Nhớ một thời đập lúa
- Văn hóa - Giải trí
- 00:35 - 13/05/2015
Chính vì lẽ đó mà mỗi khi mùa gặt tới người nông dân cực kỳ vất vả, khi vừa phải ra đồng gặt lúa, vừa phải chuyên chở lúa về sân nhà rồi tiếp theo là công đoạn đập lúa. Ngoài ra, khi đập lúa xong còn phải phơi thóc, phơi rơm... Nỗi vất vả còn tăng lên gấp bội phần khi gặp phải trời mưa...
Công việc đập lúa được xem là vất vả và “nặng” nhất trong mùa gặt bởi để đập hết khoảng 1 sào ruộng lúa thì hai, ba nhân công phải thay nhau đập trong khoảng thời gian từ 3-4 giờ đồng hồ. Nếu như máy phụt của thời nay thì 1 sào lúa chỉ mất chưa đến 10 phút là thóc sạch sẽ ra đằng thóc, còn rơm tuôn ra phía rơm.
Hay như với máy tuốt lúa đạp chân của những năm thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước thì cũng chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ là tuốt xong xuôi số lượng lúa của 1 sào. Đập lúa thủ công bằng tay không chỉ lâu công mà người đập rất mệt, rất mất sức. Khi đập phải quăng bó lúa lên cao quá đầu rồi dùng sức vả mạng xuống bàn đập cho những hạt thóc rụng khỏi rơm.
Việc quăng bó lúa lên và đập xuống như vậy được lặp đi lặp lại đến cả hơn chục lần cho tới khi bó lúa không còn sót những hạt thóc mới vứt bỏ sang một bên. Cứ thế, các bó lúa cứ lần lượt được đập cho tới khi hết thì thôi. Việc đập lúa thường là 3-4 người trong gia đình tập trung làm, bởi sau một khoảng thời gian đập độ nửa tiếng, khi người này đập đã mệt thì người khác phải thay ca.
Đồ nghề đập lúa khá đơn giản khi công cụ chủ đạo chỉ là chiếc bàn đập kê ở giữa sân gạch. Thường bàn đập là chiếc cối đá đại nặng đến vài tạ tròn bủng như chiếc thúng cái, được đục đẽo từ đá xanh nguyên khối. Hầu như nhà ai cũng có 1 chiếc cối đá như thế để ngày mùa làm bàn đập lúa. Khi không làm bàn đập lúa thì cối đá trở về đúng với tác dụng của nó là dùng giã cua, giã bột, giã gạo…
Vật dụng nữa không thể thiếu khi đập lúa đó là chiếc néo dùng để kẹp bó lúa lại khi đập. Néo đập lúa được làm bằng hai thanh tre đực tròn, chắc dài chừng 30cm, và một chiếc dây thừng bện to dài khoảng 20cm buộc nối giữa hai thanh tre lại với nhau ở đoạn gần cuối thanh tre.
Khi đập, người ta lấy một bó lúa to chừng bằng bắp đùi người lớn dùng néo kẹp lại rồi vặng dây chéo cho bó lúa neo chắc để khi đập xuống bàn đập các nhánh lúa không bị xổ ra. Hơn nữa, khi người đập cầm ở hai bên tay néo vừa tốn ít lực hơn, mà bó lúa đập xuống mặt bàn đập lại mạnh, đồng thời hạt thóc rụng nhiều, bó lúa nhanh sạch.
Nhà tôi làm hơn mẫu ruộng, ngày mùa gặt, đập liên miên, nên khi chưa đủ lên mười tôi đã được mẹ huấn luyện việc đập lúa. Thoạt đầu, sức yếu, việc đập lúa không những lâu mà còn chẳng được bao nhiêu so với người lớn, nhưng đập mãi thành quen nên chỉ vài ba năm sau tôi đã trở thành lao động đập lúa chính của gia đình khi mùa gặt tới.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn vào giai đoạn ấy không chỉ riêng tôi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng tiếp xúc với việc đập lúa từ khá sớm, bởi con nhà nông thì việc gì mà chẳng phải học và làm được!
Tuổi thơ tôi đã trải qua biết bao những buổi đập lúa vất vả, và mãi cho tới lúc tôi xa quê lên thành phố học thì việc đập lúa không còn nữa. Người dân quê đã dùng máy tuốt lúa đạp chân nhẹ nhàng và nhanh hơn rất nhiều.
Bây giờ gia đình tôi và nhiều gai đình nơi thôn quê dân giã vẫn còn giữ được những chiếc cối đá đại mà ngày xưa dùng làm bàn đập lúa. Nó được úp ở góc sân, mỗi lần về nhà nhìn thấy nó trong tôi lại trào dâng chút hoài niệm về một thời đập lúa vất vả...