CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:59

Nhìn lại 5 năm thực hiện nghị quyết của Đảng về lĩnh vực ASXH và phát triển KT-XH

 

PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Cụ thể hóa những quan điểm nhận thức lớn của Đảng vào giải quyết các vấn đề xã hội thuộc ngành LĐ - TB&XH, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương Năm (Khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, đã nhấn mạnh: (1) Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (2) Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; (3) Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng; (4) Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng và thực hiện Hiến pháp năm 2013, Bộ LĐ - TB&XH đã tham mưu hoạch định chính sách để hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân: Phát triển việc làm, mở rộng sự tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải cách chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo bền vững. 

Hoàn thiện hệ thống chính sách, hướng tới việc làm bền vững

Bộ luật Lao động sửa đổi (2012): Tiếp tục phát triển thị trường lao động, tăng cường điều kiện hoạt động của các đối tác tham gia thị trường lao động (Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức môi giới trung gian và người lao động); tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm.

 Luật Việc làm (2013): Lần đầu tiên Việt Nam có luật hướng đến khu vực kinh tế phi chính thức, đã tạo điều kiện để hỗ trợ lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Hiện tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã và đang xây dựng để đưa Bộ luật Lao động và Luật Việc làm vào thực tiễn.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về Việc làm và Dạy nghề tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm. Bình quân mỗi năm, Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế (lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp...) được tạo cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động được hoàn thiện và phát triển. Thông tin, số liệu về cung, cầu lao động được cập nhật hàng năm, đưa lên cổng thông tin để các tỉnh, thành phố khai thác.

Năm 2015, cả nước có 52,9 triệu người có việc làm. Chuyển dịch cơ cấu việc làm theo ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm, năm 2015 còn 44,3% (giảm 4,4% so với năm 2010). Đến cuối năm 2014, cả nước có trên 19 triệu lao động làm công ăn lương, chiếm trên 36% tổng số việc làm.

Năm 2015, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục, 115.000 người, đưa tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên trên 500.000 người.

 Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn luôn duy trì ở mức thấp, năm 2015 là 2,31%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,29%.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm, tặng quà hộ nghèo tại Bắc Ninh.

 

Ưu đãi và chăm sóc tốt hơn người có công 

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã bổ sung chính sách, mở rộng đối tượng, từng bước nâng mức trợ cấp chính sách ưu đãi người có công phù hợp điều kiện kinh tế của đất nước (mức chuẩn trợ cấp năm 2015, tăng 71,2% so với năm 2010).

 Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 21.000 tỷ năm 2011 lên trên 32.000 tỷ đồng năm 2015.

 Việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm đúng, đủ và kịp thời tới đối tượng được hưởng.

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, qua đó đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Đời sống người có công không ngừng được cải thiện, đến cuối năm 2015 có 98,5% hộ chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú, tăng thêm 8,5% số hộ so với năm 2010.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày Ngành LĐ-TB&XH tại Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế xã hội.

 

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt không ngừng mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng  

Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng, điều kiện hưởng và hình thức hỗ trợ ngày càng mở rộng.

Nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội được đa dạng, kết hợp ngân sách trung ương, địa phương và của xã hội.

Các hình thức trợ giúp ngày càng đa dạng, bao gồm tiền mặt hàng tháng, tiền nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch…

Đến năm 2015, cả nước có gần 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (xấp xỉ 3% dân số); cả nước có 408 cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập, đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41.450 đối tượng bảo trợ xã hội.

Công tác cứu trợ đột xuất đã được thực hiện tương đối tốt và kịp thời, hầu hết những hộ gia đình và cá nhân chịu hậu quả thiên tai đều được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Hệ thống pháp luật liên tục phát triển đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường, bảo vệ tốt người lao động trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa hình thức sở hữu. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp 

Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, về cơ bản đã tạo khuôn khổ pháp luật cho toàn bộ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và đa số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (2014): Mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; tăng cường chế tài đối với việc trốn đóng bảo hiểm xã hội; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; đề xuất giải pháp khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội; hiện đại hóa công tác quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Luật Việc làm (2013): Mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (mọi lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp). 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tại Đại hội Thi đua yêu nước của Ngành lần thứ IV

Luật An toàn, vệ sinh lao động (2015): Mở rộng diện tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với cơ chế đóng, hưởng linh hoạt; đầu tư cho hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; hỗ trợ duy trì khả năng tham gia lao động cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đến cuối năm 2015, cả nước có trên 12,07 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm trên 23% lực lượng lao động (trong đó, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 11,85 triệu người, tăng trên 2,25 triệu người so với cuối năm 2010; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 223.000 người, tăng trên 148.000 người so với cuối năm 2010).

 Cả nước hiện có gần 2,6 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

 Có trên 9,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với cuối năm 2010.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tác dụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn vừa qua: Từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2015 có trên 2,07 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 1,7 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; trên 122.000 lượt người được hỗ trợ học nghề...

Hướng tới giảm nghèo toàn diện và bền vững

Chính sách giảm nghèo tiếp tục được hoàn thiện theo hướng: Tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện; tập trung giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, huyện nghèo; cải cách, đổi mới thể chế chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo; cải cách quản lý, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

 Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục - đào tạo; tiếp cận y tế; hỗ trợ đối với hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế; sửa đổi chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo về mức vay và lãi suất vay; với hộ cận nghèo, được sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian cho vay  đối với hộ mới thoát nghèo; chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động tiếp tục được hoàn thiện, trong đó ưu tiên cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ về nhà ở, tiền điện cho hộ nghèo. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và Lãnh đạo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào thăm Sàn GDVL TP. Huế.

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nghèo theo chuẩn Quốc gia còn dưới 4,5%; các chương trình giảm nghèo đã có tác dụng tích cực làm tăng khả năng thoát nghèo của hộ nghèo, giảm khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc; đời sống của người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế được cải thiện và nâng cao.

An sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản thể hiện đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hướng vào mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, được thể chế thành hệ thống luật pháp và chính sách, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định, an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí thăm cơ sở dạy nghề.

Trong thành tựu chung của đất nước, có sự góp sức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống và hội nhập là hết sức cần thiết. Theo đó, kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, điều chỉnh các quan hệ mới theo hướng nhà nước xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò trụ cột trong thực hiện chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật...

Tạo cơ chế để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro trong đời sống cùng với việc hướng dẫn triển khai thực hiện các thể chế chính sách mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặt cho ngành LĐ - TB&XH yêu cầu cao. Chúng ta - những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

 

 

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng  Huỳnh Văn Tí: Dạy nghề cần đột phá mạnh khi Cộng đồng ASEAN hình thành 

Năm 2015, công tác dạy nghề đã có nhiều nỗ lực cố gắng, và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong năm, Tổng cục Dạy nghề đã tập trung triển khai đẩy mạnh các giải pháp đột phá về chất lượng dạy nghề và đào tạo nhân lực hướng tới hội nhập ASEAN, với một loạt chương trình, đề án được triển khai như: Xây dựng và hoàn thiện khung trình độ quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; chuyển giao các bộ chương trình từ nước ngoài cho các nghề trọng điểm và tổ chức đào tạo thí điểm; tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; tích cực triển khai đầu tư phát triển các trường nghề trọng điểm chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg; Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề; Thí điểm xây dựng và đưa vào áp dụng mô hình hệ thống quản lý chất lượng tại một số trường cao đẳng nghề chất lượng cao…

Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức thành công Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc (từ ngày 21 đến 26/9/2015 tại TP. Đà Nẵng), thu hút sự tham gia của 236 thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố đến từ 159 cơ sở dạy nghề toàn quốc, trong đó có 105 trường cao đẳng nghề và 44 trường trung cấp nghề, 6 trung tâm dạy nghề. Tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 tổ chức tại TP. Sao Paulo, Brazil (từ ngày 5 đến 17/8/2015), lần đầu tiên đoàn thí sinh Việt Nam đã giành 1 HCĐ sau nhiều lần tham dự…

Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề trong những năm gần đây đã và đang có sự điều chỉnh, bám sát nhu cầu thị trường lao động, chuẩn bị cho hội nhập khi Cộng đồng chung ASEAN hình thành. Tỷ lệ HSSV học nghề có việc làm sau tốt nghiệp cao, xu hướng chọn học nghề thay cho học đại học, đang có những tín hiệu dịch chuyển tích cực…

Năm 2015, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn vào đại học là 15 điểm, nhiều học sinh đạt trên 20 điểm vẫn lựa chọn sang đăng ký học nghề. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các trường nghề cả nước đã tuyển sinh được 1.979.199 người (đạt 92,1% so với kế hoạch); trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được 210.104 người (đạt 84,0% so với kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.769.095 người (đạt 93,1% so với kế hoạch).

Năm 2016 và những năm tiếp theo, dự báo lĩnh vực dạy nghề vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trước dự báo này, Bộ LĐ - TB&XH đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề và các bên liên quan chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra với tinh thần quyết tâm nâng cao chất lượng lao động, nguồn nhân lực khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Bộ LĐ - TB&XH đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách quan trọng hỗ trợ người học, HSSV và giáo viên dạy nghề như chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; chính sách nội trú đối với HSSV học cao đẳng, trung cấp…

Hy vọng, với Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống, và việc rà soát lại đầu tư các trường cao đẳng nghề chất lượng cao, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh, toàn ngành dạy nghề sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong năm 2016... 

Phạm Tuấn


Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: 5 năm qua, Việt Nam khẳng định là một điểm sáng về giảm nghèo cả trong nước và cộng đồng quốc tế 

Giai đoạn 2016 – 2020, chính thức áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, đây được xem là cuộc thay đổi lớn góp phần giảm nghèo bền vững đồng thời mở ra bước ngoặt mới về nhận thức trong công tác giảm nghèo.

Để chuẩn bị, ngay trong năm 2015, Bộ đã có những văn bản gửi UBND các địa phương hướng dẫn quy trình điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó các địa phương tiến hành xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-Tg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi cả nước, để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay một số địa phương đã xong, các địa phương khác sẽ hoàn thành trong tháng 1/2016. Theo kế hoạch trong quý I/2016 sẽ hoàn tất việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới.

Khi tiếp cận đa chiều, đòi hỏi năng lực thuận hữu, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương phải được thống nhất về quan điểm, nhận thức, cách chỉ đạo. Đa chiều sẽ toàn diện hơn, các chính sách cần phải bám sát vào mục tiêu đa chiều để rà soát, bổ sung sửa đổi, sao cho khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng và đặc biệt của người nghèo, tránh sự thụ động của người dân. Để làm được điều đó, chính sách phải thay đổi. Trước đây chúng ta cứ hỗ trợ mà không có điều kiện, ràng buộc nên đã thiếu khích lệ sự vươn lên của người nghèo. Vì thế, chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ cho vay hoặc cho mượn vốn, mượn các vật tư, thiết bị sau đó người nghèo sử dụng làm ăn vươn lên, bảo toàn, để nhân rộng cho người khác. Đấy là cách chúng ta phải chuyển đổi.

Thứ nữa, cái khó trong giảm nghèo giai đoạn tới là phải hoàn thiện hệ thống giám sát đánh giá chính xác, xây dựng những thước đo cho phù hợp; rồi cơ chế, phân cấp trao quyền ra sao cho cộng động, về địa phương sao cho chủ động, và phải coi họ là chủ thể của chương trình, của chính sách; họ quyết định làm gì, như thế nào, và chúng ta chỉ hỗ trợ thôi, hỗ trợ một phần còn đóng góp, huy động ở cộng đồng một phần; rồi chúng ta tạo khuôn khổ cho họ, còn lại trao toàn bộ vấn đề triển khai thực hiện cho hiệu quả, tự quyết.

Cùng với đó, giai đoạn tới kết hợp hai CTMTQG nông thôn và giảm nghèo. Hai chương trình này có nhiều mục tiêu thống nhất: cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn, tăng khả năng phát triển kinh tế, sinh kế để tăng thu nhập cho người dân, xây dựng hệ thống chính trị bền vững, văn hóa nông thôn… Tuy nhìn về hình thức đều là hướng về nông thôn, đều lo cho người dân, nhưng mỗi chương trình có mục tiêu theo đuổi và ưu tiên khác nhau. Chương trình nông thôn thì làm theo diện cả nước, còn giảm nghèo lại tập trung vào các vùng đặc biệt nghèo, vùng DTTS. Do vậy phải có sự lồng ghép về nguồn lực, để thực hiện một cách hiệu quả nhất các nhiệm vụ ở địa phương. Tới đây, quan trọng là mặc dù nguồn lực đi hai kênh nhưng đều đi xuống dưới xã và hiểu nôm na là, các xã nghèo đồng bào DTTS sẽ được nhiều hơn các xã bình thường khác; thứ nữa là chúng ta thống nhất về cơ chế, quản lý, điều hành, thậm chí giải ngân, thanh quyết toán hai chương trình này phải thống nhất với nhau và dễ thực hiện, dễ lồng ghép cho địa phương. Đấy là những việc chúng ta phải làm trong lồng ghép cả 2 CTMTQG này. Ghép lại chung một Ban chỉ đạo là thuận lợi cho điều hành, để nhằm mục tiêu lồng ghép tốt chính sách giữa địa phương.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, chúng ta tiếp tục khẳng định cả trong nước và cộng đồng quốc tế: Việt Nam là một điểm sáng về giảm nghèo. Mặc dù khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên đặc biệt cho chương trình giảm nghèo và các chính sách giảm nghèo. Bình quân các huyện nghèo đang trên 5%, cả nước là 2% cho cả giai đoạn đấy là một thành tựu, một điểm sáng. Còn quan trọng là bộ mặt trên miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số rộng, nên chúng ta làm cả hai nhóm vấn đề: Tác động hộ nghèo để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cuộc sống ; mặt nữa là tác động vào cộng đồng , đầu tư hạ tầng cải thiện đường điện, thủy lợi, các công trình cho người dân các dịch vụ xã hội cơ bản, y tế, giáo dục… chúng ta đều đã làm tốt. Từ nguồn vốn của chương trình, nhiều dự án giảm nghèo được xây dựng và triển khai tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, giúp đời sống của người dân cải thiện.

Thanh Nhung

 

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Hoàn thiện hệ thống chính sách về pháp luật lao động, tiền lương...

Ngay từ đầu năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động, tập trung triển khai luật pháp lao động, tiền lương, đặc biệt xây dựng và triển khai các Nghị định qui định chi tiết Bộ luật Lao động về lao động, tiền lương, quan hệ lao động đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao dộng. Trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP tăng từ 250.000 đồng – 400.000 đồng tùy theo từng vùng (tăng bình quân 12,4%). Đã thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu vùng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ tháng 10/2011, sớm hơn lộ trình 1 năm theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); mức lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng bình quân trên 2,3 lần so với năm 2011.

Thu nhập bình quân/tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III/2015 là 4,61 triệu đồng, tăng khoảng 1,9 triệu so với năm 2010. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động để người sử dụng lao động, người lao động hiểu và thực hiện theo qui định của pháp luật. Đề nghị Ban chấp hành công đoàn cơ sở cùng với doanh nghiệp xây dựng các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động để có thêm nguồn trả lương, hỗ trợ thêm người lao động trong các dịp lễ, Tết (đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và có biện pháp xử lý kịp thời doanh nghiệp vi phạm các qui định về lao động, tiền lương. Có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP công khai trong doanh nghiệp, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong dịp Tết năm 2016; phối hợp với công đoàn xây dựng phương án tiền thưởng Tết dương lịch và Tết âm lịch năm 2016 và thông báo cho người lao động biết.

  Trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động. Tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp và phù hợp với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

VL(ghi) 

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài

 Năm 2015, kết quả đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt con số rất ấn tượng, gần 120.000 lao động. Trong đó, Đài Loan(Trung Quốc) gần 70.000 người, Nhật Bản gần 30.000 người, Hàn Quốc mặc dù chúng ta chưa nối lại được Thỏa thuận thông thường nhưng theo Thỏa thuận đặc biệt đã đưa đi được gần 6000 người. Bên cạnh đó cũng mở ra được những thị trường lao động mới, chúng ta đã triển khai chương trình đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại CHLB Đức, Nhật Bản. Có thể nói, chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài từng bước được nâng cao, 100% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi. Để đạt được kết quả này phải kể đến công tác thông tin tuyên truyền phổ biến các thị trường đã tốt hơn. Hiệp hội xây dựng bộ qui tắc ứng xử, tuân thủ luật pháp của nước sở tại theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã tiến hành nghiêm túc hơn. Quá trình xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thực hiện nghiêm túc hơn, chính vì thế mức phí bước đầu đã được giảm, mặc dù chưa phải ở mức chúng ta mong muốn, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực. Ở đây cũng phải nói thêm khía cạnh nữa trong công tác XKLĐ, chúng ta rất tự hào là lao động của Việt Nam cần cù, chịu khó, họ có mong muốn đi học tập, làm việc ở nước ngoài đê tăng thu nhập, song lại có hạn chế về mặt ngoại ngữ, thậm chí cả ý thức tuân thủ kỷ luật. Chính vì thế, các doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng. Nếu như lao động của chúng ta chuẩn bị tốt hơn, từ ngoại ngữ, sức khỏe, tay nghề, ý thức làm việc, tuân thủ luật pháp thì chắc chắn là mức phí giảm được chứ không phải cạnh tranh. Để đạt được thành tích này là còn có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổ chức tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách, đặc biệt có sự nỗ lực vào cuộc của các doanh nghiệp.

Năm 2016, bên cạnh việc mở thêm những thị trường XKLĐ mới, chúng ta cũng hướng đến mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động kỹ thuật cao. Trong thời gian tới, thị trường tiếp nhận lao động trình độ cao của Việt Nam vẫn là CHLB Đức và Nhật Bản. Bên cạnh đó, lao động trình độ cao của Việt Nam cũng có cơ hội làm việc ở một số nước như: Hàn Quốc theo chương trình thẻ vàng, một số nước Trung Đông- kỹ sự xây dựng, lao động nghề hàn 3G, 6G.

Về thị trường Hàn Quốc, chúng ta đang nỗ lực để nối lại thị trường, có thể nói 90% lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc muốn sử dụng trở lại vì có kinh nghiệm, cần cù, chăm chỉ, chịu khó và cũng dễ dàng hội nhập. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn lao động Việt Nam trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc tuân thủ pháp luật nước bạn, là lao động trung thành mẫu mực, trở về nước đúng thời hạn, có khả năng tiếng Hàn tốt thì hoàn toàn có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Đặc biệt, để giảm tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chúng ta đã và đang triển khai nhiều việc, trong đó có qui định ký quỹ trước khi xuất cảnh, ban hành Nghị định xử phạt, ngoài ra còn có những giải pháp mạnh, tuyên truyền, thành lập văn phòng của Trung tâm Lao động ngoài nước tại Hàn Quốc để thường xuyên gặp gỡ người lao động  và vận động họ quay trở về nước đúng thời hạn. Tổ chức rất nhiều phiên giao dịch việc làm để người lao động tại Hàn Quốc khi trở về Việt Nam có cơ hội tìm được việc làm trong nước. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền vận động truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, tổ chức hội nghị để vận động...

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cũng làm việc với các địa phương, đặc biệt là 10 địa phương có lao động ở lại đông nhất, chiếm tới 80% số lao động hiện nay đang cư trú bất hợp pháp nhằm cảnh báo các địa phương, nếu không giảm được, khi thị trường Hàn Quốc được nối lại Thỏa thuận thông thường thì sẽ không được tham gia. Trong thời gian tới, dự  kiến sẽ tăng cường cán bộ biết tiếng Hàn và đổi mới hoạt động của văn phòng tại Hàn Quốc, có thể thường xuyên gặp gỡ chủ doanh nghiệp để tăng cơ hội tuyển chọn lao động Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ người lao động để giúp họ tuân thủ luật pháp trong nước và luật pháp nước sở tại, đặc biệt là phải khơi dậy niềm tự tôn dân tộc trong mỗi người lao động. Hy vọng, những biện pháp đã và tiếp tục được triển khai trong năm 2016 sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tỉ người lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc sẽ giảm và chúng ta sẽ có cơ hội nối lại được thị trường này.

Huyền Minh (ghi)


Uỷ viên dự khuyết BCH trung ương đảng khoá XII, Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Quyền trẻ em được quan tâm và thực hiện tốt hơn

Trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường, quyền trẻ em ngày càng được bảo đảm. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (tên gọi mới là Luật Trẻ em) đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII với những nội dung điều chỉnh quy định cụ thể về độ tuổi trẻ em, bảo vệ trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, địa phương, gia đình và xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để trẻ em được thực hiện đẩy đủ quyền tham gia của mình. Chương trình nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, 100% chính sách, pháp luật về trẻ em ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em…

Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu là mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Theo kế hoạch, Chương trình phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5% trên tổng số trẻ em so với đầu kỳ; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại. 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Đảm  bảo cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ cao bị hạn chế phát triển bình thường về thể chất, tinh thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận các dịch vụ này thuận lợi, hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; thực hiện các chương trình chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5,6%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với các chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt nam”, “Em không phải bỏ học”, “Cùng em đến trường”. Kết quả huy động Quỹ trong 5 năm đạt trên 350,7 tỷ đồng. Gần đây nhất, Bộ cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chương trình thiện nguyện “Cặp lá yêu thương”, bước đầu thu hút được sự quan tâm, chung tay, giúp sức của toàn xã hội hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, trong đó trẻ em là tiêu điểm của chương trình.

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án về bảo vệ chăm sóc trẻ em, được tổ chức thường xuyên hàng năm trên phạm vi cả nước với nhiều hoạt động như: “Tháng hành động vì trẻ em”, “Diễn đàn trẻ em”… được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Năm 2016, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra với các hoạt động cụ thể như: Tiếp tục triển khai các văn bản, chính sách, chương trình, kế hoạch đã ban hành.Đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Đảm bảo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận và hưởng cách chính sách trợ giúp xã hội; Bố trí ngân sách, vận động nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc thực hiện luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

Vân Khánh (ghi)

 

Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh