THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:44

Nhìn lại đợt thi thử THPT Quốc gia tại Hà Nội: Được và chưa được

 

Từ ngày 20-22/3, học sinh lớp 12 của Hà Nội chính thức tham gia thi thử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Trong đợt thi này, các em phải làm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Năm nay, chỉ môn Ngữ văn là học sinh thi theo hình thức tự luận, còn các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn Toán, Lịch sử và các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ kiểm tra tư duy logic của học sinh. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp xáo trộn nhằm đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh, tránh tình trạng “học lệch, học tủ”.

Qua kỳ thi này, từng trường học, giáo viên có thể nhìn lại quá trình giảng dạy, học tập để điều chỉnh cho tốt hơn nhằm phục vụ cho kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6/2017.

 

Học sinh Hà Nội xem lại đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017.


Học sinh căng thẳng vì thời gian thi liên tục

Trong đợt thi thử này, thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút. Tuy nhiên, học sinh phải làm bài thi liên tục giữa các môn thi nên nhiều em cảm thấy căng thẳng. Đặc biệt, học sinh thi hết môn thứ nhất và thứ 2 phải nộp lại đề thi, giấy nháp cho giám thị. Điều này đã khiến cho các em muốn xem lại đề, kiểm tra kiến thức của bản thân cũng rất khó khăn.

Học sinh Nguyễn Mai Hoa, lớp 12 D0, trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết: “Với tổ hợp môn Khoa học Xã hội toàn những môn nhiều sự kiện, yêu cầu học sinh phải ghi nhớ nhiều mà không có thời gian nghỉ giữa các môn thì thật sự là căng thẳng với chúng em.

Em có ý kiến là nếu được thay đổi thì Bộ GD&ĐT có thể cho thí sinh nghỉ từ 15-20 phút khi chuyển sang môn thi khác. Có thể thời gian thi kéo dài hơn cũng được nhưng sẽ làm cho học sinh đỡ vất vả, mệt mỏi hơn”.

Về việc hội đồng thu lại đề thi và giấy nháp, học sinh Nguyễn Mai Hoa cho rằng, việc làm như vậy sẽ khiến học sinh khó xem lại kiến thức và tính điểm để chọn trường đại học phù hợp với số điểm thi đạt được.

Trước những băn khoăn của học sinh, bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm Hà Nội nêu quan điểm, thông thường học sinh thi xong đều có tâm lý mang đề thi và giấy nháp để kiểm tra lại câu hỏi và đáp án mình làm. Trong một đề thi có tới 40 câu hỏi chứ không ngắn gọn như đề thi các năm trước nên có thể học sinh sẽ không nhớ hết đáp án mình đã tích vào đề trắc nghiệm.

Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh dự đoán được kết quả bài thi trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, Bộ GD&ĐT nên lắng nghe ý kiến của học sinh, có thể thu lại đề thi 2 môn đầu tiên nhưng sau khi kết thúc 3 môn thi, học sinh có thể được trả lại đề và giấy nháp.

Trái ngược với kỳ vọng của học sinh mong có một khoảng thời gian nghỉ khi tiếp tục thi môn tiếp theo, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, việc không có nhiều thời gian nghỉ ngơi giữa các môn thi có thể rèn luyện thêm cho học sinh biết thích nghi với những áp lực và sẵn sàng tiếp nhận những khó khăn trong cuộc sống.

Đối với việc không được mang đề thi và giấy nháp về, ông Nguyễn Quốc Bình nhìn nhận, quy định này của Bộ GD&ĐT cũng là nhằm tránh thí sinh không tập trung vào làm bài thi môn sau mà chỉ chú trọng vào làm bài thi môn trước đó. Điều này cũng là khách quan, công bằng giữa các thí sinh với nhau

Về nguyên tắc, khi học sinh thi xong môn thứ nhất và thứ hai thì giám thị phải thu lại đề, giấy nháp quản lý suốt cả buổi thi.

Nếu các hội đồng thi lại có thêm công đoạn mang đề thi nộp trở lại phòng thi để trả cho thí sinh thì rất phiền phức như có thể xảy ra trường hợp học sinh phản ánh là sau khi kết thúc môn đầu tiên, có bạn A, bạn B vẫn  được giám thị cho để đề thi ở lại.

Sai sót trong đề thi: Giải pháp nào khắc phục?

Năm nay là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức thi thử nhiều môn theo hình thức trắc nghiệm và mỗi thí sinh làm 1 mã đề thi riêng biệt, các câu hỏi bị xáo trộn, cấu trúc đề không thống nhất. Để chuẩn bị cho đợt thi thử này, Hà Nội cũng đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia giáo dục có trình độ và uy tín tham gia vào công tác ra đề thi.

 

nhin lai dot thi thu thpt quoc gia nam 2017 tai ha noi hinh 2Câu 37 trong mã đề 015 của đề thi môn Toán có sai sót nên không có đáp án đúng.


Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc thi thử môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 diễn ra chiều 20/3, một số học sinh đã phản ánh, đề thi Toán khá dài, việc làm hết trong 90 phút là rất khó. Đặc biệt, có một câu sai khi không có đáp án nào đúng.

Chưa hết, ngay sau khi kết thúc buổi thi môn Hóa học sáng 21/3, nhiều thí sinh phát hiện đề thi môn này có sai sót ở câu số 62, đề số 3, phương án C không có nội dung. 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận sai sót trong quá trình làm đề môn Toán. Đề bị sai là do "lỗi đánh máy" giữa -1 và 1  của câu 37 nói về hàm số ở mã đề 015 nên không có đáp án nào đúng.

Còn sai sót trong đề thi Hóa học là do "lỗi copy" trong quá trình in ấn đề thi. Tuy nhiên, khi học sinh chưa bắt đầu làm bài thi, phía Sở đã phát hiện ra sai sót và yêu cầu các hội đồng thi nhắc nhở thí sinh không chọn đáp án C. Dù không có nội dung nhưng đáp án đúng nằm ở 1 trong 3 phương án còn lại, do đó, việc này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bài thi của thí sinh.

Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong đợt thi thử này nhưng từ những sai sót trong quá trình ra đề thi, ngành Giáo dục cần có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu để chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt hơn, đây là năm đầu tiên chúng ta tổ chức nhiều môn thi trắc nghiệm thì việc Bộ GD&ĐT càng cần phải thận trọng hơn tới xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn, chặt chẽ, khoa học, không có sai sót để không ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và xã hội khi kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6/2017.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh