CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:02

Nhớ cái Tết ở nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hầu như Tết năm nào ông cũng đi chơi chợ hoa. Ông ngắm cảnh chợ Tết, thưởng thức nét đẹp của cây và hoa, ân cần trò chuyện hỏi thăm cuộc sống, tình hình làm ăn trong một năm qua của những người trồng hoa. Những lúc ấy gương mặt ông thật vui, thanh thản...

Cách đây đúng một giáp, 30 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (2002), cha tôi (nhà văn Hữu Mai) và nhà thơ Hữu Thỉnh, bấy giờ là Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam vào chúc Tết sớm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi được đi theo tháp tùng. Một giò lan tím khẽ rung rinh ở cuối căn phòng. Trên mặt chiếc bàn bằng mây, hoa thủy tiên chớm nở, một hũ mứt gừng và ấm trà sen pha sẵn. Phòng khách nhà Đại tướng sáng 30 Tết thật giản dị và ấm cúng!

Ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. ảnh:IE

Nếp nhà ngày Tết

Sinh thời, bao giờ trước Tết, Đại tướng cũng sang nhà Bác Hồ thắp hương.

Dịp Tết, trong nhà Đại tướng thường có nhiều chuyện vui. Những năm 80 -90 của thế kỷ trước, khoảng 26 - 27 Tết nhà bắt đầu mổ lợn. Trong suốt thời kỳ kinh tế đất nước còn khó khăn, các con ông thường phải nuôi lợn tăng gia.

Chị Võ Hạnh Phúc kể: “Thường thì sáng ngày 27 mổ lợn, chiều gói bánh chưng luôn. Các chị và cô Kỹ cấp dưỡng trực tiếp chuẩn bị và gói bánh. Ba mẹ chị khuyến khích các con cần biết và duy trì những phong tục tập quán của dân tộc. Bánh gói xong được luộc trong một cái thùng phuy to, mọi người thức suốt đêm canh bánh. Lúc vớt bánh, hầu như các con cháu đều có mặt, ai cũng háo hức. Những ngày cận Tết, chị Hồng Anh, chị Hòa Bình và các em dâu thường cùng nhau làm mứt”. “Nhiều lắm, mứt gừng, mứt dừa, mứt quất, nhưng ba mẹ tôi thích mứt gừng nhất” - chị Phúc nhớ lại.

Trong khi cả nhà chuẩn bị đón Tết, Đại tướng thường đi bộ và ghé vào ngồi bên bếp lửa trò chuyện với các con, các cháu và vui vẻ nếm thử miếng mứt dừa các con mới làm xong. Các cháu nội ngoại thường xin ông cho đi bộ cùng một quãng. Đi bộ là thói quen vận động mà Đại tướng duy trì đến tận cuối đời. Những ngày điều trị trong Bệnh viện 108, ông vẫn đi bộ dọc hành lang khi có thể, ngày hai lần.Lệ tự gói, tự nấu bánh chưng ngày Tết ở nhà 30 Hoàng Diệu được duy trì trong nhiều năm. Sau này, khi các anh chị xây dựng gia đình và bận bịu công tác không làm được thường xuyên thì các cháu nội, ngoại Đại tướng lại tiếp tục công việc này như một dòng chảy truyền thống, tự nguyện thành nếp...

Đêm 30 Tết, Đại tướng và phu nhân thường thắp hương gia tiên trước rồi đi nghỉ, ít khi ông bà thức đến giao thừa. Bởi vì, ông luôn giữ nếp sống điều độ và tự giác tuân thủ các quy định bảo vệ sức khỏe bác sĩ đề ra. Trong tất cả mọi việc, ông là người rất tôn trọng nguyên tắc và công việc của người khác, cho dù người ấy ở cương vị nào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân cùng con cháu đi dạo trong vườn nhà. ảnh:IE

Sáng mùng một Tết, năm nào Đại tướng cũng khai bút đầu xuân, đây có lẽ là nếp có từ hồi trẻ của một nhà giáo. Từ trước, khi ở Văn Miếu xuất hiện “phố ông đồ”, những năm đầu 90, ông đã đến đây gặp các ông đồ và viết thư pháp mừng xuân. Rồi khi có hội chợ sách xuân, thành lệ, ông đi hội chợ sách cùng các thành viên trong gia đình những ngày giáp Tết.

Sau ngày ông ra đi, nhiều thành viên gia đình được các nhà báo hỏi về cách dạy dỗ, giáo dục của Đại tướng dành cho con cái. Các con ông trả lời: Rất nhiều, nhưng tóm lược lại thì đó là Năm điều Bác Hồ dạy. Nếu ông học ở Bác dĩ công vi thượng thì ông muốn các con trong mỗi việc, dù nhỏ nhất, không biết thì bảo là không biết nhưng việc đã nhận là phải làm bằng được. Khi có chắt, một câu nói của ông mà người trong nhà bây giờ vẫn hay nhắc lại: “Làm chắt cho tốt!”. Ông rất ghét sự thất hứa và giả dối.

Trong gia đình, các con cháu thường được nghe ông bà kể và trao đổi các câu chuyện và bài học lịch sử. Đại tướng khuyến khích việc tìm hiểu lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Ông nắm vững thiên hướng, sở trường, sở đoản của từng người con và đưa ra những lời khuyên để các con tự quyết định. Ông cũng dạy các con một nguyên tắc sống ngắn gọn: tự học, tự lập, tự chủ.

Một điều đặc biệt nữa là ông dạy các con, các cháu kỹ năng nghe và ghi. Bản thân ông, khi làm việc bao giờ cũng có sổ và bút. Khi các con, các cháu đi học, đi làm xa, ông bà đều hay viết thư và nhắc mọi người thường xuyên viết thư về nhà. “Thời internet mới thấy những lá thư tay thật quý, trong từng nét chữ mang tình cảm của người viết. Những lá thư đó nhìn thật khác những dòng chữ giống nhau gõ ra từ máy tính” - Ngọc Anh, cháu gái của Đại tướng chia sẻ.

Vị Đại tướng yêu hoa

Những lần vào chúc Tết Đại tướng và phu nhân, nhiều người thường bắt gặp ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách là một chậu hoa lan rất đẹp. Chị Hạnh Phúc kể lại: “Biết ba chị thích hoa lan, Tết năm nào các anh, chị cũng chuẩn bị một đến hai giò phong lan và hai chậu địa lan kính biếu ông bà”.

 Ngoài phong lan, loài hoa lan Đại tướng yêu thích là địa lan bắc. Những người chơi lan đều hiểu đó là cây địa lan của đồng bằng Bắc bộ, lá dài quãng 50-60 cm, hoa mầu nâu đỏ, thanh ngọc, vàng hoặc mầu trắng khiêm nhường, nhưng thanh tao. Đặc biệt, hoa thường nở vào mùa xuân. Đại tướng nói, loài lan này thanh lịch, rất Hà Nội và đặc biệt có hương thơm.

Đại tướng thư giãn bên ban công ngôi nhà.ảnh: IE

Hầu như Tết năm nào ông cũng đi chơi chợ hoa. Ông ngắm cảnh chợ Tết, thưởng thức nét đẹp của cây và hoa, ân cần trò chuyện hỏi thăm cuộc sống, tình hình làm ăn trong một năm qua của những người trồng hoa. Những lúc ấy gương mặt ông thật vui, thanh thản. Trong sân và phòng khách những ngày Tết, luôn có hoa đào và mai vàng.

Đại tướng chăm cây cảnh trong vườn nhà.Ảnh:IE

Trước nhà, hai bờ dọc đài phun nước đã bao năm nay vẫn có hai hàng mai trắng được chăm sóc chu đáo. Năm mới, phòng riêng của ông bà thường đặt một chậu mai với những cánh hoa trắng sữa bé xíu, vừa sang trọng, vừa thanh khiết.

Những loài hoa Đại tướng thích thường có hương thơm dịu nhẹ, mộc mạc và quen thuộc như hoa trà, hoa ngọc lan, hoa nhài, hoa mộc... Hoa nhài trắng là loài hoa mẹ ông lúc sinh thời trồng quanh hiên nhà, ở 30 Hoàng Diệu. Trông thấy hoa như thấy người, phải chăng là vậy?

Đại tướng của nhân dân

Năm Giáp Ngọ 2014 này, đất nước ta sẽ kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta cùng nhớ tới Tết Giáp Ngọ 1954 của 60 năm trước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đón một cái Tết lịch sử cùng các chiến sĩ của mình trong khu rừng Mường Phăng sương giá.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng gọi những ngày đó là “Tết Quang Trung của thời đại mới” - mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, những người lính của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã không nghỉ ăn Tết, hành quân thần tốc về Thăng Long tiêu diệt giặc Thanh.

Những ngày giáp Tết năm ấy, Đại tướng thao thức không ngủ. “Tôi nghĩ đến hàng chục vạn đồng bào đang sát cánh cùng bộ đội, không được cùng người thân ngồi bên nồi bánh chưng đón giao thừa tại quê hương” (Hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện).

Sáng mùng một Tết, Đại tướng dậy sớm, xuống chúc Tết cơ quan tác chiến, đoàn cố vấn quân sự và các đơn vị. Còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu trận tiến công mở màn chiến dịch, nhưng ông bỗng thấy cần phải có ngay một cái gì đó trong ngày đầu xuân tại Điện Biên Phủ. “Một cái gì đó”, phải chăng là quà xuân ông muốn gửi tặng bộ đội và dân công ta?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại người dân Điện Biên dịp ông lên thăm chiến trường xưa năm 2004.ảnh:IE

Đại tướng gọi dây nói chúc Tết Bộ Tư lệnh pháo binh rồi hỏi: “Có định làm gì để chào mừng năm mới không?” - “Báo cáo: Anh em đã sẵn sàng” - “Được. Cho bắn vào sân bay!”. 10 trái đạn đại bác 75 ly giội trúng sân bay Mường Thanh báo hiệu nỗi kinh hoàng 56 ngày đêm mà quân Pháp sắp phải hứng chịu. Đó cũng là cách chào xuân của Đại tướng dành cho đội quân xâm lược!

Những năm sau này, Tết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường gắn với bộ đội và nhân dân. Ông về chiến khu Việt Bắc, lên thăm lại Điện Biên Phủ, đón Tết cùng nhân dân và đồng đội năm xưa. Đại tướng luôn yêu thương và bình đẳng với chiến sĩ, gần gũi và tôn trọng đồng bào. Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, vì vậy người chỉ huy cao nhất của đội quân ấy là vị tướng của nhân dân.

* * *

Trở lại mùa xuân Nhâm Ngọ mười năm trước. Hôm ấy cha tôi vốn không chuyên về thơ nhưng đã cảm tác mừng thọ Đại tướng một bài thơ Xuân gồm 12 chữ Sáng, hàm ý mỗi chữ tương ứng với 10 năm tuổi. Cha giao cho tôi tìm chỗ thêu bài thơ lên bức trướng gấm mầu đỏ. Cận Tết, nhiều cửa hàng đã nghỉ. May mắn có một nghệ nhân sau khi đọc bài thơ đã nhận lời: “Thơ mừng Đại tướng thì bận mấy chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm xong, còn cái khác thì hẹn sang năm nhé!”.

Xin chép lại bài thơ tặng bạn đọc một kỷ niệm của gia đình và thay lời kết bài viết này:

SÁNG

Đêm dài thế kỷ

Sáng một vì sao

Trận địa chiến hào

Sáng một quyết định

Quân hùng tướng mạnh

Sáng một người Anh

Trăm trận trường chinh

Sáng một nhân tướng

Con đường của Bác

Sáng một đức tin

Chuyện đời ấm lạnh

Sáng một nụ cười

Trang đau nhân loại

Sáng danh một người

Sáng Võ

Sáng Văn

Sáng Nhân

Sáng Soái

Nghe xong, Đại tướng ôm lấy cha tôi hôn và nhắc lại hai lần tám chữ: “Duyên nợ văn chương, mối tình chung thủy”. Chắc hẳn giờ này Đại tướng và nhà văn đã gặp nhau rồi.

Trần Hữu Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh