua nhiều làng quê của Quảng Bình, chúng tôi may mắn được tiếp cận với một “kho vàng” di sản, đó là nguồn thư tịch cổ phong phú mà nhiều thế hệ cha ông đã để lại. Chứng tích lịch sử phủ màu thời gian này chứa đựng trong đó huyền tích của một vùng quê, truyền thống trăm năm của một dòng họ hay là những tinh hoa ngôn ngữ tổ tiên đã trân trọng lưu dấu lại cho con cháu hôm nay.
Sắc phong hàng trăm năm tuổi vẫn còn nguyên giá trị.
Tìm về nguồn cội
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, ông Tạ Đình Hà (Đồng Mỹ, Đồng Hới) khẳng định Quảng Bình có một kho tàng thư tịch cổ phong phú, đó là hệ thống các sắc phong, thần phả, gia phả, văn bia... Những di sản quý báu này hiện vẫn đang tản mát trong dân gian, được nhiều thế hệ con cháu các gia tộc, dòng họ giữ gìn theo nhiều cách khác nhau.
Hầu hết các đình làng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh đều đang sở hữu một số lượng các sắc phong, thần phả. Hay những dòng họ ở khắp mọi làng quê đều có một vài cuốn gia phả trải qua hàng trăm năm tuổi đời, mang đậm dấu ấn của một vùng đất, một làng quê.
Ngay trong chính những cuốn gia phả nhuốm màu thời gian này, không ít thế hệ hậu sinh của các dòng họ đã tìm được nguồn cội, gốc gác cha ông. Dòng họ Nguyễn Văn (Hạ Trạch, Bố Trạch) có cuốn gia phả hơn 540 tuổi bằng chữ Hán, là một trong số những cuốn gia phả có tuổi đời lâu nhất của mảnh đất Cao Lao Hạ này.
Với ước mong tìm hiểu sâu sắc hơn về nguồn gốc ông cha, các thế hệ con cháu của dòng họ đã tìm thuê người dịch để rồi từ đó, bức màn bí ẩn của dòng họ hàng trăm năm tuổi đã được vén lên.
Ông Nguyễn Văn Khoác (81 tuổi), trưởng họ Nguyễn Văn ở Hạ Trạch cho biết: Theo sự kết nối gia phổ từ hội đồng gia tộc Đại tôn Nguyễn Cương Quốc Công ở Nghệ An và thư tịch cổ của làng cũng như các tư liệu lịch sử, thì họ Nguyễn Văn tại Hạ Trạch của chúng tôi hiện nay thuộc Đại Tôn Nguyễn Cương Quốc Công.
Ông Khoác là hậu duệ đời thứ 18 của đại tôn. Thủy tổ của họ là ngài Đại tướng quân, Dực Bảo Trung Hưng Thần Hoàng Chi Thần Nguyễn Văn Khai - Tướng quân thời Lê Thánh Tông. Ngài là con trai thứ 2 của Phấn Võ Vệ, Tam Phụ Quốc Đồng Trị, Triều Liệt Hầu Nguyễn Bá Kiệt, là cháu nội của Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí-một khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Khi đưa hai cuốn gia phả ra đối sánh, có một sự trùng lặp thiêng liêng về nguồn gốc, xuất xứ của nhiều đời con cháu hai miền quê.
Soi dấu tiền nhân qua những thư tịch cổ còn sót lại, con cháu Lý Hòa hôm nay có quyền tự hào về truyền thống hàng trăm năm tuổi, nguồn gốc thiêng liêng của mảnh đất vững chải bên bờ biển Đông.
Tháng 12-2012, theo dấu thư tịch cổ, hội đồng họ tộc Nguyễn Văn tại Cao Lao Hạ - Hạ Trạch đã cử một đoàn gồm 12 người, do ông trưởng họ Nguyễn Văn Khoác dẫn đầu về Nghệ An dự đại lễ Giỗ Đức tổ “Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí” lần thứ 547.
Trở lại những cuốn thư tịch cổ hàng trăm năm tuổi, hơn bao giờ hết, những di sản có sức sống bền bỉ ấy có sức mạnh rút gọn khoảng cách thời gian và không gian. Tương tự như câu chuyện của dòng họ Nguyễn Văn-Cao Lao Hạ, tại Lý Hòa (nay là xã Hải Trạch, Bố Trạch-PV), trong thần phả đình Lý Hòa và gia phả các dòng họ trong làng ghi lại thì cách đây gần 400 năm trước, một số dòng họ của làng Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vượt biển, vượt sóng để vào phía Nam tìm đất lập nghiệp.
Khi đi qua cửa Gianh chừng 2 hải lý, thấy dãy núi lan xuống biển, cạnh đó là một cửa sông, giữa quãng núi và sông có một dải cát dài bằng phẳng, họ đã có dự cảm tốt lành về một tương lai nhiều hứa hẹn.
Những con người “đạp bằng sóng dữ” ấy đã chọn mảnh đất có địa thế đặc biệt này để dựng nhà, lập làng, khởi nghiệp. Và đất đã không phụ công người. Chính nơi vùng quê “thượng sơn, hạ thủy”, “núi giăng một phía, biển vây ba bề” này đã nuôi sống bao đời con cháu họ, cùng chở che họ trong những năm tháng chiến chinh, đói nghèo.
Qua gần 400 năm gắn chặt đời mình với mảnh đất này, những ngư phủ vượt sóng, vươn khơi, tìm đất xưa đã sản sinh ra bao thế hệ con cháu đỗ đạt. Cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Duy tại Lý Hòa là cuốn gia phả cổ hiếm hoi còn sót lại, do ông Nguyễn Duy Cần, vị Tiến sỹ của đời vua Thiệu Trị viết bằng tay đã khắc họa rõ nét truyền thống khoa bảng của vùng đất Lý Hòa nói chung và con cháu dòng họ Nguyễn Duy nói riêng.
Soi dấu tiền nhân qua những thư tịch cổ còn sót lại, con cháu Lý Hòa hôm nay có quyền tự hào về truyền thống hàng trăm năm tuổi, nguồn gốc thiêng liêng của mảnh đất vững chải bên bờ biển Đông.
Báu vật trăm tuổi
Ông Trương Quang Phúc, chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh hiện đang giữ một trong những di sản của triều Nguyễn Tây Sơn, mà theo ông, đây được coi là bản sắc phong hiếm hoi còn sót lại của triều đại này. Đó là sắc phong của vua Quang Trung ban cho Trung Lang Thượng Tướng Quân Trương Công Trấn-vốn là thành hoàng của làng Minh Lệ (Quảng Minh thị xã Ba Đồn).
Dòng họ Nguyễn Duy (Hạ Trạch, Bố Trạch) vẫn giữ gìn cẩn thận các cuốn gia phả quý giá.
Bản sắc phong được ban vào năm Quang Trung thứ 2 (1789). Theo ông chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh thì đây là nguồn tư liệu cực kỳ quý hiếm, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử các danh nhân, danh tướng vì sau khi vua Gia Long dựng nên triều Nguyễn đã ra lệnh triệt hạ, đốt hết các di tích, giấy tờ, văn bản... có liên quan đến triều Tây Sơn. Những tư liệu này vừa mang giá trị lịch sử vừa mang giá trị tinh thần thiêng liêng cho những thế hệ con cháu về sau.
Tiền nhân đã để lại cho nhiều thế hệ con cháu nguồn di sản văn hóa quý báu. Đó còn là những bài học ứng nhân xử thế, là lời nhắc nhở các bậc hậu sinh nghĩ về quá khứ, sống tốt cho hiện tại. Trong cuộc đời dịch thuật, tiếp cận với nhiều loại hình văn bản Hán Nôm, ông Trương Quang Phúc ấn tượng nhất với một bản xử kiện có từ thời vua Tự Đức thứ 18 của quan tri huyện Bố Trạch, hiện đang được lưu giữ tại Đức Trạch (Bố Trạch).
Đó là kết luận xử án về một vụ tranh chấp đất đai của anh em họ Hồ ở Đức Trạch thời điểm ấy. Trước những tranh cãi gay gắt của anh em trong cùng một gia đình, quan tri huyện Bố Trạch đã tuyên bản án hợp tình hợp lý.Bản án được dịch nghĩa: “Giao hồi cho trưởng thôn và trưởng tộc họ Hồ cùng tổ chức hội họp, bàn bạc tìm người kế thừa theo đúng lễ giáo mà xử cho thỏa đáng. Chấm dứt việc kiện tụng. Nếu kiện tụng sẽ làm thương tổn đến tình cảm họ hàng”. Bản kết luận có chữ ký của nguyên đơn Hồ Văn Phổ, điểm chỉ của các ông Hồ Văn Hưu, Hồ Văn Nghiên và Hồ Văn Cận.
Thư tịch này cho thấy đã có một mệnh lệnh hành chính của chính quyền nhằm hướng đến một không khí ôn hòa, tránh tranh chấp giữa anh em, họ tộc. Và lẽ đương nhiên, văn bản này còn có giá trị thiêng liêng đối với con cháu đời nay, như một lời nhắc nhở về cách đối nhân xử thế với chính anh em, gia đình mình.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một cuộc thống kê tổng lực nào về kho vàng di sản thư tịch cổ đang tồn tại, tản mát trên nhiều làng quê của Quảng Bình, nhưng giá trị mà những di sản này mang đến là điều không thể phủ nhận.
Dù bằng cách này hay cách khác thì nhiều làng quê, nhiều họ tộc và nhiều gia đình vẫn đang âm thầm gìn giữ những thư tịch cổ nhuốm màu thời gian ấy như một sự tri ân đối với những tinh hoa mà tổ tiên đã trân trọng lưu dấu đến hôm nay.