Nhiều vấn đề “nóng sốt” vào đề Văn lớp 12
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:41 - 02/05/2016
Thời gian này, nhiều địa phương, trường học trong cả nước tổ chức thi học kỳ 2, kỳ thi thử THPT Quốc gia hay những bài kiểm tra để học sinh lớp 12 tập “tập dượt” với kỳ thi THPT Quốc gia chính thức sắp tới.
Nhìn chung, đề thi Văn đều dựa hướng dẫn cấu trúc của Bộ GD&ĐT, tương tự cầu trúc đề thi năm 2015, theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn liền với thực tiễn và câu hỏi vận dụng. Đề thi gồm 3 phần: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Đặc biệt, rất nhiều vấn đề thời sự dân sinh nóng sốt cũng như vấn đề gắn liền với đời sống giới trẻ được các địa phương đưa vào đề thi ở phần nghị luận xã hội. Đề thi không chỉ thú vị, hấp dẫn mà còn mang tính giáo dục, đề cập đến vai trò, trách nhiệm của người trẻ đối với chính bản thân mình và xã hội.
Trong câu 1, phần 2 đề thi thử THPT Quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An trích dẫn nội dung từ bài viết Thạc sĩ, cử nhân học trung cấp: Đi lùi tìm giá trị thực đăng tải trên báo Dân trí: “Thực tế thất nghiệp đã mở ra làn sóng liên thông “ngược” khi thạc sĩ, cử nhân đổ xô học trung cấp để kiếm việc làm”.
Từ đó, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hiện tượng này trong bài văn khoảng 600 từ.
Đề kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ văn lớp 12 của Quảng Ngãi yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận (khoảng 300 từ) để bày tỏ suy nghĩ của mình về hiện tượng chọn nghề theo thị hiếu xã hội của không ít học sinh hiện nay.
Hiện tượng nhiều bạn trẻ có thói quen nghiện chụp ảnh tự sướng để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình xuất hiện trong đề thi Văn kỳ thi thử THPT Quốc gia của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Ninh.
Ở TPHCM, Trường THPT Lê Quý Đôn đưa nhiều vấn đề thời sự nóng sốt vào đề kiểm tra Văn học kỳ 2, kiểm tra nhanh trong hoạt động ôn tập kỳ thi THPT Quốc gia.
Cụ thể, trong đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 12 của trường, câu nghị luận xã hội đề cập đến hai quan điểm khác nhau về sự tử tế. Giữa ý kiến “Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết” và ý kiến khác: “Xã hội ngày nay sống tử tế là quá khó khăn”.
Đề đặt câu hỏi cho học sinh: Vậy anh/chị hiểu thế nào là sống tử tế? Hãy trình bày quan điểm của bản thân về sống tử tế trong cuộc sống hiện nay.
Đặc biệt ở phần đọc hiểu văn bản của đề thi này trích dẫn nội dung về con số thực trạng người Việt bị ung thư, người Việt đang đầu độc nhau để kiếm tiền bằng mọi cách. Đó là tình trạng an toàn thực phẩm, tình trạng lãng phí trong xã hội…
Từ đó đề ra yêu cầu cho thí sinh hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (bằng cách đưa ra một giải pháp mà anh chị cho là thiết thực nhất để người Việt “thôi độc ác với nhau”).
Nhiều ý kiến đánh giá đây là một đề thi hay, thời sự và cũng hóc búa. Học sinh nếu thiếu tư duy logic, lập luận và những dẫn chứng thuyết phục sẽ rất khó để giải quyết đề.
Vấn đề thời sự được đông đảo mọi người quan tâm nhất thời điểm này là “chọn cá tôm hay chọn nhà máy” cũng được Trường THPT Lê Quý Đôn đưa vào đề Văn kiểm tra nhanh học sinh lớp 12 diễn ra vào ngày 27/4.
Theo đó, trong phần đọc hiểu văn bản, đề thi trích dẫn quan điểm của một bạn đọc về câu trả lời của đại diện nhà máy thép Formosa “Chọn bắt tôm cá hay chọn nhà máy?” đăng trên báo Tuổi trẻ.
Ngoài các câu hỏi về phân tích văn bản, đề cũng đặt ra câu hỏi: Theo quan điểm của em, tôm cá hay nhà máy thép quan trọng hơn? Hãy trình bày quan điểm của mình trong đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 dòng.
Nhiều đề thi từ các địa phương đưa vào những vấn đề thời sự nóng sốt được chia sẻ trên mạng xã hội nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Nhiều người đánh giá, với sự thay đổi của cách ra đề thời gian gần đây, đề thi ngày càng gắn liền với thực tiễn. Ngoài yêu cầu am hiểu, nắm rõ các tác phẩm văn học, đọc hiểu văn bản, đề thi càng tăng “nhiệt” với phần nghị luận hấp dẫn, thiết thực giúp học sinh thoát khỏi cảnh học tủ, học thuộc mà đòi hỏi cần có kiến thức cả ngoài sách giáo khoa cũng như có lập luận để có thể nói lên quan điểm của cá nhân. Đồng thời thông qua các kỳ thi này, các em có thêm dịp “thử sức” trước kỳ thi THPT Quốc gia chính thức.